Ngành Thuế và Hải quan luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

Tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2022, một số hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu ra những thắc mắc đối với lĩnh vực thuế, hải quan. Đặc biệt, nhiều ý kiến doanh nghiệp đánh giá rất cao sự đồng hành hỗ trợ kịp thời của ngành Thuế và Hải quan để doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19.

Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2022 Những hình ảnh tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2022

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa TP. Hà Nội đặt câu hỏi về việc làm sao để khắc phục độ trễ của các chính sách, chẳng hạn như các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế?

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, đặt câu hỏi tại diễn đàn. Ảnh: Văn Nam.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, đặt câu hỏi tại diễn đàn. Ảnh: Văn Nam.

Chia sẻ với câu hỏi này, ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, sự phối hợp, đồng hành giữa Quốc hội và Chính chủ ban hành chính sách rất kịp thời và nhanh chóng, khi triển khai và thực thi cũng có những chính sách làm rất nhanh, chẳng hạn việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, cũng có những chính sách như: hỗ trợ tiền cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ DN vay vốn để trả công, trả lương cho người lao động… đã bị kéo dài, hầu như rất ít DN được hưởng, nguyên nhân chủ yếu do thủ tục dẫn đến chậm trễ, hoặc lo ngại hỗ trợ nếu sai đối tượng lại bị xử lý.

Ứng dụng công nghệ tin học và số hóa phục vụ doanh nghiệp

Theo ông Trần Văn Hào - Giám đốc Công ty CP vận tải Thái Việt Trung, ngành Thuế và Hải quan đã có nhiều cải cách vượt bậc trong hầu hết mọi lĩnh vực, đặc biệt là áp dụng công nghệ tin học và số hóa vào việc quản lý và phục vụ doanh nghiệp (DN), nhất là cải cách thủ tục hành chính.

Cùng với đó, cán bộ thuế, hải quan có tinh thần phục vụ cầu thị, làm việc thân thiện và rất hợp tác hỗ trợ DN, thể hiện rõ nhất qua các ngày lễ lớn, ngày doanh nhân Việt Nam, thường niên tổ chức gặp gỡ đối thoại, tặng quà cho DN. Những hành động đó làm DN cảm thấy rất thân thiện và hạnh phúc như có người đồng hành cùng.

Theo ông Cường, Quốc hội luôn yêu cầu Chính phủ báo cáo việc thực thi các chính sách. Nếu vướng về luật thì Quốc hội điều chỉnh, còn nếu không vướng gì về luật thì Chính phủ phải giải trình với đối tượng thụ hưởng chính sách. Nếu không giải trình được với đối tượng thụ hưởng thì giải trình với Quốc hội. Nếu không giải trình được với Quốc hội thì Quốc hội sẽ xem xét tín nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, kiến nghị cần có cơ chế, sự phối hợp để bảo đảm công bằng trong thực hiện thuế giữa các DN vận tải và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách.

“Chúng tôi đã nghiên cứu và thấy có tới 50% hộ kinh doanh xe tham gia hợp tác xã vận tải là xe cá nhân, hộ kinh doanh. Tôi cho rằng, nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Thuế và ngành Giao thông vận tải để nắm thật chắc, anh nào là DN, hợp tác xã tập trung thì kê khai theo thuế DN; anh nào là hộ kinh doanh thì khai thuế theo hộ kinh doanh” - ông Quyền đặt vấn đề.

Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng đây là vấn đề lớn, bởi với hộ kinh doanh, trước hết là việc kinh doanh để bảo đảm an sinh cho gia đình. Hiện có hơn 2 triệu hộ kinh doanh đã đăng ký kê khai thuế, trong nhóm đó có những hộ thực hiện thuế khoán.

Chính sách thuế, hải quan luôn đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. Ảnh: TL.

Chính sách thuế, hải quan luôn đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. Ảnh: TL.

“Chúng tôi động viên các hộ kinh doanh chủ động kê khai, rồi sau đó mới động viên hộ kinh doanh chuyển thành DN. Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh phải có thời gian dài và giải pháp tổng thể” - ông Minh cho hay.

Giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển ổn định

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN tại diễn đàn, ông Jack An - đại diện Diễn đàn Việt - Đức, cho rằng trong thời gian qua, đặc biệt là thời điểm dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp. Chính sách thuế và hải quan đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước để hỗ trợ các DN sớm được hồi phục sau đại dịch.

Cụ thể, nhiều chính sách giảm, giãn, gia hạn thuế, phí… đã hướng tới mục đích hỗ trợ thêm nguồn lực tài chính, giảm giá thành đầu vào và đầu ra cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, từ đó giúp hạ giá bán, người tiêu dùng được hưởng lợi, trên cơ sở đó động viên, thúc đẩy cộng đồng DN phát triển ổn định, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

Bên cạnh đó, dấu hiệu tích cực là nhiều chính sách, gói hỗ trợ đã dành cho DN nhỏ và vừa trong khối kinh tế tư nhân, hiện chiếm khoảng 98% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp 31% vào tổng số thu ngân sách. Đồng thời, ngoài chính sách thuế và hải quan, một số chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cùng đồng hành, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-thue-va-hai-quan-luon-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-115090.html