Ngành xuất bản Pakistan đứng trước ngã ba đường
Ngành xuất bản Pakistan đang đứng trước ngã ba đường, đối mặt với cuộc chiến khó khăn chống lại sự độc quyền, cộng đồng đọc sách đang thu hẹp lại và lạm phát tăng vọt.
Theo trang Propakistani, mô hình xuất bản truyền thống ở Pakistan đã hoạt động khá tốt trước khi có Internet và mạng xã hội. Thời điểm đó, sách là nguồn giải trí cá nhân duy nhất và nước này có một mạng lưới các thư viện công và các cơ sở nhỏ cho mượn sách và tạp chí.
Hiện trạng ngành xuất bản Pakistan
2000-2005 là thời kỳ cải cách ở Pakistan khi sự thâm nhập của Internet đã thay đổi hành vi của công chúng. Nhiều độc giả chuyển sang trực tuyến khi họ có quyền truy cập miễn phí vào rất nhiều nội dung thông tin. Xu hướng này đã khiến lợi nhuận của các nhà xuất bản truyền thống giảm mạnh.
Các nhà xuất bản ở Pakistan cũng chưa bắt kịp đà số hóa. Hệ thống mã số tiêu chuẩn cho sách ISBN tại Pakistan vẫn thiếu nền tảng số và mọi thứ vẫn được thực hiện ở dạng cứng nếu ai đó muốn đăng ký một cuốn sách mới lên ISBN.
Trái ngược với đà phát triển chậm chạp ở Pakistan, ngành xuất bản sách toàn cầu đang phát triển mạnh. Doanh thu xuất bản toàn cầu đã tăng từ 122 tỷ USD năm 2018 lên 129 tỷ USD vào năm 2023 và vốn hóa thị trường ở mức 143,65 tỷ USD sẽ được định giá 163,89 tỷ USD vào năm 2030.
Hassan Saeed, thành viên của Bookay, một cộng đồng trực tuyến của những người đọc sách ở Pakistan với 15.000 thành viên, cho biết ba nhà xuất bản lớn nhất trên thế giới, tức là HarperCollins, Simon Schuster và Penguin Random House chỉ có chi nhánh tại Ấn Độ và điều đó tạo ra rất nhiều vấn đề cho các tác giả Pakistan (do quan hệ song phương giữa 2 nước khá căng thẳng). Gần 90% tác phẩm được xuất bản hiện tại ở Pakistan cũng chỉ giới hạn ở giới hàn lâm và sách giáo khoa, và có rất ít công trình nghiên cứu hoặc tiểu thuyết mới.
Thêm vào đó, vào năm 2010-2011, một tác giả mới được coi là không thể xuất bản trừ khi có bằng cấp về văn học và có ảnh hưởng trong giới văn học, Syed Ommer Amer, người sáng lập công ty xuất bản hiện đại Daastan, cho biết.
Ông nói thêm rằng đối với xuất bản truyền thống ở Pakistan, một người phải thực sự nổi tiếng, là một quan chức, chính trị gia hoặc phải có mối liên hệ với một tác giả đã nổi tiếng thì tác phẩm của họ mới được xuất bản. Syed cũng tiết lộ rằng Pakistan chỉ có 3.000 đơn vị xuất bản, trong khi Ấn Độ có 250.000 và Mỹ có 1-1,5 triệu.
Trong khi đó, các nền tảng tự xuất bản như Amazon không hoạt động ở Pakistan và kể cả khi tác giả tự tìm cách xuất bản sách trên nền tảng này, việc nhận được lợi nhuận từ đó cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Với mục tiêu đa dạng hóa tác phẩm và mang đến những cuốn sách chi phí phải chăng cho đại chúng, Daastan cho đến nay đã xuất bản hơn 500 cuốn sách. Họ cũng là đơn vị duy nhất giành được Giải thưởng Kiến thức Thông tin Truyền thông của UNESCO ở Pakistan.
Khó khăn hiện tại và sự suy giảm trong văn hóa đọc
Để phát triển được như hiện tại, Daastan đã nhiều lần thay đổi mô hình kinh doanh. Họ khởi đầu bằng việc xuất bản miễn phí nhưng hiệu quả không cao. Hiện tại, người dùng phải mua tư cách thành viên một năm với giá Rs. 5.000 và sau đó họ tải lên các bản thảo cần xuất bản. Daastan sẽ đánh giá về nguy cơ đạo văn và nếu bản thảo ổn thỏa, tác phẩm sẽ được gửi đi để chỉnh sửa, đóng bìa sách và sản xuất bản mềm.
Nếu người dùng chỉ muốn xuất bản sách điện tử và có thể tự làm phần còn lại, người dùng có thể hoàn thành việc đó với Daastan với giá dưới Rs. 10.000. Amer cũng nói thêm rằng cách làm việc của họ rất linh hoạt và các tác giả không phải trả trước tất cả. So với các nhà xuất bản truyền thống, Daastan đang có lợi thế là chuyên về xuất bản số lượng thấp vì các cỗ máy in lớn không thể in ít hơn một nghìn bản cùng một lúc.
Tuy nhiên, nền tảng xuất bản hiện đại này cũng đang gặp nhiều khó khăn. “Giá giấy đã tăng gấp 4 lần trong năm ngoái và lạm phát lần này là thách thức lớn nhất. Chúng tôi sử dụng giấy chất lượng cao và các nguyên liệu thô nhập khẩu khác vì giấy địa phương chất lượng tương đối thấp”, Amer chỉ ra.
Cộng đồng đọc sách ở Pakistan đang bị thu hẹp và điều đó cũng có lý do của nó. Pakistan có tỷ lệ biết chữ thấp nhất là 62,3% trong khu vực, thậm chí còn thấp hơn cả một số quốc gia châu Phi có GDP thấp hơn năm lần. Hơn một phần ba dân số Pakistan không biết đọc và số còn lại thường chỉ đọc sách giáo khoa.
Saeed cho biết: “Thói quen đọc sách của người dân đã bị suy giảm mạnh mẽ và nhiều người coi sách là một sự lãng phí thời gian và giới hạn nó trong phạm vi học thuật”. Và mặc dù số lượng người đọc sách ở Pakistan đang ngày càng nhiều hơn, nhưng nó vẫn chưa tương xứng với mức của một quốc gia dân số lớn như Pakistan.
Ông Saeed cũng cho biết cách làm việc của nhiều thư viện Pakistan cũng đang hạn sự tiếp cận với sách. Ví dụ, một người bình thường không thể vào Thư viện Jinnah ở Lahore trừ khi có bằng thạc sĩ hoặc sinh viên thạc sĩ. Trong khi một số thư viện khác chỉ mở cửa trong giờ hành chính nên tầng lớp lao động không thuận tiện.
Quay trở lại với Daastan, Amer nói rằng họ đang dần đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình bằng cách tập trung vào các cây viết tầm trung, những người vừa có đủ khả năng xuất bản và vừa có sẵn độc giả. Daastan cũng đang sẵn sàng tích hợp các công cụ kĩ thuật số mới để tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả doanh thu. Ông Amer cho biết: “Với sự ra mắt của các công cụ AI tổng quát, chúng tôi đang tìm cách sử dụng các công nghệ này để tự động hóa quy trình chỉnh sửa và thiết kế cho khách hàng của mình, đồng thời cắt giảm một nửa chi phí xuất bản ban đầu”.
Theo trang Propakistani, việc vực dậy ngành xuất bản cũng có ý nghĩa quan trọng khi Pakistan muốn xây dựng nền kinh tế tri thức và bảo tồn các giá trị văn hóa, văn học và bản sắc. Một lý do nữa là người Pakistan cần kể lên câu chuyện của chính mình, thay vì để các nhà văn khác chưa từng đến Pakistan viết nên những nội dung phần nào thiên lệch. Sách vừa là nguồn sáng tạo, xây dựng tư duy phản biện, là cầu nối đến những thế giới và ý tưởng mới, đồng thời kết nối quá khứ và tương lai. Tìm cách phát triển ngành xuất bản đồng nghĩa với việc bảo tồn di sản và truyền đi những câu chuyện và tiếng nói của Pakistan.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nganh-xuat-ban-pakistan-dung-truoc-nga-ba-duong-post1446396.html