Ngành xăng dầu lần đầu có 'chiết khấu âm'
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị cần có mức chiết khấu phù hợp để duy trì hoạt động kinh doanh
Nhiều khó khăn được doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu phản ánh tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn do Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam phối hợp Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức ngày 21-9, tại Hà Nội.
Lỗ chồng lỗ
Ông Nguyễn Đức Hạnh, chủ DN xăng dầu Sơn Hải (TP Hà Nội), cho biết từ tháng 7-2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối xăng dầu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các DN bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm chiết khấu bằng 0 đồng/lít tại đầu nguồn.
"Với chiết khấu như trên, DN càng bán càng lỗ, không đủ bù đắp chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Trong khi DN bán lẻ không được phép đóng cửa hàng" - ông Hạnh nói và nêu phải chi cho 1 lít xăng vận chuyển từ kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng là 1.217 đồng đến 1.341 đồng/lít; với dầu là từ 1.130 đồng đến 1.254 đồng/lít.
Bà Lê Thị Nhã, chủ DN xăng dầu Văn Phú (Hà Nội), cho hay bán hàng không đủ tiền thanh toán điện nước vì chiết khấu không có. "Nếu chiết khấu vẫn như hiện nay, chúng tôi chỉ còn nước đóng cửa, phá sản" - bà Nhã nói và đề nghị DN đầu mối phải bảo đảm chiết khấu, chia sẻ chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức với các đơn vị bán lẻ.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP TMDV và Xây lắp Dầu khí - một DN xăng dầu ở Hà Nội, cho rằng các DN đầu mối để chiết khấu bằng 0 đồng là không bình đẳng. DN bán lẻ ở cuối chuỗi cung ứng nên không thể tự quyết định mức chiết khấu cho mình mà phải trông vào DN đầu mối. Bà Hường khẳng định DN bán lẻ không găm xăng dầu, vì càng găm thì càng thiệt hại. Bà Hường cũng mong muốn truyền thông, người dân có cái nhìn khách quan hơn với các DN bán lẻ xăng dầu.
Ông Hạnh kiến nghị Nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu, bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho đầu mối nhập khẩu. Cùng đó, Nhà nước cần có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu chiết khấu cho các đại lý mức hoa hồng tối thiểu để bảo đảm đủ chi phí trong kinh doanh.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nhấn mạnh lần đầu tiên xuất hiện khái niệm "chiết khấu 0 đồng, chiết khấu âm" như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo ông Bảo: "Nói đi thì cũng phải nói lại, hợp đồng kinh tế giữa DN đầu mối và DN bán lẻ hầu hết đều thả nổi chiết khấu, chưa quy định mức cụ thể rõ ràng trong hợp đồng, nên trên thực tế rất khó để giải quyết vấn đề này. Tôi có xem các hợp đồng thì không thấy đề cập mức chiết khấu cụ thể bao nhiêu. Chúng ta đang hời hợt trong chính hợp đồng của mình" - ông Bảo nêu thực trạng.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng với chiết khấu thấp như hiện nay, các DN bán lẻ với các DN đầu mối cần có đàm phán, chia sẻ với nhau trong thời điểm khó khăn. Ông Tuấn nhấn mạnh có thời điểm DN đầu mối chiết khấu cao hơn, nhưng đây là thời điểm khó khăn chung trong toàn hệ thống, do đó các DN cần bắt tay, chia sẻ với nhau trong giai đoạn này.
Xử lý các bất cập
Các DN cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước điều hành chưa linh hoạt. Bà Hường cho rằng hiện theo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu quy định 10 ngày sẽ điều hành giá và nếu trùng vào ngày lễ, Tết sẽ lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Như vậy, kỳ điều hành sẽ bị kéo dài, không phù hợp thực tế. Chỉ cần giá thế giới thay đổi, ngay hôm sau chiết khấu của DN đầu mối đã biến động, trong khi cơ quan quản lý 10 ngày hoặc dài hơn mới đổi giá. Như thế, độ trễ giá giữa trong nước và thế giới rất lớn.
Bà Nhã nhấn mạnh xăng dầu là hàng hóa nên cần tuân theo quy luật thị trường một cách khách quan, càng không nên đưa ra các quy định độc quyền đầu vào nhằm thủ tiêu cạnh tranh, bởi sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Nghị định 83/NĐ-CP/2014 và 95/NĐCP/2021 hiện đang quy định mỗi đại lý bán lẻ xăng dầu tại một thời điểm chỉ được mua hàng của 1 đơn vị cung cấp. Quy định này dẫn đến DN đầu mối chèn ép, đưa ra các điều kiện về vận chuyển bất lợi cho các DN cấp dưới.
Theo bà Nhã, nếu muốn thay đổi nhà cung cấp thì phải đổi giấy phép, mà mỗi lần thay đổi giấy phép thì phải làm nhiều thủ tục, mất thời gian, công sức của DN; cây xăng sẽ phải ngừng bán hàng một thời gian kể từ khi ký thanh lý với bên bán cũ để chuyển sang bên bán mới. Bà Nhã kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, sửa đổi quy định để đại lý có thể được nhập hàng ở nhiều đầu mối khác nhau. Về việc để xác định trách nhiệm trong bảo đảm chất lượng xăng dầu khi cho nhập hàng ở nhiều đầu mối, bà Nhã cho rằng "không phức tạp" và hoàn toàn khả thi.
Về điều hành giá xăng dầu, quan điểm tham mưu phải hài hòa giữa Nhà nước, DN, đặc biệt là DN kinh doanh xăng dầu và DN tiêu dùng xăng dầu, người dân. ‘’Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến, tiếp tục tham mưu Bộ Công Thương báo cáo cấp có thẩm quyền, điều chỉnh để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN, người dân" - ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Nghe DN phản ánh không găm xăng dầu, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương), cho biết khi quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương cho thấy cửa hàng xăng dầu hết hàng là thật, bồn chứa của họ không còn. Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn công tác kiểm tra tình hình kinh doanh, tiếp nhận thông tin phản ánh từ DN và người dân để xác minh có hay không việc đầu cơ, găm hàng...
Giá xăng dầu trong nước tiếp tục giảm
Theo quyết định của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ ngày 21-9, xăng E5RON92 giảm 450 đồng/lít, có giá 21.781 đồng/lít; xăng RON95 giảm 631 đồng/lít, có giá bán 22.584 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel có giá 22.536 đồng/lít sau khi giảm mạnh 1.644 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.977 đồng/lít, có giá 22.441 đồng/lít và dầu mazut có giá 14.656 đồng/kg sau khi giảm 383 đồng/kg so với giá bán hiện hành. Tại kỳ này, cơ quan điều hành giá thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON95 là 450 đồng/lít, dầu diesel 300 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít và dầu mazut 741 đồng/kg.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nganh-xang-dau-lan-dau-co-chiet-khau-am-20220921222356356.htm