Ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa nỗ lực khai thác nguồn thu

6 tháng đầu năm, tuy ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều giải pháp để tăng nguồn thu nhưng do tác động từ các chính sách và ảnh hưởng của nền kinh tế nên thu nội địa giảm. Do đó, thời gian tới, ngành Thuế tỉnh nỗ lực khai thác nguồn thu nhằm bù đắp những khoản thiếu hụt, góp phần hoàn thành dự toán pháp lệnh năm 2023.

Thu nội địa giảm

6 tháng đầu năm, tổng số thu thuế giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng số thu nội địa được hơn 6.560 tỷ đồng, bằng 48,7% so với dự toán pháp lệnh, giảm hơn 129 tỷ đồng, tương đương giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 4 khoản thu đạt dự toán khá thấp, gồm: Khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước Trung ương; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài; thuế bảo vệ môi trường; thu từ lệ phí trước bạ. Riêng khoản thuế thu nhập cá nhân tuy đạt tiến độ dự toán nhưng số thu 6 tháng đầu năm giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nguồn thu là tình hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay đang có xu hướng chững lại; khoản thu từ khu vực DN đầu tư nước ngoài giảm mạnh do Dự án BOT Vân Phong đã hoàn thành, chưa phát sinh doanh thu, số thuế khấu trừ lớn nên chưa phát sinh số nộp ngân sách nhà nước (NSNN). Ngoài ra, khoản thu thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng (GTGT) bị tác động giảm thu do nhiều DN đang chịu ảnh hưởng nặng từ tình hình kinh tế thế giới và hậu quả của dịch Covid-19. Trong khi đó, khoản thu thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ phụ thuộc chủ yếu vào tình hình kinh tế, thu nhập trong dân cư và biến động của thị trường bất động sản nên số thu không ổn định và khó dự báo.

Hoạt động sơ chế rong nho tại Công ty TNHH DT Food. Ảnh: Đ.L

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Dự toán pháp chế Cục Thuế tỉnh cho biết: “Các chính sách mà ngành Thuế đã triển khai trong thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ và nguồn thu. Ước tính số thuế gia hạn 6 tháng đầu năm là 360 tỷ đồng; số thuế giảm khoảng 372 tỷ đồng. Tuy các chính sách hỗ trợ về thuế (gia hạn, giảm thuế) đã ảnh hưởng trực tiếp tới tổng số thu của ngành nhưng đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức. Từ đó, giúp DN giảm được các áp lực về tài chính, tạo điều kiện tối ưu để tiếp tục kinh doanh, sản xuất ổn định và tăng trưởng nhằm nuôi dưỡng nguồn thu”.

Nhiều giải pháp tăng nguồn thu

Năm 2023, dự toán pháp lệnh ngành Thuế tỉnh được Bộ Tài chính giao 13.460 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng cuối năm, ngành thuế phải thu 6.900 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực khai thác nguồn thu để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN cả năm 2023. Do đó, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành đẩy nhanh tiến độ thu, tăng cường tìm kiếm, khai thác nguồn thu để bù đắp các khoản hụt thu do tác động khó khăn của kinh tế thế giới và việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn của Quốc hội, Chính phủ, trong đó tập trung khai thác nguồn thu từ các dự án đường bộ cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu đối với các DN ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, được ưu đãi miễn, giảm thuế, DN có nhiều năm, nhiều kỳ chưa kiểm tra, thanh tra; rà soát và giải quyết kịp thời hồ sơ miễn, giảm, giãn, hoàn thuế, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng người nộp thuế lợi dụng chính sách hỗ trợ để chiếm đoạt nguồn thu NSNN… Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ thông tin dữ liệu về hóa đơn đối với từng đối tượng quản lý; thông tin rủi ro về hóa đơn do ngành, các cơ quan có chức năng cung cấp để phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận, mua bán sử dụng hóa đơn không hợp pháp nhằm hoàn thuế, trốn thuế, thu lợi bất chính; phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá đất nhằm đảm bảo có được nguồn thu và đôn đốc thu nộp kịp thời khi có phát sinh về tiền sử dụng đất qua đấu giá, giao đất, cho thuê đất; chủ động triển khai các biện pháp thu nợ, cưỡng chế nợ đúng quy định, phấn đấu đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra…

Hoạt động kinh doanh tại điện máy Nguyễn Kim, TP. Nha Trang.

Song song đó, ngành Thuế tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách giảm thuế nhằm hỗ trợ DN, người nộp thuế, như: Chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước và chính sách giảm 30% số tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023 dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới. “Quy định về việc giảm thuế suất thuế GTGT và giảm mức thu lệ phí trước bạ có thể làm giảm thu NSNN, ước tính khoảng 340 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm so với mức thu trước (6 tháng đầu năm), nhưng đây là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng để kích thích tiêu dùng của xã hội. Dự kiến, chính sách sẽ có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm áp lực về tài chính, tạo điều kiện đảm bảo cho sự tồn tại và tăng trưởng của các DN sản xuất hàng tiêu dùng và DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, tạo đà cho việc tăng thu NSNN trong thời gian tới” - bà Hồng nói.

CẨM VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202307/nganh-thue-tinh-khanh-hoa-no-luc-khai-thac-nguon-thu-cc50f89/