Ngày 17/12: Chất lượng không khí Hà Nội ở mức rất xấu
Theo chỉ số quan trắc không khí trên IQAir.com sáng 17/12, chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở mức rất xấu, hàng loạt điểm quan trắc có chỉ số ô nhiễm không khí trên 200.
Theo đó, cập nhật mới nhất lúc 9h, với nồng độ bụi mịn nhiều trạm có chỉ số ô nhiễm không khí AQI vượt 200, ở mức tím (mức rất có hại cho sức khỏe): Quảng Khánh (Tây Hồ), Cừ Khôi (Long Biên), Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy),...
Còn theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR (thông tin được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện), lúc 8h sáng nay, kết quả quan trắc của 2 trong số 3 trạm đo thuộc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc cho thấy, chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội ở mức rất xấu; trạm còn lại cũng ở mức xấu.
Cụ thể, tại Trạm đo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (số 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 220; cổng Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng) chỉ số AQI là 217,...
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) đánh giá khi chỉ số AQI ở mức 201-300, tương ứng với thang màu tím, thể hiện chất lượng không khí ở mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng.
Cục Quản lý Môi trường y tế khuyến cáo khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 201 - 300), đối với người bình thường, cần tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức, khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải tham gia giao thông, người dân nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với những người nhạy cảm (phụ nữ mang thai, người già, người mắc bệnh tim mạch, hô hấp, trẻ nhỏ), cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà cần hạn chế tối đa thời gian thực hiện các hoạt động ngoài trời và sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đồng thời, theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.