Xã Thạch Yên tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân
Xã Thạch Yên (Cao Phong) có 10 xóm, 1.183 hộ với trên 5.220 nhân khẩu. Để hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, xã chú trọng công tác giảm nghèo, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực, từ đó nâng cao thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm, từng bước cải thiện đời sống người dân.
Xã Thạch Yên (Cao Phong) có 10 xóm, 1.183 hộ với trên 5.220 nhân khẩu. Để hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, xã chú trọng công tác giảm nghèo, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực, từ đó nâng cao thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm, từng bước cải thiện đời sống người dân.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Bùi Văn Hon, xóm Bái Thóm, xã Thạch Yên (Cao Phong) cho thu nhập ổn định.
Đồng chí Bùi Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: "Để từng bước giảm nghèo, nâng cao thu nhập, xã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đưa các loại cây, con giống phù hợp điều kiện thực tế vào sản xuất, trong đó, định hướng bà con phát triển chăn nuôi bò, lợn, trồng mía, cây ăn quả và phát triển lâm nghiệp. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, chính sách giảm nghèo, xã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông nhằm phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa thuận lợi. Ngoài ra, xã chú trọng phát triển dịch vụ, du lịch văn hóa, đa dạng nguồn thu nhập".
Xã vận động người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh quảng bá, tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Hiện toàn xã canh tác 353 ha lúa, 35 ha ngô, 90 ha mía, 42 ha cây ăn quả. Từ năm 2024 đến nay, xã trồng mới 165 ha rừng, độ che phủ đạt 50,5%. Toàn xã có trên 1.100 con trâu, gần 400 con bò, 2.500 con lợn, 250 con dê, 26.000 con gia cầm, 800 đàn ong. Các hộ chú trọng phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, qua đó không có thiệt hại xảy ra.
Hỗ trợ người dân trong sản xuất, phát triển kinh tế, xã Thạch Yên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Xây dựng, phát triển được 2 sản phẩm OCOP 4 sao là rượu nếp râu và rượu mía, từng bước khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường. Hiện, tổng dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa bàn đạt 63,8 tỷ đồng với 1.023 hộ vay; Ngân hàng NN&PTNT dư nợ 32,8 tỷ đồng, thông qua 17 tổ tiết kiệm và vay vốn với 412 hộ vay, chủ yếu vay sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động.
Thăm mô hình sản xuất của ông Bùi Văn Hon, xóm Bái Thóm, ông Hon chia sẻ: "Gia đình tôi trước kia là hộ nghèo, kinh tế khó khăn, canh tác thuần túy với nghề trồng lúa, không dư dả. Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do huyện, xã tổ chức, gia đình mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp. Hiện, gia đình canh tác 5.000m2 mía trắng, 1 ha keo, chăn nuôi 6 con trâu, 14 con lợn, 60 gốc cam Canh, đem lại thu nhập ổn định hơn, có tích lũy".
Xã Thạch Yên đã làm tốt công tác dân vận, vận động người dân đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất, tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, nhất là làm đường giao thông nông thôn. Nhờ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và góp sức của nhân dân, đường trục xã được bê tông hóa 100%; đường trục xóm bê tông hóa trên 80%; đường ngõ xóm không lầy lội vào mùa mưa, nhiều đoạn được bê tông hóa; hệ thống thủy lợi thường xuyên được tu sửa, nạo vét, khơi thông phục vụ sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Thạch Yên có phong cảnh núi rừng hùng vĩ, hoang sơ, người dân thân thiện, mến khách cũng là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Thời điểm giữa tháng 5, cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 11 hàng năm, du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp ruộng bậc thang óng vàng rực rỡ, là điểmcheck in lý tưởng cho những ai yêu thích trải nghiệm, khám phá. Mỗi năm, vào dịp lễ, Tết, người dân từ khắp nơi đến chùa Khánh tham quan, vãn cảnh, cầu phúc, cầu tài, tìm hiểu giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2024 đến nay, xã huy động trên 2.310 ngày công phát dọn mương máng, 1.750 ngày công làm thủy lợi, duy tu, sửa chữa các công trình phục vụ sinh hoạt, sản xuất của bà con. Triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", xã vận động 12 hộ hiến 1.454m2 đất để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông trên địa bàn. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 35,3 triệu đồng/năm. Xã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới.