Ngành Xây dựng TP.HCM: Cải cách thủ tục hành chính

Chủ đề năm 2024 của TP.HCM là 'Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội', do đó ngành Xây dựng xác định mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024. Chủ động triển khai và giao nhiệm vụ cho phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở; quán triệt công chức, viên chức, người lao động đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, không ngừng cải tiến phương pháp làm việc nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

Nhà ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM sau khi được cải tạo trở nên khang trang hiện đại.

Nhà ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM sau khi được cải tạo trở nên khang trang hiện đại.

Nhiệm vụ trọng tâm

Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Thành phố, Sở Xây dựng đã chủ động xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm là triển các chương trình đề án, nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang cải tạo lại chung cư cũ, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đổi mới cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về cơ chế đặc thù, tổ chức công tác cán bộ và xây dựng pháp luật.

Cụ thể các chương trình, đề án là: Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045 và kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030; Đề án phát triển hệ thống cấp nước TP.HCM giai đoạn 2020 - 2050 và Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030; Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030; Chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030; Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu xây dựng Chương trình phát triển đô thị TP.HCM và TP Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050; Thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, trong đó tập trung chung cư hư hỏng xuống cấp; Tăng cường thực hiện quản lý trật tự xây dựng và quản lý, sử dụng nhà, đất tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với các quan điểm đổi mới, sáng tạo, tinh gọn thủ tục hành chính. Lấy sự hài lòng của công dân và DN làm thước đo hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, cụ thể: Tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật đối với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Xây dựng trên địa bàn thành phố; Xây dựng cơ sở dữ liệu Cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố; Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân sử dụng App SXD247 nhằm nâng cao vai trò kiểm tra và giám sát của người dân đối với việc chấp hành pháp luật xây dựng trên địa bàn thành phố; Tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục hành chính theo các quy định pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Do đó, năm 2024 Sở Xây dựng đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu: 100% thủ tục hành chính của Sở áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; 100% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn; chỉ số hài lòng của người dân đạt trên 95%; Phát triển thêm 8 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở và nâng diện tích nhà ở bình quân là 22,06 m2/người; 100% công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được kiểm tra và xử lý kịp thời, đúng quy định; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%; Phát triển công viên công cộng 5 ha, mảng xanh công cộng 2 ha và trồng mới, cải tạo 6.000 cây xanh công cộng.

Năm 2023, Sở Xây dựng chủ trì 726 cuộc họp để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết hồ sơ, không để ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Năm 2023, Sở Xây dựng chủ trì 726 cuộc họp để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết hồ sơ, không để ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Giải pháp thực hiện nhiệm vụ

Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu trong chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 thì cần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giải quyết hồ sơ, phân nhóm, cách thức làm việc giữa các phòng, đơn vị.

Tập trung tham mưu UBND Thành phố tháo gỡ các vướng mắc của các dự án BĐS theo từng chuyên đề hoặc nhóm vướng mắc điển hình về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài chính, giao thông và kinh doanh BĐS.

Đối với việc phát triển NƠXH, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND Thành phố lập kế hoạch phát triển và quản lý NƠXH đến năm 2030 trên địa bàn thành phố để thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn NƠXH của Chính phủ. Rà soát, bổ sung các quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, các quỹ đất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để sắp xếp lại và điều chỉnh quy hoạch thành đất xây dựng NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân. Đặc biệt là rà soát quỹ đất xây dựng NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha. Nếu chủ đầu tư chậm hoặc không thực hiện thì thu hồi, tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng NƠXH tại khu đất này theo quy định. Hoặc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng dự án NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân tại các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý…

Đối với Chương trình phát triển công viên cây xanh công cộng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 theo Quyết định của UBND Thành phố cần thực hiện 55 dự án với kinh phí đầu tư ước tính 4.480 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 9 dự án với tổng diện tích 36,1 ha có trong trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, được giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương đầu tư. Do đó, để đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra Sở Xây dựng sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung thực hiện 46 dự án với kinh phí 2.646 tỷ đồng.

Riêng đề án chống ngập và xử lý nước thải thành phố với mục tiêu đến năm 2025, thành phố sẽ giải quyết 18 tuyến trục chính thường xuyên ngập nước. Hiện đã giải quyết 5/18 điểm ngập do mưa - đạt 27,78%. Để giải quyết 13 điểm ngập còn lại, cần thực hiện 9 dự án với tổng mức đầu tư là 3.413 tỷ đồng.

Đối với chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị Sở Xây dựng tiếp tục kiến nghị thành phố ưu tiên bố trí vốn cho các dự án di dời nhà trên, ven kênh rạch trên địa bàn thành phố, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép về kế hoạch chỉnh trang phát triển đô thị và kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải của thành phố, gồm: 7 dự án dự kiến hoàn thành năm 2025 với tổng vốn đầu tư dự kiến 18.829 tỷ đồng; 13 dự án chưa bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư dự kiến 18.150 tỷ đồng.

Đối với cải tạo, sửa chữa, đầu tư xây dựng mới thay thế chung cư cũ cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch tại khu vực, xây dựng lại nhà chung cư, đề xuất các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc và quy mô dân số phù hợp, đảm bảo tính khả thi nhằm thu hút các nhà đầu tư. Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hoặc khu chung cư để làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thông qua hội nghị nhà chung cư; Nhà nước sẽ tổ chức di dời các hộ dân tại các chung cư có diện tích nhỏ, chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc không đảm bảo tính khả thi để bố trí tái định cư các địa điểm khác…

Trần Hoàng Quân
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nganh-xay-dung-tphcm-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-369279.html