Ngành thép cần chủ động ứng phó với chính sách mới từ EU

Trước những thay đổi chính sách sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) đối với ngành thép và kim loại, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần sớm rà soát lại quy trình sản xuất, xuất khẩu và chuẩn bị kịch bản ứng phó phù hợp.

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch hành động về thép và kim loại, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và đảm bảo tương lai bền vững cho ngành công nghiệp này tại châu Âu.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), kế hoạch bao gồm nhiều biện pháp trọng yếu, trong đó có những thay đổi đáng chú ý liên quan đến cơ chế phòng vệ thương mại mà các doanh nghiệp xuất khẩu thép và kim loại sang EU cần đặc biệt lưu tâm.

Một trong những điểm nổi bật là việc EC có kế hoạch siết chặt các biện pháp tự vệ hiện hành đối với thép, bao gồm cả việc cắt giảm 15% lượng nhập khẩu đối với các sản phẩm thép đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ. Đây được xem là bước đi nhằm xử lý tình trạng dư thừa công suất toàn cầu, vốn đang gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp sản xuất trong khối.

Đáng chú ý, EU dự kiến sẽ thay thế biện pháp tự vệ hiện tại bằng một cơ chế “dài hạn” hơn sau khi biện pháp hiện tại hết hiệu lực vào ngày 30/6/2026. Mặc dù chưa công bố chi tiết về hình thức hoặc phạm vi áp dụng, EC cho biết sẽ cung cấp thêm thông tin chậm nhất vào quý III/2025.

Song song đó, EU cũng đang xem xét mở rộng các biện pháp phòng vệ đối với ngành nhôm, trong bối cảnh lĩnh vực này ghi nhận dấu hiệu suy giảm đáng lo ngại. Một cuộc điều tra sơ bộ để đánh giá khả năng áp dụng cơ chế tương tự như với thép sẽ được khởi động trong thời gian tới.

Để ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thông qua việc chuyển công đoạn cuối sang nước thứ ba, EC cũng đang cân nhắc việc áp dụng quy tắc mới, gọi là “nấu chảy và đúc”, nhằm xác định xuất xứ thực chất của sản phẩm kim loại. Quy tắc này sẽ góp phần loại bỏ khả năng thay đổi xuất xứ thông qua các công đoạn gia công tối thiểu, đồng thời giúp minh bạch hóa chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, thời điểm chính thức áp dụng quy định này hiện vẫn chưa được EC ấn định.

Trước những động thái quyết liệt của EU trong việc bảo vệ ngành sản xuất thép và nhôm nội khối, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất - xuất khẩu sang thị trường EU, cập nhật thường xuyên các chính sách mới từ EC và xây dựng phương án ứng phó kịp thời.

Bài học từ các vụ kiện phòng vệ thương mại trước đây cho thấy, việc thiếu chuẩn bị có thể khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động, ảnh hưởng lớn đến thị phần, hợp đồng và uy tín tại thị trường quan trọng này.

Trong bối cảnh EU đẩy mạnh các chính sách bảo hộ, chuyển đổi sản xuất theo hướng minh bạch, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và tính bền vững sẽ là yếu tố sống còn đối với ngành thép và kim loại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Năm 2024, ngành thép Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, cả nước đã xuất khẩu trên 12,62 triệu tấn sắt thép, thu về hơn 9,08 tỷ USD, tăng 13,5% về lượng và 8,8% về kim ngạch so với năm 2023. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với 1,67 triệu tấn, trị giá 1,32 tỷ USD, tăng 55% về lượng và 54,8% về kim ngạch so với năm trước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình giảm nhẹ 0,12%, đạt 789,7 USD/tấn.

Bước sang tháng 1/2025, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam đạt 919.875 tấn, với kim ngạch 611 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, con số này giảm 19% về lượng và 24% về giá trị. Giá xuất khẩu trung bình đạt 664,2 USD/tấn, giảm 6%. Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ chính, đạt kim ngạch 75 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.

Những số liệu này phản ánh sự biến động trong hoạt động xuất khẩu sắt thép của Việt Nam, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024, đồng thời cũng đặt ra thách thức cho ngành thép trong năm 2025.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nganh-thep-can-chu-dong-ung-pho-voi-chinh-sach-moi-tu-eu-316964.html