Đà Nẵng: Liên kết phát triển du lịch y tế
Tại cuộc hội thảo chiều ngày 15/4 về phát triển du lịch y tế Đà Nẵng do Hội Y học, Sở Y tế, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch TP lần đầu tiên phối hợp tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Chí Cường nhấn mạnh yếu tố liên kết để thành công.
Theo ông Trần Chí Cường, lãnh đạo TP Đà Nẵng quyết tâm thúc đẩy phát triển dịch vụ y tế thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Gần 10 năm nay, vấn đề này đã được một số đơn vị tâm huyết trên địa bàn như Thiện Nhân Hospital, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện quận Sơn Trà… triển khai, nhưng vì nhiều lý do nên y tế vẫn chưa trở thành sản phẩm du lịch như kỳ vọng.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu tại hội thảo.
“So với mong muốn và điều kiện vốn có của Đà Nẵng thì việc phát triển du lịch y tế như vậy là chậm. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay cả hai ngành du lịch và y tế của TP đã định vị được những cấu phần về cơ sở vật chất, hạ tầng lẫn dịch vụ để xây dựng nên sản phẩm này”, ông Trần Chí Cường nói.
Ông Cường ghi nhận trong thời gian qua, nhiều cơ sở y tế công lập lẫn tư nhân tại Đà Nẵng đã quan tâm đầu tư rất lớn cho dịch vụ du lịch y tế, từ các trang thiết bị chuyên sâu đến nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, áp dụng thành công nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại.
Theo ông, Trung ương giao nhiệm vụ cho TP Đà Nẵng trở thành một trong ba trung tâm phát triển của cả nước với tăng trưởng GRDP hai con số mỗi năm. Đối với các lĩnh vực khác, tăng trưởng hai con số có thể không quá khó, nhưng với ngành dịch vụ du lịch Đà Nẵng thì đây là một nhiệm vụ hết sức nan giải.
Do du lịch Đà Nẵng hiện đã phát triển ở mức khá cao nên để tăng 1 điểm phần trăm GRDP là thách thức rất lớn. Không có cách nào khác là phải phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ y tế và xây dựng trở thành sản phẩm du lịch. Đây mới là tiền đề để lĩnh vực dịch vụ du lịch của TP tiếp tục bức phá tăng trưởng.

Khách nước ngoài đến khám, chữa bệnh tại Thiện Nhân Hospital (Đà Nẵng).
Để làm được điều đó, ông Trần Chí Cường nhấn mạnh, nhân sự y tế không chỉ phục vụ lĩnh vực y tế mà còn phục vụ cả về du lịch, tức là phải nắm bắt được những kỹ năng của du lịch như ngoại ngữ, cung cách phục vụ du khách… Ngược lại, nhân sự du lịch cũng phải nắm bắt những kiến thức cơ bản nhất để định hướng, giới thiệu sản phẩm y tế cho du khách. Có như vậy mới lưu thông được dòng sản phẩm này giữa hai ngành.
Vấn đề then chốt, theo ông Trần Chí Cường là phải có sự liên kết thật sự chặt chẽ ngay trong mỗi khối y tế - du lịch và giữa hai khối ngành. Trong từng khối cần có sự đan xen, chia sẻ, giới thiệu lẫn nhau về thế mạnh của từng đơn vị, cơ sở; đồng thời giữa hai khối có sự gắn kết thông suốt để nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực, tăng cường xúc tiến quảng bá và phát triển các sản phẩm du lịch y tế.
“Tôi tin tưởng với sự liên kết thành một khối thống nhất để hình thành sản phẩm chất lượng cao nhất thì du lịch y tế của Đà Nẵng sẽ sớm phát triển, trở thành sản phẩm cốt lõi của ngành dịch vụ du lịch TP. Để khi nhắc đến du lịch khám chữa bệnh thì không chỉ có Singapore, Malaysia, Thái Lan mà Đà Nẵng sẽ là điểm sáng trên bản đồ du lịch y tế khu vực”, ông Trần Chí Cường nhấn mạnh.