Ngành Xây dựng: Thi đua để phát triển kinh tế bền vững

Với trọng trách là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nền kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, bằng lực lượng đông đảo gồm hàng vạn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động, ngày và đêm luôn hăng say lao động tại các cơ quan, đơn vị, nhà máy, công trường xây dựng trên khắp cả nước. Phong trào thi đua ngành Xây dựng đã tạo ra những bước phát triển đột phá, tạo bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Xây dựng là đơn vị có nhiều thành tích qua các phong trào thi đua.

Bộ Xây dựng là đơn vị có nhiều thành tích qua các phong trào thi đua.

Trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng với định hướng: “Phát triển ngành Xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh trong đấu thầu quốc tế. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu chất lượng cao, áp dụng công nghệ mới”, ngành Xây dựng thực hiện nhiệm vụ kế hoạch trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh, toàn diện và phức tạp. Xu thế toàn cầu hóa tiếp tục gia tăng, tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế cả nước và ngành Xây dựng. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, lạm phát được kiểm soát; nhiều giải pháp, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách hành chính đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, hiệu quả tích cực.

Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, ngành Xây dựng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả của nền kinh tế còn thấp; chất lượng, hiệu quả, năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của Ngành và một số sản phẩm chủ yếu còn hạn chế; các doanh nghiệp trong Ngành vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; thị trường bất động sản tuy đã hồi phục tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm; một số hạn chế về quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị chậm được khắc phục; hậu quả của biển đổi khí hậu, đặc biệt là tác động lớn của đại dịch Covid-19 đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội...

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Lãnh đạo Bộ Xây dựng và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong 5 năm qua, ngành Xây dựng đã đoàn kết, thống nhất với quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo, triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, luôn giữ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, có những bước phát triển đột phá, tạo bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác thi đua, khen thưởng gắn với các chương trình hành động cụ thể

Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Xây dựng xác định thi đua là động lực phát triển, do đó đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/04/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các chủ trương, chính sách, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.

Trong 5 năm qua, ngành Xây dựng đã thường xuyên, liên tục chỉ đạo, phát động, tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước với các hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, với tiêu chí cụ thể, bám sát nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn của các đơn vị.

Tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng bình quân 8,5 - 8,7%/năm (mục tiêu trong Kế hoạch 05 năm cả nước là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xây dựng bình quân từ 8,0 - 8,5%/năm). Tỷ lệ đô thị hóa: ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020 (đạt so với chỉ tiêu trong Kế hoạch 05 năm của cả nước 38 - 40%).

Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đến năm 2020 đạt khoảng 90%. Tính đến năm 2018, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh ở thành thị là 99,5%, nông thôn là 90,8% (đạt mục tiêu trong Kế hoạch 05 năm của cả nước là “95% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh”). Quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều đạt 100%; Quy hoạch phân khu đạt 78% và quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại đô thị: ước đến năm 2020 đạt khoảng 91% (mục tiêu đề ra trong Kế hoạch là 90% chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn).

Hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Xây dựng thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Nổi bật là các phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đảm bảo nâng cao chất lượng công trình xây dựng”, “Tổ chức tốt hơn nữa điều kiện sống và làm việc cho công nhân viên chức ngành Xây dựng”, “Xanh - Sạch - Đẹp và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Học tập nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn, nghiệm vụ”... Khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp trong mọi lĩnh vực đã tạo động lực khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị và ngành Xây dựng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.

Nhiều doanh nghiêp trong Ngành đã tập trung thi đua cải tiến khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện tái cấu trúc và định hướng phát triển ngành Xây dựng nhanh và bền vững, phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời xây dựng và nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm, giữ gìn văn hóa, đạo đức kinh doanh, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng. Tập trung nguồn lực, tăng cường liên kết sản xuất; bảo đảm an toàn lao động, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cao. Thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước bảo đảm đủ và vượt chỉ tiêu kế hoạch, thực hiện tốt chính sách tín dụng, bảo hiểm, quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường.

Từ phong trào thi đua đóng góp nhiều lợi ích kinh tế

Trong 5 năm qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trong Ngành phát động 2.411 chiến dịch, đợt thi đua trên các lĩnh vực công tác; có 241 công trình gắn biển chào mừng các sự kiện trọng đại của Ngành và đất nước. Điển hình là: Chiến dịch thi đua “330 ngày đêm hoàn thành toàn bộ công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu đảm bảo chất lượng, tiết kiệm, an toàn và vượt tiến độ”; “87 ngày đêm với mục tiêu ngăn sông thắng lợi - dự án thủy điện Pake”, “104 ngày đêm hoàn thành đào và gia cố gian máy công trình thủy điện Thượng Kon Tum”, thi đua hoàn thành tiến độ trên công trình thủy điện Xekaman1 (Lào) (các đơn vị thuộc Tổng Công ty Sông Đà - CTCP); thủy điện Huội Quảng, nhiệt điện Thái Bình, nhiệt điện Sinh Khối An Khê - Gia Lai (Tổng Công ty Lilama - CTCP); công trình cầu vượt thép nút giao Long Biên - Hà Nội, công trình thủy điện Nậm Mức, ALin B1, Trung Sơn, Nậm Na 3, Cẩm Thủy, Krongno 2, Đa Nhim (Tổng Công ty Coma); chiến dịch “60 ngày đêm hoàn thành hạng mục công trình gói thầu 07” dự án xây dựng cơ sở mới Trường Đại học Thủy lợi (Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP… đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của các đơn vị và toàn Ngành. Các phong trào thi đua yêu nước không chỉ phát triển về quy mô mà ngày càng được nâng cao về chất lượng, tập trung vào việc giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Các đơn vị thi công được khen thưởng khi bàn giao công trình.

Các đơn vị thi công được khen thưởng khi bàn giao công trình.

Một số doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất nhiều sản phẩm có chất lượng cao, thay thế nhập khẩu. Nhiều sản phẩm đã có thương hiệu, chiếm lĩnh, chi phối thị trường trong nước và từng bước xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới có thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khu vực và thế giới như Vicem, Viglacera, Fico... Giai đoạn 2015 - 2020 đã có 8.356 sáng kiến, 568 đề tài được ứng dụng trong thực tiễn, làm lợi cho đơn vị trên 1.700 tỷ đồng, tiết kiệm 90 nghìn tỷ đồng.

Trong các phong trào thi đua yêu nước của ngành Xây dựng giai đoạn 2015 - 2020 đã có rất nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, điển hình là: Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Viglacera - CTCP, Tổng Công ty Sông Đà - CTCP, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP, Tổng Công ty Lilama - CTCP, Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Viện Vật liệu Xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Nghề Lilama 2, Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1, Bệnh viện Xây dựng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Phát triển đô thị, Vụ Pháp chế, Vụ Quy hoạch Kiến trúc; Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Yên Bái, Quảng Nam, Bình Dương, Lâm Đồng, Kiên Giang; Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai; Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Kết quả khen thưởng ngành Xây dựng giai đoạn 2015 - 2020: - Huân chương Độc lập hạng Ba: 01 cá nhân; - Huân chương Lao động các hạng: 13 tập thể và 113 cá nhân; - Cờ thi đua của Chính phủ: 86 tập thể; - Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 27 tập thể và 129 cá nhân; - Cờ thi đua của Bộ Xây dựng: 387 tập thể; - Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Xây dựng: 1.942 tập thể và 3.980 cá nhân. - Danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Xây dựng: 1.546 cá nhân. - Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Xây dựng: 4.528 cá nhân.

Lê Mỹ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nganh-xay-dung-thi-dua-de-phat-trien-kinh-te-ben-vung-293826.html