Ngành y tế 'ốm yếu' của Ấn Độ

Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền, vốn vẫn còn hân hoan với việc Thủ tướng Narendra Modi tái đắc cử nhiệm kỳ II trong cuộc bầu cử lần thứ 17 vừa qua, đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất đối với chính phủ mới là lĩnh vực y tế. Thiếu bệnh viện, thiếu bác sĩ, các chuyên gia y tế không được trang bị đầy đủ và kinh phí ít ỏi tồn tại nhiều thập kỷ qua trong ngành y tế Ấn Độ.

Đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền, vốn vẫn còn hân hoan với việc Thủ tướng Narendra Modi tái đắc cử nhiệm kỳ II trong cuộc bầu cử lần thứ 17 vừa qua, đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất đối với chính phủ mới là lĩnh vực y tế. Thiếu bệnh viện, thiếu bác sĩ, các chuyên gia y tế không được trang bị đầy đủ và kinh phí ít ỏi tồn tại nhiều thập kỷ qua trong ngành y tế Ấn Độ.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Jorhat, bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: Diplomat

Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Jorhat, bang Assam, Ấn Độ. Ảnh: Diplomat

Nhân viên y tế không có trình độ

Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Y học Anh, ngành y tế Ấn Độ kém về nhiều thông số quan trọng, bao gồm cả chất lượng chăm sóc sức khỏe cũng như trình độ bác sĩ.

Báo cáo cho biết, 54% các nhân viên y tế ở Ấn Độ - gồm bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và nữ hộ sinh - không có trình độ chuyên môn phù hợp, trong khi 20% bác sĩ có trình độ phù hợp lại không phải là một phần của lực lượng lao động hiện tại của nước này. Ngoài ra, cuộc khảo sát cho thấy hơn 80% bác sĩ và 70% y tá, nữ hộ sinh Ấn Độ chọn làm việc cho các bệnh viện tư, bởi nơi đây có môi trường làm việc thuận lợi hơn. Nghiên cứu kết luận, trình độ của các nhân viên y tế là vấn đề nghiêm trọng ở Ấn Độ, do đó chính phủ cần đưa ra chính sách tập trung vào việc nâng cao chất lượng nhân viên y tế, thu hút những người có trình độ chuyên môn vào lực lượng lao động y tế. Báo cáo cũng nhấn mạnh sự phân bố không đồng đều của các nhân viên y tế tại Ấn Độ.

Chỉ chiếm 1,5% GDP

Việc Ấn Độ chi tiêu rất ít cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là điều mà các chuyên gia lo ngại trong nhiều năm qua. Dù Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, chi tiêu y tế công cộng của nước này chỉ ở mức chưa tới 1,5% GDP, một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới. Tỷ lệ này ở Anh là 9,6% GDP, Mỹ là 18% GDP vào năm 2017. Con số nhỏ nhoi chi cho y tế trái ngược hoàn toàn với 10,6% GDP mà chính phủ phân bổ cho quốc phòng.

Mặc dù chi tiêu bình quân đầu người cho y tế đã tăng từ khoảng 10 USD trong năm 2009-2010 lên 15 USD trong năm 2015-2016, nhưng con số này vẫn còn khá ảm đạm. Tệ hơn, ở Ấn Độ, trung bình một bác sĩ của chính phủ phải chăm sóc sức khỏe cho 11.082 người, gấp 10 lần so với tỷ lệ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 1: 1.000. Điều đáng chú ý hơn nữa là những tồn tại trong lĩnh vực y tế không nằm trong chương trình nghị sự quốc gia. Năm 2017, chính phủ BJP hứa sẽ tăng ngân sách y tế lên 2,5% GDP vào năm 2025. Năm 2018, BJP khởi động "chương trình chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới" có tên Ayushman Bharat, đảm bảo việc chi trả trị giá 7.081 USD cho 100 triệu gia đình hoặc 500 triệu người bị thiệt thòi. Tuy nhiên, Ayushman Bharat không thực sự là một chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, mà chỉ có tác động đối với chưa tới một nửa dân số của Ấn Độ.

Chi phí cao của các loại thuốc là điều mà người dân Ấn Độ cảm thấy khó chịu. 70% chi phí chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ được các bệnh nhân chi trả bằng tiền túi, một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Thiếu phương pháp điều trị phòng ngừa là một điểm đau đầu khác. Hồ sơ Y tế Quốc gia 2018, một báo cáo thường niên do Cục Tình báo Y tế Trung ương công bố, cho biết do thiếu tập trung vào phòng ngừa ung thư, ở Ấn Độ, hơn 70% bệnh ung thư chỉ được chẩn đoán khi đã đến giai đoạn III hoặc IV. Đó là lý do số người tử vong do ung thư ở Ấn Độ cao nhất thế giới.

Những hệ lụy

Việc chăm sóc sức khỏe kém ảnh hưởng xấu đến chất lượng của lực lượng lao động đã được ghi nhận rõ ràng tại Ấn Độ. Người dân nước này chỉ có thể làm việc với năng suất cao nhất trong 6,5 năm (so với 20 năm ở Trung Quốc, 16 năm ở Brazil và 13 năm ở Sri Lanka), đứng thứ 158 trong số 195 quốc gia trong Bảng xếp hạng quốc tế về nguồn nhân lực.

Suy dinh dưỡng - mặc dù không lan tràn như trước - cũng là điểm đáng báo động. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, việc giảm 1% chiều cao ở người trưởng thành do thấp còi ở trẻ em sẽ gây tổn thất 1,4% năng suất kinh tế. Trẻ em thấp còi khi trưởng thành kiếm tiền ít hơn 20% so với những cá nhân không bị còi cọc. Tỷ lệ mắc bệnh tương đối cao trong dân số kết hợp với chăm sóc y tế yếu kém đồng nghĩa với việc Ấn Độ đang mạo hiểm với tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Nguồn lực con người được coi là một yếu tố quan trọng quyết định tăng trưởng kinh tế. Tuổi thọ và sức khỏe ảnh hưởng lớn đến chất lượng lao động của một quốc gia.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_208891_nganh-y-te-om-yeu-cua-an-do.aspx