Ngành xuất bản các nước Đông Nam Á đối mặt nhiều thách thức
Bên cạnh tác động của đại dịch, ngành xuất bản ở các quốc gia Đông Nam Á đang gặp nhiều thách thức trong vấn đề bản quyền và chuyển đổi số.
Hội Xuất bản Việt Nam đã đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của Hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) nhiệm kỳ 2022-2023. Trong khoảng thời gian này, ngành xuất bản đối mặt nhiều thách thức khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, những vấn đề bản quyền, sự sáng tạo và chuyển đổi số trong xuất bản cũng còn không ít vướng mắc.
Bà Trasvin Jittidecharak - Cố vấn danh dự của Hội Xuất bản Đông Nam Á, Tổng thư ký ABPA (nhiệm kỳ 2020-2021) - chia sẻ về những thành tựu mà Thái Lan đạt được trong nhiệm kỳ là chủ tịch luân phiên vừa qua, cũng như thách thức của ngành xuất bản ASEAN hiện tại.
Đại dịch khiến ngành xuất bản tạo ra nhiều bước ngoặt
- Trong thời gian giữ chức chủ tịch luân phiên Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á, Hiệp hội nhà xuất bản và nhà bán sách Thái Lan (PUBAT) đã đạt được những thành tựu nào, thưa bà?
- Trong nhiệm kỳ của mình, ngành xuất bản của Thái Lan đã ghi dấu ấn khi chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cho các thành viên ABPA ở hai lĩnh vực là thích ứng công nghệ và bản quyền.
Ngay thời điểm đợt dịch đầu tiên tấn công Thái Lan năm 2020, PUBAT đã phải hủy Hội chợ sách Bangkok trước ngày diễn ra 3 tuần. Sau đó, chúng tôi khởi động lại hội chợ sách này với hình thức trực tuyến.
Theo thống kê, Hội chợ Sách Bangkok 2020 có tác động tài chính đáng kể đối với các nhà xuất bản Thái Lan cùng những đơn vị đồng hành trong quá trình tổ chức. Tuy không thể so sánh doanh số bán sách của Hội chợ sách online với các sự kiện trực tiếp, nó đã tạo ra được bước ngoặt cho ngành.
Sau sự kiện này, PUBAT đã chia sẻ kinh nghiệm mình có với các thành viên ABPA. Đây cũng là hội thảo đầu tiên được tổ chức trực tuyến và nhận về sự quan tâm của các hội xuất bản quốc tế.
Từ thời điểm đó, các thành viên của Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á chấp nhận và hoạt động tích cực qua các nền tảng trực tuyến hơn. ABPA cũng khuyến khích thành viên tăng cường kinh doanh trên kênh thương mại điện tử.
Ở phía ngược lại, vấn đề bản quyền và vi phạm bản quyền lại là mặt trái của Internet và các thị trường trực tuyến. Càng có nhiều sản phẩm trực tuyến, khả năng bị xâm phạm bản quyền ngày càng cao. Thế nên, việc chia sẻ thông tin và giải quyết vấn nạn này cùng nhau là điều cần thiết.
- Theo bà, ở nhiệm kỳ 2020-2021, đâu là những thách thức mà ngành xuất bản ở Thái Lan và Đông Nam Á phải đối mặt?
- Ngành xuất bản đóng vai trò quan trọng trong giáo dục và tạo tiền đề cho công nghiệp sáng tạo, nhưng nhiều nơi chưa thật sự lưu tâm vấn đề này.
Hầu hết nhà xuất bản cũng như lực lượng lao động trong chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á gần như có rất ít sự hứng thú để tiếp cận và xem xuất bản là tương lai để phát triển mạnh mẽ. Vấn đề nằm ở chỗ ngành xuất bản, lực lượng lao động trong ngành cần được nhìn nhận đúng mức.
Nhiều vấn đề cần giải quyết
- Trước nhiều khó khăn bủa vây, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngành xuất bản của các nước ASEAN cần giải pháp gì để phát triển?
- Có nhiều vấn đề Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á phải giải quyết cùng nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là câu chuyện bản quyền. Phải cập nhật luật bản quyền và thực thi luật này sao cho chính xác, đảm bảo quyền lợi của tác giả, nhà xuất bản lẫn đơn vị phát hành.
Trước hết, báo cáo vi phạm và ngăn chặn vi phạm bản quyền mất quá nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục giấy tờ. Đây không khác một gánh nặng cho các nhà xuất bản và chủ sở hữu bản quyền. Làm thế nào nền kinh tế sáng tạo có thể phát triển nếu không được bảo vệ bản quyền?
Phải cập nhật luật bản quyền và thực thi luật này sao cho chính xác nhất, đảm bảo quyền lợi của tác giả, nhà xuất bản lẫn các đơn vị phát hành.
Bà Trasvin Jittidecharak - Tổng thư ký ABPA (nhiệm kỳ 2020-2021)
Mặt khác, vào thời điểm dịch bệnh, các nhà xuất bản trong khu vực phải đối mặt chi phí ngày càng tăng cả về nguyên liệu lẫn hậu cần. Thế nên, việc chuyển đổi số trong ngành xuất bản cần được đẩy mạnh. Nhưng vấn đề này không phải không có khó khăn.
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng sách in tốt nhất cho sự phát triển của trẻ mầm non và tiểu học. Đối với học sinh ở cấp lớn hơn, tín hiệu Internet cũng phần nào ảnh hưởng các em. Bên cạnh đó, "dán" mắt vào màn hình quá lâu cũng có rất nhiều mặt trái, ảnh hưởng sức khỏe. Lợi ích của việc đọc sách in sẽ tốt hơn về lâu dài.
- Hội Xuất bản Việt Nam là chủ tịch luân phiên tiếp theo của ABPA. Theo bà, những thách thức và cơ hội mà Việt Nam phải đối mặt trong nhiệm kỳ này là gì?
- Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nhân khẩu và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việc xuất bản phát triển phù hợp tốc độ tăng trưởng mạnh đòi hỏi đội ngũ lao động có kỹ năng và kiến thức sâu rộng để đảm trách được công việc.
Luật bản quyền tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia thành viên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á nói chung vẫn cần phải hoàn thiện. Cần sớm có cơ chế để bảo vệ các đơn vị xuất bản và chủ sở hữu bản quyền, như vậy mới phù hợp làn sóng phát triển kinh tế dựa trên năng lực sáng tạo.
Cuối cùng, việc tạo môi trường đủ rộng lớn để khuyến khích các nhà cung cấp nội dung từ nhà văn, họa sĩ minh họa cho đến các nhà xuất bản, đơn vị phát hành thể hiện một cách sáng tạo và tự do.