Ngày 16/6: Ghi nhận 774 ca nhiễm COVID-19 mới

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 15/6 đến 16h ngày 16/6 đã ghi nhận 774 ca nhiễm COVID-19 mới, giảm 92 ca so với hôm qua.

Số ca mắc COVID-19 mới giảm

Các tỉnh ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới nhiều có Hà Nội (145), Đà Nẵng (48), Nghệ An (45), Bắc Ninh (42), Vĩnh Phúc (36), TP. Hồ Chí Minh (31), Lào Cai (30), Phú Thọ (28), Quảng Ninh (27);

Yên Bái (27), Bắc Kạn (20), Nam Định (20), Hải Phòng (có 20), Hà Nam (19), Tuyên Quang (18), Thái Nguyên (18), Quảng Bình (18), Hưng Yên (16), Thái Bình (16), Ninh Bình (14), Sơn La (14), Quảng Trị (13).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 764 ca/ngày.

Không chủ quan với biến chứng COVID-19.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.734.925 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.383 ca nhiễm).

Cũng theo Bộ Y tế, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 8.835 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi 9.583.105 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 41 ca.

Từ 17h30 ngày 15/6 đến 17h30 ngày 16/6 ghi nhận 0 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.083 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Nguy kịch vì bị sốt xuất huyết trên cơ địa hậu COVID-19

Bị sốt xuất huyết tấn công trên nền cơ địa hậu COVID-19, cậu bé 15 tuổi rơi vào nguy kịch vì cơn bão Cytokin. Sau 2 tuần nỗ lực lọc máu liên tục và điều trị tích cực các bác sĩ đã đưa bệnh nhi từ cõi chết trở về.

Ngày 16/6, BS Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi Sức tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp rất nguy kịch sau khi mắc sốt xuất huyết (SXH).

Bệnh nhi là cậu bé P.N.V.H 15 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp được chuyển đến bệnh viện cấp cứu sau 2 ngày sốt cao liên tục. Thời điểm nhập viện, bệnh nhi có biểu hiện nổi mề đay. Khai thác bệnh sử ghi nhận, tháng 12/2021 bệnh nhi mắc COVID-19, từng phải nhập viện điều trị.

Các bác sĩ đã thực hiện xét nghiệm chẩn đoán và ghi nhận, trẻ mắc SXH với biểu hiện sốt cao liên tục trên nền cơ địa hậu COVID-19. Bác sĩ đã tiến hành truyền dịch điện giải theo phác đồ điều trị SXH. Tuy nhiên, bệnh nhi không đáp ứng và nhanh chóng rơi vào lơ mơ, sốt cao khó hạ, mạch nhanh.

Trước những biểu hiện nguy kịch trên, bệnh nhi được chuyển đến khoa Hồi sức Tích cực. Các kết quả xét nghiệm chuyên sâu cho thấy, bệnh nhi bị phản ứng viêm rất nặng sau khi mắc SXH. Tình trạng trên có liên quan đến SARS-CoV-2 trẻ đã mắc trước đó, tạo nên cơn bão Cytokin, tấn công mạnh và gây tổn thương não, suy gan thận, rối loạn đông máu.

Bệnh nhi được áp dụng lọc máu hấp phụ và lọc máu liên tục để giảm phản ứng viêm. Các bác sĩ đã kết hợp điều trị nhiễm trùng tích cực, dinh dưỡng đường tĩnh mạch, sử dụng huyết thanh miễn dịch phù hợp để giải quyết tình trạng đồng nhiễm cùng lúc nhiều tác nhân như: siêu vi Dengue, vi trùng và phản ứng viêm liên quan SARS-CoV-2.

Sau 2 tuần điều trị tích cực, bệnh nhi đã từng bước vượt qua được cơn bão Cytokin, sức khỏe dần bình phục.

BS Phượng Thy cho biết, đây là một trong những ca nhiễm trùng huyết nặng, sốc nhiễm trùng đầu tiên được áp dụng lọc máu hấp phụ Cytokin tại khoa Hồi sức Tích cực chống độc. Phương pháp này đã mang lại hiệu quả cao trong việc ngăn chặn cơn bão Cytokin, hạn chế tổn thương các cơ quan cho bệnh nhân.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-16-6-ghi-nhan-774-ca-nhiem-covid-19-moi-post199487.html