Ngành than đá ở Cộng hòa Séc hồi sinh đối phó với giá năng lượng cao
Ở khu vực phía đông bắc Cộng hòa Séc, những đống than khổng lồ xếp chồng lên nhau sẵn sàng bán cho những người mua. Khói từ các nhà máy đốt than đang bốc lên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Theo AP, thành phố biên giới phía đông bắc Cộng hòa Séc - Ostrava đã nỗ lực trong nhiều thập kỷ để chấm dứt tình trạng ô nhiễm, thúc đẩy chuyển đổi từ thành phố công nghiệp sang thành phố hiện đại với nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Căng thẳng leo thang ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng lớn ở châu Âu, mở đường cho sự trở lại của than đá và ảnh hưởng đến các mục tiêu khí hậu đặt ra cũng như đe dọa sức khỏe của người dân.
Các hộ gia đình và doanh nghiệp ở khu vực này đã chuyển sang sử dụng loại nhiên liệu bằng than – từng được xem là lỗi thời này - trong bối cảnh đất nước muốn tìm kiếm lựa chọn năng lượng thay thế rẻ hơn so với khí đốt tự nhiên. Nhu cầu về than nâu, dạng rẻ nhất nhưng không tiết kiệm năng lượng nhất được sử dụng phổ biến ở hộ gia đình ở Cộng hòa Séc, nay đã tăng gần 35% trong 9 tháng đầu năm 2022 so với năm ngoái. Bộ Công thương Séc cho biết đây là lần đầu tiên mức giá than cao như vậy sau khi giảm mạnh trong một thập kỷ.
"Chúng tôi thực sự lo lắng vì có thể phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm gia tăng", Zdenka Němečková Crkvenjaš, người chịu trách nhiệm về môi trường với tư cách là thành viên của hội đồng quản trị ở vùng Moravian-Silesian cho biết.
Là một phần của Lưu vực than Thượng Silesian, khu vực công nghiệp hóa rộng lớn nằm giữa biên giới Séc - Ba Lan sở hữu trữ lượng than phong phú và nhiều nhà máy sản xuất thép, điện và các loại than từ thế kỷ 19.
Ông Petr Jančík từ Đại học Kỹ thuật Ostrava, một chuyên gia về ô nhiễm không khí cho rằng sự kết hợp giữa đốt than để sưởi ấm ở khu dân cư và hoạt động liên tục ở các nhà máy công nghiệp đã dẫn đến ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Năng lượng than không chỉ gây ra thảm họa đối với khí hậu mà còn là mối nguy hiểm cho sức khỏe; việc giải phóng khí thải oxit ni tơ và thủy ngân đang làm ô nhiễm nguồn nước ở sông hồ. Trước đây, việc giảm đi các hoạt động công nghiệp và khai thác mỏ đã cải thiện đáng kể sau khi Cộng hòa Séc trở thành thành viên của Liên minh châu Âu vào năm 2004.
Tuy nhiên, thách thức lớn trước mắt vẫn còn đó.
Thách thức trước mắt
Việc phát thải bụi trong không khí – các hạt PM10 - đã đáp ứng yêu cầu hạn chế đối với môi trường trong khu vực nhưng nồng độ các hạt PM2.5 nhỏ hơn có thể đi sâu vào phổi và máu không đạt tiêu chuẩn theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới.
Một nghiên cứu trong năm 2021 ở hơn 800 thành phố châu Âu của Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona, Tây Ban Nha đã xếp khu vực vùng Ostrava và các thị trấn lân cận Karvina và Havirov vào danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất châu Âu. Việc đốt than cũng gây ra loại chất nguy hiểm có tên là benzo(a)pyrene ở cấp độ cao. Ông Němečková Crkvenjaš cho biết có khoảng 500.000 lò đốt ở khu vực đông dân cư gây ra ô nhiễm lan rộng ra khắp biên giới ở Ba Lan.
Ông Roman Vank, Thành viên hội đồng quản trị của công ty bán than Ridera ở Ostrava nói rằng doanh số bán than đã tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Dạng rẻ nhất - than nâu – có nhu cầu nhiều nhất. Trong khi đó, Nhà khoa học Jancik khẳng định khó có thể dự đoán ngay tác động của than đốt với chất lượng không khí bằng mắt thường, đặc biệt là vào mùa đông khi tình trạng ô nhiễm có thể chỉ tồi tệ hơn. Bối cảnh giá điện và giá khí đốt tự nhiên cao buộc mọi người phải mua các tấm pin mặt trời, hệ thống sưởi ấm hiệu quả hơn và cố gắng phụ thuộc ít hơn vào năng lượng.
"Có hai xu hướng sử dụng năng lượng trong thời gian tới. Đầu tiên là mọi người cố gắng sử dụng loại lò đốt hiệu quả hơn và thứ hai là cân nhắc sử dụng nhiều than và củi hơn", ông Jancik nói.
Lukáš Hrábek, Người phát ngôn của Tổ chức Hòa bình xanh Cộng hòa Séc cho rằng các tác động tiêu cực sẽ nhìn thấy trong tương lai gần.
"Chúng tôi nhìn thấy những tín hiệu tiêu cực ở hiện tại. Rất khó để nhìn thấy những ảnh hưởng lâu dài đối với môi trường nhưng tác động ngắn hạn đã quá rõ ràng. Ô nhiễm không khí sẽ tồi tệ hơn do tiêu thụ than nhiều hơn", ông Hrabek nhấn mạnh.
Giữa tín hiệu khác về sự hồi sinh của than đá, Cộng hòa Séc đã thúc đẩy việc khai thác than hoàn toàn gần Ostrava nhằm đảm bảo nguồn cung cấp điện trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng. Công ty OKD thuộc sở hữu nhà nước sẽ mở rộng hoạt động khai thác than tại khu vực Ostrava đến ít nhất là cuối năm sau với lý do nhu cầu "rất lớn" về điện và sưởi ấm hộ gia đình.
Trước đó, Chính phủ Séc đã đặt mục tiêu loại bỏ than trong sản xuất năng lượng vào năm 2033 và tăng cường sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân./.