Ngành thanh tra đóng góp tích cực trong phòng chống tham nhũng

Sáng 1/11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại Đại hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành thanh tra. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành thanh tra. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Đại hội thi đua yêu nước ngành thanh tra lần thứ V là sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng. Việc tổ chức thành công đại hội là hành động thiết thực chào mừng kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước trong năm 2020; Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Một trong những thành tích nổi bật, khẳng định vai trò của ngành thanh tra những năm gần đây là đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng; đã thực hiện nhiều nhiệm vụ theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra và kết luận nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mang tính đột phá phục vụ Ban Chỉ đạo trong đấu tranh xử lý tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi nhiều tài sản, đất đai có giá trị lớn.

Toàn ngành tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trong đó, Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6; xây dựng, hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; ban hành Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2018, tham gia và tổ chức nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Tham gia xây dựng nhiều văn bản quy phạm, đang hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trên các mặt công tác, trong những năm gần đây, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Hoàn thành việc xây dựng và triển khai sử dụng trên phạm vi toàn quốc Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng: Có 148 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý hình sự 13 người, xử lý hành chính 122 người…

“Tôi đánh giá cao phong trào thi đua của ngành thanh tra về sự đổi mới, sáng tạo, có chiều sâu với nhiều mô hình mới, nhiều điển hình tiêu biểu. Điều này thể hiện sự quyết tâm và sáng tạo trong công việc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ rõ việc triển khai kế hoạch thanh tra ở một số đơn vị còn chậm, lúng túng; còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; việc bố trí lực lượng, xây dựng kế hoạch và phương pháp tiến hành ở một số cuộc thanh tra chưa khoa học; còn tình trạng kéo dài thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra; một số kết luận thanh tra có chất lượng chưa đạt yêu cầu; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít so với số sai phạm; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại kết luận thanh tra còn chậm.

Còn có một số địa phương, bộ, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo có lúc còn bị động nhất là trong chỉ đạo xử lý tình huống phức tạp xảy ra… Việc tổng hợp số liệu, phân tích, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng phục vụ sự chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Đại hội

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Đại hội

3 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của ngành thanh tra

Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị toàn ngành thanh tra thời gian tới cần tập trung thực hiện 3nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, phát động và tổ chức triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của ngành thanh tra gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành khắc phục tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; công tâm, đánh giá đúng bản chất vụ việc khiếu nại, tố cáo để có giải pháp toàn diện trong xử lý và kiến nghị xử lý, bảo đảm quyền lợi Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; gắn công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó triển khai có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” và Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; quan tâm công tác khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng.

Thứ hai, chú trọng xây dựng ngành, lực lượng thanh tra trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ, công chức ngành thanh tra phải có đầy đủ ý chí, nghị lực và lòng dũng cảm, kiên quyết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý, không để bị cám dỗ, bị mua chuộc, không vì bất cứ áp lực nào mà làm sai pháp luật. Thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ là “phẩm chất của người cán bộ thanh tra là tự mình nghiêm chỉnh và phải có đạo đức cách mạng”.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện phê bình và tự phê bình.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động như phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…

“Làm công tác thanh tra là góp phần cùng với Đảng và Nhà nước xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính, kiến tạo, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, luôn lấy phòng là chính. Vì thế, công tác thanh tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót, lỏng lẻo trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng pháp luật. Từ đó, kiến nghị xây dựng thể chế, chính sách pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm. Thanh tra không chỉ chú trọng vào việc phát hiện và xử lý vi phạm để trừng phạt. Công tác “phòng” là cực kỳ quan trọng, là công tác nghiệp vụ cơ bản, có “phòng” tốt thì mới “chống” tốt được. Không chỉ là phòng chống tiêu cực, tham nhũng mà còn chống lãng phí. Bên cạnh đó, ngoài việc phòng ngừa, phát hiện vi phạm, cần phải chú ý cả việc phòng chống “tham nhũng vặt”, những hành vi tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý.

Qua hội nghị này, ngành thanh tra cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục xây dựng nội bộ thật sự trong sạch vững mạnh, giải quyết những vấn đề tồn tại trong nội bộ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ thanh tra, thi đua thật tốt, xây dựng ngày càng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, tạo ra các đột phá mới trong công tác.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, trong 5 năm qua, ngành thanh tra đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua với hình thức đa dạng, phong phú; nội dung thiết thực, cụ thể, bám sát với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành; tích cực tham gia vào việc thực hiện các phong trào thi đua do Trung ương, do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Các phong trào thi đua đã có tác dụng thúc đẩy các tập thể và cá nhân trong toàn ngành thanh tra nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của cá nhân, của cơ quan, đơn vị và của ngành.

Đại hội Thi đua yêu nước ngành Thanh tra lần thứ V là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới với trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được và đề ra phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ thi đua giai đoạn 2021-2025, Đại hội cũng là dịp biểu dương, tôn vinh những gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua 2016 - 2020, nhằm động viên toàn ngành thanh tra tiếp tục thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Trong 5 năm qua, ngành thanh tra đã triển khai 32.645 cuộc thanh tra hành chính và nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 417.490 tỷ đồng, 94.578 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi 235.522 tỷ đồng, 8.823 ha đất; xử lý khác hơn 181.968 tỷ đồng, 85.755 ha đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 9.772 tập thể, cá nhân; ban hành 417.490 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 24.120 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 462 vụ, 671 đối tượng.

Toàn ngành đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 17.580 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 33.845 tỷ đồng (đạt 75%); 5.430 ha đất (81%); khởi tố 204 vụ, 145 đối tượng.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/nganh-thanh-tra-dong-gop-tich-cuc-trong-phong-chong-tham-nhung/412679.vgp