Ngập do 'nhân tai'

Đà Lạt có độ dốc lớn, khi xảy ra mưa thì lượng nước đổ về rất nhanh nếu không có hệ thống thoát nước đủ hiệu quả thì tình trạng ngập úng sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức của người dân trong quản lý nguồn rác sinh hoạt, sản xuất sẽ góp phần giảm ngập... do rác.

Chiều 3-9, Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng thông tin lượng khách đến với địa phương trong 4 ngày nghỉ của dịp lễ Quốc khánh ước đạt khoảng 85.000 người, công suất khách sạn bình quân chỉ đạt 60%-65%.

Theo một số chủ cơ sở kinh doanh lưu trú, cơn mưa kéo dài khoảng một giờ trong ngày 1-9 gây ngập cục bộ nhiều khu vực ở Đà Lạt, khiến nhiều du khách hủy lịch đi Đà Lạt vì lo ngại mưa ngập ảnh hưởng chuyến đi.

Thực tế TP Đà Lạt bị ngập cục bộ không phải hiếm gặp, nhưng tần suất ngập ngày càng tăng, thậm chí có khu vực mặc định mưa to sẽ ngập như khu ven suối Mê Linh (đoạn cầu Mê Linh dọc theo đường Trương Văn Hoàn, phường 9, TP Đà Lạt).

Trận mưa xảy ra vào chiều 1-9 không gây ngập diện rộng nhưng có hàng chục ngôi nhà trên đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ bị ngập sâu do nước từ thượng nguồn đổ về không kịp thoát.

Từ lâu, các chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân khiến Đà Lạt dễ bị tổn thương, dễ bị ngập do diện tích nhà kính (nhà màng ni lông) trong khu vực trung tâm còn nhiều, tại những nơi này chỉ số thẩm thấu nước gần như bằng không khiến nước tràn ra suối với lượng lớn trong thời gian ngắn sẽ làm quá tải gây tràn bờ.

Hay tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng trong những năm qua tại Đà Lạt khiến hạ tầng không theo kịp. Những con suối chảy qua trung tâm Đà Lạt ngày càng bị thu hẹp do tình trạng lấn chiếm hai bên, nước không còn đường thoát sẽ gây tràn diện rộng, thiệt hại qua từng trận mưa đã thấy rõ.

Trở lại đường Phan Đình Phùng, nơi có hàng chục hộ dân bị ngập sau cơn mưa, các phương tiện buộc quay đầu vì không thể di chuyển. Trong khi chờ cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân gây ra sự việc thì bằng mắt thường ai cũng có thế thấy được dòng suối đã bị thu hẹp bởi các công trình xây dựng lấn ra suối. Thậm chí một nhà hàng tiệc cưới còn cho xây kín lên đoạn suối dài gần 100m, dòng chảy tự nhiên ít nhiều đã bị cản trở.

Tương tự, một đoạn hẻm trên đường Nguyễn Công Trứ bất ngờ nước dâng cao gây ngập sâu nhiều nhà dân và ô tô đậu bên đường. Khi nước rút thì lộ ra hệ thống thoát nước đã bị vô hiệu hóa bởi vô số rác trên miệng cống. Rõ ràng đô thị Đà Lạt cần phát triển hạ tầng phù hợp.

Đà Lạt có độ dốc lớn, khi xảy ra mưa thì lượng nước đổ về rất nhanh nếu không có hệ thống thoát nước đủ hiệu quả thì tình trạng ngập úng sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức của người dân trong quản lý nguồn rác sinh hoạt, sản xuất sẽ góp phần giảm ngập... do rác.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//ngap-do-nhan-tai-839171.html