Ngành tôm 'không hy vọng' tiếp cận được tín dụng

Ngành nuôi tôm ở Việt Nam có tỷ lệ rủi ro cao là lý do ngân hàng không dám cho doanh nghiệp nuôi tôm vay, kể cả khi có sự bảo lãnh của 'vua tôm' Minh Phú.

Sản xuất tôm giống thường được đồn đại rằng “lãi lớn”. Tuy nhiên, thực tế diễn ra lại hoàn toàn trái ngược, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận. Sở hữu công ty chuyên sản xuất tôm giống là Thủy sản Nam miền Trung, ông Hoàng Anh cho biết, 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp của ông đang phải bù lỗ từ những mảng hoạt động khác.

Tôm giống khó lại càng khó trong bức tranh chung đầy ảm đạm của ngành tôm. Tính riêng 4 tháng đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu tôm đạt 887 triệu USD, giảm đến 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều hộ nuôi tôm, do các nhà máy chế biến khó về đầu ra, đã phải xuất khẩu tươi sống sang Campuchia. Giá tôm giảm khiến một bộ phận bà con ngừng sản xuất, không tiếp tục thả nuôi vụ tôm mới.

“Vua tôm” Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, chỉ ra thực trạng, tôm nguyên liệu của Việt Nam thường được bán cho các doanh nghiệp với giá cao. Doanh nghiệp nhập tôm về, lấy phần giá trị gia tăng từ chế biến để bù vào giá nguyên liệu và kiếm lời. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhu cầu thị trường giảm mạnh, doanh nghiệp khó bán nên không thể tiếp tục nhập tôm với giá cao được nữa.

Có trường hợp doanh nghiệp đã giảm đến 50% giá tôm mà đối tác vẫn không mua bởi “không biết giá đã xuống đáy chưa”.

Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu tôm bị tắc dòng tiền, không có tiền trả nợ nền phải tìm cách giảm giá để đẩy hàng nhanh. Thế nhưng có trường hợp doanh nghiệp đã giảm đến 50% giá mà đối tác vẫn không mua bởi “không biết giá đã xuống đáy chưa”.

Khó khăn chồng chất khó khăn lại càng khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được tín dụng. Theo ông Quang, đối với gói tín dụng 10 nghìn tỷ hỗ trợ ngành thủy sản đang được Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, doanh nghiệp và người nuôi tôm “chẳng hy vọng gì” vào khả năng tiếp cận.

Bởi trên thực tế, theo lãnh đạo Tập đoàn Minh Phú, ngành tôm Việt Nam quá rủi ro, tỷ lệ thành công thấp nên ngân hàng không dám cho vay. Có trường hợp, hộ nuôi tôm thuộc vùng nuôi của Minh Phú, được Minh Phú bảo lãnh nhưng ngân hàng cũng không dám cho vay.

Những cái khó mang tính căn cơ

Kinh tế thế giới đứng trên bờ vực suy thoái, nhu cầu toàn cầu suy giảm khiến doanh nghiệp mất đơn hàng, bắt buộc phải giảm hoạt động đang là khó khăn chung của nhiều ngành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với ngành tôm, đây dường như chỉ là “giọt nước tràn ly”, bởi những bất cập trong sản xuất tôm đã tồn tại từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết.

Lãnh đạo Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận lý giải việc giá tôm nguyên liệu cao bởi giá thành cao, đến từ việc thức ăn cho tôm có lượng đạm quá cao, lên đến hơn 40%. Trong khi đó, tôm chỉ cần lượng đạm khoảng 30% là đủ, phần còn lại không tiêu hóa hết, thải ra môi trường gây ra ô nhiễm.

Đây cũng là nguyên nhân, theo ông Hoàng Anh, khiến cho một số người bạn sản xuất tôm đã lựa chọn nhập khoảng 60 – 80% tôm của Ecuador về chế biến.

Giá đã cao nhưng chất lượng tôm lại không đảm bảo. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty Fimex Việt Nam, cho biết, các hộ nuôi tôm ở Việt Nam chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, không đạt chuẩn về diện tích, đa số không đạt được chứng nhận nuôi thủy sản có trách nhiệm (ASC).

Vua tôm Lê Văn Quang tại tọa đàm "Vì một ngành tôm phát triển bền vững". Ảnh: NLD

Vua tôm Lê Văn Quang tại tọa đàm "Vì một ngành tôm phát triển bền vững". Ảnh: NLD

Ông Quang bổ sung, quy mô thấp nhưng nhiều người nuôi tôm lại “tham”, cố thả tôm giống thật nhiều để lấy năng suất. Kết quả là tôm dễ bệnh, dễ chết, người nuôi nhiều khi “mất trắng”.

Một “góc khuất” khác của ngành tôm là câu chuyện thống kê. Ông Hoàng Anh chỉ ra thực trạng sai lệch về số liệu thống kê, làm ảnh hưởng đến nhận định, quy hoạch tôm giống tràn lan. Từ đó, ngành tôm thất bại “ngay tại địa phương”.

Lãnh đạo Tập đoàn Minh Phú đề xuất, để ngành nôm phát triển bền vững cần phải vừa giảm giá thành, vừa tăng về chất lượng. Ông Quang bày tỏ mong muốn hợp tác với tất cả doanh nghiệp, người nuôi tôm để thực hiện “đề án” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm, thông qua xây dựng khu sản xuất tôm tập trung ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại, phù hợp.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nganh-tom-khong-hy-vong-tiep-can-duoc-tin-dung-1685005713388.htm