'Ngáo quyền lực' - Một biểu hiện lệch chuẩn xã hội cần được loại bỏ

Hiện tượng 'ngáo quyền lực' đang ngày càng phổ biến, từ thực tiễn cuộc sống đến trên không gian mạng, hằng ngày, hằng giờ, từng bước tác động tiêu cực đến nhận thức, dư luận xã hội. Do đó, chúng ta cần phải nhận diện và có biện pháp phòng ngừa, loại bỏ khỏi đời sống xã hội.

Trên thực tế, thời gian qua đã xuất hiện nhiều trường hợp có biểu hiện “ngáo quyền lực”. Điển hình như trường hợp L.B.N. được “cư dân mạng” tôn sùng với những phát ngôn “gây sốc” trước nghị trường Quốc hội đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố ngày 14/11/2023 về tội "cưỡng đoạt tài sản", khởi tố bổ sung về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Ẩn sau vẻ bề ngoài hào nhoáng, những phát ngôn “như gang như thép” yêu cầu các cơ quan chức năng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực vào cuộc lại là bản chất “sói già” thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội, gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Bước đầu cơ quan điều tra xác định được đối tượng L.B.N. trục lợi số tiền nhiều tỷ đồng.

Trên địa bàn Thái Nguyên cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp khiếu kiện phức tạp, chủ yếu liên quan đến việc giải quyết các vấn đề về đất đai, chế độ chính sách của các cơ quan chức năng. Đơn cử như trường hợp các ông, bà: N.T.T., N.T.B., M.Q.L., và H.V.U. thường xuyên đưa đơn khiếu kiện, đến cổng trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước để yêu cầu gặp lãnh đạo và tiếp tục làm đơn đề nghị vượt cấp (Văn phòng Chính phủ, trụ sở Tiếp công dân Trung ương).

Theo đó, các đối tượng thường tụ tập cùng với nhiều công dân, từ nhiều địa phương khác nhau đi gửi đơn, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Tuy đã được các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tuyên truyền, giải thích quy định của pháp luật; có trường hợp đã được cơ quan Công an gọi lên kiểm điểm, răn đe nhưng họ vẫn chứng nào tật ấy, "ngựa quen đường cũ".

Hay như trường hợp N.T.T., sinh năm 1972, trú tại xã Phục Linh (Đại Từ), đã cổ xúy, xúi giục người dân dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT, gây mất trật tự, ách tắc giao thông để livestream trên Facebook cá nhân “H.N” và fanpage Hội người dân ATK Thái Nguyên nói không với BOT Bờ Đậu trên Quốc lộ 3.

Do bị “ngáo quyền lực ảo”, nghĩ rằng mình là “người hùng” trên mạng xã hội nên N.T.T. đã bất chấp pháp luật, đi đến nhiều huyện, thành trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước để thu thập trái phép nhiều thông tin chưa được kiểm chứng liên quan các vụ khiếu kiện đất đai, sinh hoạt, đời tư của một số cán bộ lãnh đạo để viết bài sai sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, tung lên mạng xã hội, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, N.T.T. còn lợi dụng một số sai sót của các cơ quan chức năng để dọa nạt, vòi vĩnh. Đỉnh điểm, N.T.T. đã có hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” của người khác với số tiền 50 triệu đồng. N.T.T. đã phải trả giá cho những hành vi vi phạm của bản thân khi ngày 29/11/2023, đối tượng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Lương bắt giữ về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” của người khác.

Cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng tâm lý đám đông làm lan tỏa cực nhanh các thông tin gây sốc mà không cần phải đắn đo, suy xét, kiểm chứng, bởi vì họ đã sẵn có niềm tin rằng, những thông tin của những người "ảnh hưởng" ấy là sự thực, thậm chí là chân lý. Nó có tác động mạnh mẽ tới công chúng, đặc biệt là người trẻ - bộ phận chiếm số đông người dùng trên mạng xã hội, những người cởi mở, năng động, hướng ngoại.

Sở hữu tài khoản cá nhân, quản trị các hội nhóm với hàng chục nghìn tới hàng triệu lượt follow (theo dõi), các bài viết đăng tải có hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận ủng hộ, cổ xúy đã khiến họ đắm chìm trong sự ảo tưởng nổi tiếng. Với lượng người theo dõi lớn, dĩ nhiên sức ảnh hưởng của họ là không hề nhỏ. Nhưng cùng với đó, sự ngưỡng mộ của cư dân mạng cũng khiến họ trở nên tự cao, tự huyễn hoặc mình và nhanh chóng rơi vào căn bệnh “ngáo quyền lực”.

Những trường hợp “ngáo quyền lực” nêu trên đều có cách ứng xử lệch chuẩn; lợi dụng việc đấu tố, đứng ra đại diện đòi quyền lợi chính đáng cho một nhóm người để đánh bóng tên tuổi cho bản thân. Thậm chí, có những người thường xuyên thể hiện sự “chỉ bảo” cơ quan này, tổ chức kia phải làm thế này, thế khác bằng thái độ hết sức chủ quan. Có lẽ, do “tồn tại” quá lâu trong một thế giới ảo đầy rẫy những lời ca tụng, họ càng ngày càng nhiễm nặng vào căn bệnh "ngáo quyền lực".

Căn bệnh “ngáo quyền lực” là nguyên nhân của các hành vi xấu xí trên không gian mạng, của thói đàn áp, tấn công bằng bàn phím, và cũng là lý do của các hành vi lệch chuẩn. Đó là những thứ đáng lên án. Khi liên tục phải tiếp nhận những nội dung lệch chuẩn trên không gian mạng, tiêu chuẩn của công chúng về tài năng cũng thấp dần đi.

Những người dùng mạng xã hội không xem những nội dung “chất lượng” - họ xem những nội dung được nhiều người khác xem. Điều này đặc biệt đúng với giới trẻ khi việc chạy theo số đông là điều các em luôn muốn làm để mình không lạc lõng. Chính điều ấy khiến những trang, kênh thông tin “lệch chuẩn” trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều như nấm sau mưa.

Hiện tượng “ngáo quyền lực” đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, một người dù có sức ảnh hưởng thế nào, thì vẫn là một công dân, phải thượng tôn pháp luật, phải tôn trọng truyền thống văn hóa và đạo đức của dân tộc Việt Nam. Không thể lấy số lượng người tung hô trên các hội nhóm, số lượt người theo dõi trên mạng xã hội, lượt xem làm công cụ để "làm càn".

Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực của các trường hợp “ngáo quyền lực” đến cộng đồng, mỗi người cần chung tay xây dựng một cộng đồng mạng xã hội lành mạnh; tự trang bị cho bản thân những kiến thức nhất định, từng bước và không ngừng hoàn thiện bản thân để làm một người có bản lĩnh, có văn hóa, ứng xử văn minh, không tiếp tay cổ xúy cho những hành vi, đối tượng “ngáo quyền lực”.

Các cơ quan ngôn luận, báo chí cần có những thông tin tuyên truyền vạch mặt những sai phạm, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch của các trường hợp sai phạm; đồng thời tranh thủ những những người có uy tín để truyền tải, định hướng dư luận xã hội, tạo phản ứng mạnh mẽ của dư luận, tẩy chay, bài trừ hành vi sai trái của các đối tượng “ngáo quyền lực”, như vậy những đối tượng bị “ngáo quyền lực” cũng khó tồn tại.

Bên cạnh áp lực dư luận và sự tẩy chay của công chúng cũng cần phải có chế tài xử lý, xử phạt mạnh mẽ hơn nữa để răn đe những đối tượng vi phạm. Lực lượng chức năng cần tăng cường phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm, đồng thời tuyên truyền kết quả xử lý để tạo sự răn đe xã hội, phòng ngừa chung.

Hy vọng rằng, các hiện tượng “ngáo quyền lực” sẽ dần bị loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội, làm trong sạch môi trường mạng, nơi mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không có ai được đứng trên người khác, đứng ngoài vòng pháp luật.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202406/ngao-quyen-luc-mot-bieu-hien-lech-chuan-xa-hoi-can-duoc-loai-bo-2bd1414/