Ngành y tế ứng phó với sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm
Bệnh không lây nhiễm hiện đang có xu hướng gia tăng. Để ứng phó, ngành y tế đẩy mạnh kiểm soát dự phòng với mục tiêu phát hiện sớm, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Khám, tầm soát tim mạch, thận tại Trung tâm Y tế TP.Thuận An
Bệnh không lây nhiễm đang gia tăng
Các bệnh không lây nhiễm hiện có 4 nhóm chính gồm: Tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp); ung thư; bệnh hô hấp mạn tính và tiểu đường.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 73% tổng số ca tử vong ở Việt Nam. Trong đó, ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và rối loạn sức khỏe tâm thần là những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất. Các bệnh này không chỉ làm gia tăng tỷ lệ tử vong mà còn tạo gánh nặng lớn cho hệ thống y tế và kinh tế quốc dân.
Tại Bình Dương, những năm qua, mạng lưới hoạt động phòng, chống ung thư đã được triển khai tại 100% huyện, thành phố và 100% xã phường, thị trấn. Hoạt động nổi bật là ghi nhận, quản lý các bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, công tác ghi nhận bệnh nhân chưa đầy đủ, thụ động, các ca bệnh chủ yếu do tuyến trên chuyển về. Công tác phòng, chống bệnh tim mạch mới chỉ dừng lại ở việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp mà chưa mở rộng sang các bệnh tim mạch khác. Công tác sàng lọc phát hiện mới bệnh nhân đái tháo đường đưa vào quản lý, điều trị và tư vấn còn gặp nhiều khó khăn. Đa số máy đo đường huyết tại các trạm y tế là tự mua nên không có sự đồng nhất, tương thích các chỉ số đường huyết giữa các que do tỉnh cấp và máy đo đường huyết tại trạm y tế.
Bên cạnh đó, các hoạt động phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản vẫn chưa được triển khai; việc cung ứng thuốc điều trị chưa kịp thời, dẫn đến tỷ lệ người bệnh bỏ trị hoặc chuyển đi nơi khác điều trị khá cao.
Bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, cho biết trong những năm gần đây, mô hình bệnh tật đã có sự thay đổi. Tỉ lệ bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng tăng lên, ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu bệnh tật. Thực tế, thời gian qua bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu nhiều bệnh nhân bị các bệnh không lây nhiễm phải điều trị suốt đời. Đặc biệt bệnh nhân bị những cơn đau cấp như nhồi máu cơ tim, phổi tắc nghẽn mãn tính phải điều trị suốt đời hoặc theo dõi trong thời gian dài, làm tăng chi phí y tế, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe cộng đồng.
Theo bác sĩ Dương Tấn Tài, nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh không lây nhiễm tăng cao xuất phát từ lối sống không lành mạnh, hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn ít rau, trái cây, ăn nhiều muối, ít vận động, thừa cân béo phì...

Kiểm tra đường huyết
Cung cấp dịch vụ, phát hiện bệnh sớm
Từ thực tế tình trạng bệnh đang gia tăng, ngành y tế tỉnh phê duyệt đề án dự phòng, phát hiện, quản lý, điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2024 - 2025.
Theo đó, tất cả người dân mọi độ tuổi, ưu tiên người từ 40 tuổi trở lên và người có nguy cơ cao mắc bệnh sẽ được theo dõi, tư vấn, dự phòng bệnh. Các hoạt động điển hình như: Lồng ghép vào hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục. Quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ quan, tổ chức. Quản lý sức khỏe người cao tuổi. Quản lý, theo dõi sức khỏe người dân tại cộng đồng, Trạm Y tế xã và các cơ sở y tế liên quan.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết đề án đề ra 6 nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, nhằm tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong. 6 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Tăng cường công tác quản lý; đẩy mạnh truyền thông; cung cấp các dịch vụ dự phòng; nâng cao năng lực hệ thống cung cấp các dịch vụ dự phòng; phát triển hệ thống giám sát quản lý thông tin và hợp tác với các tổ chức quốc tế, trong nước.
“Để thực hiện tốt 6 mục tiêu này, ngành giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch hàng năm. Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch. Đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh khi có nhu cầu trong công tác dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Riêng trung tâm y tế các huyện, thành phố, căn cứ nội dung của đề án, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch của địa phương”- Tiến sĩ Chương cho biết thêm.
Cùng với các hoạt động dự phòng, ngành cũng bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư thiết yếu cho chẩn đoán, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả. Trung tâm Y tế huyện hướng dẫn Trạm Y tế xã dự trù thuốc đầy đủ; tổng hợp, lập kế hoạch nhu cầu sử dụng và cung ứng thuốc theo quy định. Toàn ngành bảo đảm các Trạm Y tế xã thực hiện khám bệnh, chữa bệnh có đủ thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường theo các danh mục thuốc do Bộ Y tế quy định. Đặc biệt có đủ sinh phẩm, thực hiện xét nghiệm đường máu mao mạch cho việc quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường tại Trạm Y tế xã theo quy định.