Ngành Y tế khẩn trương triển khai phương án ứng phó bão WIPHA

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (WIPHA), các đơn vị y tế sẵn sàng cơ động lực lượng tham gia cứu nạn và hỗ trợ các địa phương...

Trước diễn biến phức tạp của bão WIPHA, Sở Y tế Nghệ An đã phát đi công văn khẩn yêu cầu tất cả cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh sẵn sàng ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh, nhân viên y tế và cơ sở vật chất.

Cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẵn sàng ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh, nhân viên y tế và cơ sở vật chất.

Cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẵn sàng ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh, nhân viên y tế và cơ sở vật chất.

Theo đó, các đơn vị phải theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa bão, chủ động phương án cấp cứu, sơ tán bệnh nhân, đặc biệt ưu tiên người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và các đối tượng yếu thế. Trang thiết bị y tế hiện đại như máy CT-Scanner, X-quang, siêu âm, máy thở... cần có biện pháp bảo vệ và di dời an toàn khi cần thiết.

Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế dự trữ đầy đủ thuốc men, hóa chất, vật tư y tế và phương tiện cung cấp điện dự phòng; tăng cường giám sát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24h và duy trì thông tin liên lạc thông suốt.

Ngoài nhiệm vụ tại chỗ, các đơn vị y tế sẵn sàng cơ động lực lượng tham gia cứu nạn và hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp. Sở Y tế Nghệ An nhấn mạnh, việc triển khai kịp thời và linh hoạt các phương án đã xây dựng là yếu tố then chốt nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi bão WIPHA đổ bộ.

Ngoài Nghệ An, ngành y tế Thanh Hóa đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, trang bị các phương tiện phòng chống bão số 3.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3.

Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến, tình hình mưa, lũ, thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với diễn biến thiên tai, yêu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Đồng thời tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cứu chữa cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân, đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư.

Phối hợp cùng ban ngành, địa phương kiểm tra, rà soát cơ sở y tế, nhà ở không an toàn, các khu dân cư bãi sông, ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, chủ động tổ chức di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.

Chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, các trang bị phương tiện cần thiết cho các đội cơ động, đội phòng chống dịch để triển khai công tác cứu thương, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất lọc nước để hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu, chủ động sắp xếp, ổn định các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân sau mưa lũ.

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 6.566 phương tiện tàu thuyền với 21.868 lao động đã neo đậu, tránh trú bão an toàn tại bến.

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 6.566 phương tiện tàu thuyền với 21.868 lao động đã neo đậu, tránh trú bão an toàn tại bến.

Từ ngày 19/7 đến 8h ngày 21/7, do mưa lớn, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 220 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương hỗ trợ gia cố lại nhà cửa, di chuyển người và tài sản đến nơi tránh trú an toàn.

Tỉnh Thanh Hóa quyết định cấm biển trên địa bàn tỉnh từ 8h00 ngày 21/7 cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão.

Tính đến 7h sáng nay (21/7), toàn tỉnh có 6.566 phương tiện tàu thuyền với 21.868 lao động đã neo đậu, tránh trú bão an toàn tại bến; còn 9 phương tiện với 88 lao động đang hoạt động trên vùng biển Quảng Trị - Huế; Nam Biển Đông (Cà Mau).

Đến thời điểm này, 100% phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về bão số 3 và thường xuyên liên lạc với gia đình cũng như cơ quan chức năng...

Ngọc Hưng - V. Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nganh-y-te-khan-truong-trien-khai-phuong-an-ung-pho-bao-wipha-169250720131301679.htm