Ngành vận tải biển chuyển hướng sản xuất container ra khỏi Trung Quốc
Ngành vận tải biển đang nỗ lực xây dựng sản xuất container bên ngoài Trung Quốc, tăng cường năng lực dự phòng cần thiết để bảo vệ một bộ phận quan trọng của thương mại toàn cầu khỏi áp lực chuỗi cung ứng và rủi ro địa chính trị.
Các nhà sản xuất và cơ quan chính phủ đang phát triển các nhà máy trên khắp châu Á và Mỹ để giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc mà một số người cho rằng đã gây ra sự gián đoạn thương mại trong đại dịch Covid-19.
Theo công ty tư vấn hàng hải Drewry, hiện tại có hơn 95% container được sản xuất tại Trung Quốc, với thị phần do ba doanh nghiệp nhà nước thống trị.
Kế hoạch này được đưa ra khi các công ty và nhà hoạch định chính sách xem xét lại sự phụ thuộc của họ vào các nhà sản xuất Trung Quốc một cách rộng rãi hơn trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao ngày càng tăng.
Carl Bentzel, ủy viên Ủy ban Hàng hải Liên bang - cơ quan quản lý độc lập của Mỹ đối với ngành vận tải biển - cho biết, sự thống trị của Trung Quốc trong sản xuất container là sự “độc quyền” của “một sản phẩm thiết yếu”.
Báo cáo công bố năm ngoái của ông cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đã chậm tăng sản xuất trong thời kỳ đại dịch. Điều đó càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu container khi nhiều container bị mắc kẹt trên tàu và tại các cảng đông đúc, làm gián đoạn thương mại và đẩy chi phí lên cao.
Trong khi ngành sản xuất container hiện đang dư cung do nhu cầu xuất khẩu giảm, các doanh nghiệp và quan chức vẫn mong muốn đảm bảo rằng họ được bảo vệ tốt hơn trước những gián đoạn địa chính trị hoặc thương mại trong tương lai.
John Fossey, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cho thuê và thiết bị container tại Drewry cho biết, nhu cầu rất có thể sẽ chảy sang Việt Nam. Việt Nam cũng là trung tâm sản xuất chi phí thấp. Trong những năm gần đây, khối lượng xuất khẩu sang các nước như Mỹ đã tăng lên khi các công ty đa quốc gia chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Vào tháng 8, Tập đoàn Hòa Phát đã công bố chuyển giao lô container đầu tiên từ nhà máy sản xuất mới. Hòa Phát cho biết, cơ sở 3.000 tỷ đồng (122 triệu USD) này có thể sản xuất khoảng 200.000 TEU mỗi năm và sẽ có thể sản xuất lên tới 500.000 TEU mỗi năm.
Việc ra mắt nhà máy sản xuất container của Hòa Phát diễn ra sau kế hoạch của Tập đoàn Kinh doanh Đại dương Hàn Quốc (KOBC) công bố nhằm đẩy mạnh sản xuất tại một nhà máy container khác ở Việt Nam, mới khai trương vào năm ngoái. KOBC cho biết cơ sở này sẽ sản xuất tới 100.000 TEU mỗi năm.
“Ngoài Việt Nam, các nhà sản xuất container gần đây cũng đã thành lập ở Ấn Độ”, Joyce Tai, giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Freightos cho biết.
Trong khi đó ở Mỹ, chính phủ đang tìm cách hỗ trợ phát triển “container thông minh” có lợi nhuận cao hơn, được trang bị công nghệ theo dõi.
“Vấn đề tiếp theo sẽ là các container thông minh và khả năng giám sát thương mại. Bạn sẽ thấy những lo ngại về an ninh quốc gia vì người Trung Quốc cũng đang xem xét thị trường này”, ông Carl Bentzel cho biết.
Ông cũng chỉ ra những tiến bộ đã đạt được của doanh nghiệp Global Secure Shipping có trụ sở tại Maine, vào tháng 9, công ty đã khởi công xây dựng một nhà máy rộng 15.000 feet vuông để sản xuất các container có thể truy vết được phát triển với sự tài trợ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ.
Mặt khác, Mỹ cũng đã sử dụng quyền hạn quản lý của mình trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc tăng cường kiểm soát sản xuất container.
Năm ngoái, tập đoàn vận tải Maersk của Đan Mạch cho biết, thương vụ mua lại hoạt động kinh doanh container lạnh trị giá 987 triệu USD của China International Marine Containers (CIMC) thuộc sở hữu nhà nước đã bị hủy bỏ. Sau cuộc điều tra về thỏa thuận này, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết sẽ củng cố quyền kiểm soát hơn 90% sản lượng container cách nhiệt và làm lạnh toàn cầu tại các thực thể nhà nước Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số người trong ngành vận tải biển tỏ ra hoài nghi về mức độ chuyển dịch công suất sang các thị trường khác.
Bà Joyce Tai cho biết, bất kỳ thị trường nào cũng có thể cạnh tranh với Trung Quốc “nếu chi phí thép và lao động của họ thấp hơn Trung Quốc, nếu họ nhận được nhiều hỗ trợ và trợ cấp của chính phủ hơn… và liệu tốc độ sản xuất của họ có nhanh hơn của Trung Quốc hay không”.
“Ở mức độ thực tế, điều này có nghĩa là không thị trường nào có thể đánh bại được Trung Quốc”, bà cho biết thêm.
Theo Drewry, tại Trung Quốc, CIMC có 52% thị phần sản xuất container, Dong Fang International Containers (DFIC) 11% và CXIC Group Containers 7% tại thời điểm tháng 6/2023.
Người phát ngôn của COSCO Shipping Development, công ty sở hữu DFIC cho biết: “Thị trường sẽ trở nên cạnh tranh hơn ở một mức độ nào đó do năng lực sản xuất ngày càng tăng của Việt Nam so với các khu vực khác. Các nhà sản xuất container Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu theo quy luật thị trường”.