Ngành thép hưởng lợi từ nguồn cung quặng sắt

Từ giữa tháng 9 đến nay, quặng sắt đã có đợt hồi phục khá mạnh với mức tăng hơn 26% trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) và hơn 20% trên sàn Singapore (SGX) với kỳ vọng vào động thái kích thích tài khóa của Trung Quốc kết hợp với việc hạ lãi suất cho vay.

Công nghệ mới giúp tăng năng suất 3.600 lần

Các chuyên gia trong ngành mới đây đã tiết lộ một sáng kiến đột phá mới ở Trung Quốc và nó có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của Australia từ năm 2025. Giáo sư Zhang Wenhai, một trong những kỹ sư được kính trọng nhất của Bắc Kinh, tại Viện Hàn lâm kỹ thuật Trung Quốc, là bộ não đằng sau quy trình đột phá được gọi là sản xuất sắt nhanh, có thể giúp quốc gia này ít phụ thuộc hơn vào việc nhập khẩu quặng sắt của Úc.

Quặng sắt là một trong những thành phần chính trong sản xuất thép và phần lớn thành công kinh tế của Australia trong 4 thập niên qua có thể là do nhu cầu tăng không mệt mỏi của Trung Quốc đối với quặng sắt. Khi Trung Quốc cố gắng vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, họ đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất từ trước đến nay. Năng lực sản xuất thép của họ đã lớn hơn tổng sản lượng của các quốc gia còn lại trên thế giới.

Trung Quốc là đối tác nhập khẩu quặng sắt lớn nhất của Australia với tỷ trọng lớn hơn 80%. Kỷ lục vào năm 2022 đã có 736 triệu tấn quặng sắt được vận chuyển từ Australia sang Trung Quốc. Trong năm 2023, nguồn thu từ xuất khẩu quặng sắt đã mang về 136 tỷ USD cho nền kinh tế Úc. Hàng năm, đó là nguồn tiền để tài trợ cho các dịch vụ quan trọng của xứ sở kangaroo.

Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu quặng sắt của Australia đang bị đe dọa bởi phương pháp sản xuất sắt mang tính cách mạng, nhanh hơn, rẻ hơn và thân thiện với môi trường hơn từ Trung Quốc. Theo nội dung được công bố, kỹ thuật mới sẽ giúp giảm đáng kể thời gian xử lý từ nhiều giờ xuống chỉ còn vài giây, bằng cách đưa quặng sắt nghiền mịn vào lò siêu nóng bằng một thanh được gọi là “ống phun xoáy”.

Một phản ứng hóa học gây nổ nhanh chóng xảy ra, tạo ra các giọt sắt lỏng có độ tinh khiết cao có thể được sử dụng trực tiếp trong sản xuất thép. Điều này giúp tăng năng suất gấp 3.600 lần so với các phương pháp truyền thống và đặc biệt hiệu quả với các nguồn quặng sắt có chất lượng thấp hoặc trung bình.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng với phương pháp mới này, Trung Quốc sẽ không phải trả nhiều tiền cho quặng chất lượng cao mà họ đang mua từ Úc, Brazil và châu Phi. Thay vào đó, họ có thể sử dụng quặng chất lượng kém hơn, vốn có nhiều ở Trung Quốc. Quan trọng hơn, công nghệ mới này cải thiện được hiệu quả năng lượng hơn 30% và loại bỏ việc sử dụng than, giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon, và đây là mục tiêu dài hạn chính của Trung Quốc.

Tổng hợp lại, có 3 động lực để Trung Quốc tránh xa quặng sắt của Australia là: tiết kiệm tiền nhập khẩu, có phương pháp sản xuất thép nhanh hơn và hiệu quả hơn, đồng thời đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của mình bằng cách làm sạch một trong những ngành công nghiệp bẩn nhất của mình (ngành sản xuất thép của Trung Quốc vốn phụ thuộc vào than).

Về “ống phun xoáy” được đề cập, nhóm của GS. Zhang Wenhai đã phát triển một loại ống phun có hiệu suất phân phối đồng đều đặc biệt, có khả năng phun 450 tấn quặng sắt mỗi giờ. Một lò phản ứng được trang bị 3 ống phun này có thể sản xuất 7,11 triệu tấn sắt mỗi năm. Hiện tại, vòi phun này đã đi vào sản xuất thương mại.

Sức ép trung hạn do cung vượt xa cầu

Mặc dù quặng sắt có tăng giá gần đây, nhưng tính tới tuần đầu tháng 12, giá quặng sắt thế giới vẫn đang giao dịch thấp hơn khoảng 27% so với thời điểm đầu năm 2024. Tuy nhiên, ngay cả khi giá quặng sắt đã giảm mạnh, các công ty khai thác quặng sắt hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục tăng nguồn cung, do chi phí sản xuất trên mỗi tấn đối với hoạt động quy mô lớn vẫn thấp hơn nhiều so với giá quặng sắt hiện tại. Điều đó tạo nền tảng cho sự mở rộng nguồn cung quặng sắt phía thượng nguồn.

Báo cáo hoạt động quý III-2024 của 2 nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới là Rio Tinto Group và Vale SA, cho thấy sản lượng tăng ngay cả khi nhu cầu từ Trung Quốc được dự báo sẽ giảm. Hầu hết các chuyên gia trong ngành đều tin rằng Trung Quốc cần ít nhất từ 1-2 năm nữa để hấp thụ lượng tồn kho bất động sản đang ở mức cao kỷ lục kể từ năm 2015, và đưa lượng tồn kho giảm dần về mức lành mạnh.

Đối với kỳ vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ phía hạ nguồn, do vị thế khổng lồ của Trung Quốc trong ngành thép nên sự hồi phục của nước này chiếm tỷ lệ lớn trong tăng trưởng tiêu thụ. Tuy nhiên, đà hồi phục dự kiến sẽ rất chậm chạp do tác động từ thuế quan mà Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết sẽ áp dụng với Trung Quốc.

Các quốc gia châu Phi như Guinea và Liberia đang thu hút đầu tư vào khai thác quặng sắt, với dự án Simandou ở Guinea dự kiến đóng góp đáng kể vào nguồn cung toàn cầu. Dự án Simandou ở Guinea dự kiến cung cấp 5 triệu tấn quặng sắt trong năm 2025 và tăng lên mức 90 triệu tấn mỗi năm kể từ 2028.

Với làn sóng đầu tư vài năm qua, tổng nguồn cung quặng sắt toàn cầu dự kiến đạt đỉnh 1,07 tỷ tấn trong năm 2025, với sản lượng của Brazil tăng trung bình 10,6%/năm, lên mức 542 triệu tấn cho năm 2025.

Trước viễn cảnh nguồn cung tăng trưởng ồ ạt, công ty nghiên cứu thị trường BMI dự báo giá quặng sắt trung bình năm 2025 ở mức 100 USD/tấn, trước khi giảm xuống 80 USD/tấn vào năm 2026. Trong khi đó, cho xu hướng xa hơn trong dài hạn, chính phủ Australia dự báo giá quặng sắt sẽ giảm xuống khoảng 68 USD/tấn vào năm 2029.

Tuy nhiên, việc giá quặng sắt giảm trong dài hạn lại có lợi cho ngành thép của Việt Nam, nhưng với sản lượng quặng sắt chỉ xoay quanh mức 20.000 tấn/tháng nên mức độ hưởng lợi cũng không còn đáng kể.

PHẠM TUẤN

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nganh-thep-huong-loi-tu-nguon-cung-quang-sat-post119234.html