Ngày 2/9 hào hùng và bi tráng ở Sài Gòn

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì ở Sài Gòn, Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ cũng đã tổ chức trọng thể lễ mít tinh chào mừng ngày độc lập với sự tham gia của hàng vạn người cùng hòa với niềm vui chung của toàn dân tộc.

Buổi lễ hào hùng và bi tráng ấy không thật trọn vẹn bởi tiếng súng của thực dân Pháp đã nổ, làm 47 người chết và bị thương…

Sục sôi ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn

Theo tư liệu nghiên cứu của cố Giáo sư sử học Phan Văn Hoàng (1945- 2021) - nguyên Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM, trên đà thắng lợi của cách mạng vào ngày 19/8/1945 tại Hà Nội, hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ đã được tổ chức vào ngày 20/8/1945 để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tại các tỉnh phía Nam. Ngày 23/8/1945, Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ đã được thành lập do ông Trần Văn Giàu - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ làm chủ tịch. Ủy ban đã kịp thời chỉ đạo, tổ chức cho các địa phương như Long An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Sài Gòn.. khởi nghĩa thành công.

Ngày 31/8/1945, nhận lệnh từ Trung ương về việc ngày 2/9/1945 Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẽ ra mắt quốc dân tại Hà Nội và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ đã quyết định tổ chức một cuộc mít tinh và diễu hành thật lớn để biểu dương lực lượng toàn dân đoàn kết ủng hộ chính quyền cách mạng.

Lực lượng Thanh niên Tiền Phong diễu hành ngày 2/9/1956 tại Sài Gòn

Lực lượng Thanh niên Tiền Phong diễu hành ngày 2/9/1956 tại Sài Gòn

Lễ đài được dựng tại trung tâm Sài Gòn, sau lưng Nhà thờ Đức Bà. Trưa ngày 2/9/1945, khắp các ngả đường hướng về trung tâm Sài Gòn đã tràn ngập những đoàn người tham gia mít tinh. Người dân đem theo cờ đỏ sao vàng, cờ của các hiệp đoàn, đoàn thể yêu nước cùng hàng nghìn khẩu hiệu bằng nhiều thứ tiếng được giăng trên các con đường và cầm trên tay… Hơn 1 giờ chiều, buổi lễ bắt đầu cùng với ban quân nhạc cử hành bài Quốc tế ca. Sau đó, ca khúc Thanh niên hành khúc (Nhạc Lưu Hữu Phước, lời Hoàng Mai Lưu) đã vang lên với “Này anh em ơi, tiến lên dưới cờ giải phóng! Đồng lòng cùng đi! Đi! Đi! Sá gì thân sống!...”. Hàng vạn giọng ca đã cùng cất tiếng hát hào hùng.

Theo kế hoạch, đúng vào 2 giờ chiều, Ban Tổ chức lễ mít tinh sẽ tiếp sóng phát thanh trực tiếp buổi lễ diễn ra tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Thế nhưng, do sự cố kỹ thuật, buổi tiếp sóng đã không thể thực hiện được. Ông Trần Văn Giàu với tư cách Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ đã đứng lên phát biểu. Trong bài phát biểu, ông Trần Văn Giàu đã nói về quá trình đấu tranh của dân tộc suốt mấy chục năm qua để có ngày độc lập hôm nay.

“Mừng thắng lợi, nhưng chớ say sưa vì thắng lợi. Biểu thị ý chí độc lập, nhưng đừng lầm tưởng rằng bấy nhiêu lực lượng phô trương ở đây là đủ mà còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Cần phải chung tay vì Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta, có thể bị tròng lại ách nô lệ”, ông Trần Văn Giàu nhấn mạnh.

Lễ đài mittinh ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn. Nguồn: Bảo tàng TPHCM

Lễ đài mittinh ngày 2/9/1945 tại Sài Gòn. Nguồn: Bảo tàng TPHCM

Kết thúc bài phát biểu, ông Trần Văn Giàu nêu câu hỏi: “Đồng bào! Ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân ra mặt hay giấu mặt trở lại không?”. Hàng vạn tiếng hô đanh thép “Không”! “Không”!… rền vang. Ông Trần Văn Giàu tiếp lời: “Thì chúng ta hãy thề cương quyết đứng bên cạnh Chánh phủ chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng. Đồng bào! Hễ gặp dịp thì hiến thân cho nước! Quét sạch những đồ phản quốc, quét sạch thực dân cầm quyền! Anh em! Chị em! Trong lúc phái bộ Đồng minh đến xứ ta, anh em, chị em ta chớ để mất thanh danh của một dân tộc đã từng sống vẻ vang. Đứng lên! Độc lập, tự do bắt đầu từ nay! Tiến lên! Vì độc lập tự do!” (lược trích)

Biết trước ý đồ sẽ tiếp tục gây hấn của địch, Ủy ban hành chánh lâm thời đã chủ động thành lập Ủy ban nhân dân Nam bộ, dồn sức chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Đêm 22, rạng ngày 23/9/1945, khi quân Pháp tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ, quân và dân Sài Gòn đã hoàn toàn chủ động và sẵn sàng đánh trả, mở màn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên toàn quốc.

Sau bài phát biểu của ông Trần Văn Giàu, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch đã thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tuyên thệ “Cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ nước, vượt khó khăn nguy hiểm, xây đắp độc lập hoàn toàn cho Việt Nam”.

Tiếp đó những người tham dự đã tỏa đi các ngả đường tuần hành, phô trương lực lượng…

Và máu đã đổ…

Theo tài liệu của cố Giáo sư Phan Văn Hoàng, khi những người tham dự mít tinh đang rời đi theo đoàn tuần hành thì đột nhiên từ trong một số căn nhà lầu quanh nhà thờ Đức Bà có tiếng súng nổ. Một vài lính Pháp núp sau cửa sổ đã nã súng vào đoàn người đang diễu hành. Hàng ngũ diễu hành rối loạn một chút, sau đó lực lượng dân quân, Thanh niên Tiền Phong đã nhanh chóng tiếp cận những kẻ nổ súng.

Ông Trần Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ

Ông Trần Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ

Trên khán đài, loa phóng thanh cũng yêu cầu mọi người bình tĩnh. Các lực lượng cần tổ chức cứu người nhanh và không được manh động, chỉ bắt giữ những kẻ bắn lén chứ không giết hại. Sau một thời gian đấu tranh, an ninh trật tự đã được thiết lập lại. Hơn 1.000 lính Pháp nghi bắn lén bị bắt giữ. Lực lượng diễu hành có 47 người chết và bị thương. Tuy nhiên, cuộc diễu hành đã được đánh giá là thành công khi chúng ta đã phô trương được lực lượng. Tinh thần và ý chí đoàn kết lên rất cao bởi dù súng nổ, người chết nhưng đoàn diễu hành vẫn giữ vững được đội hình, chấp hành nghiêm túc chủ trương của lãnh đạo.

Ngày 3/9, Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ đã ra quyết định thả những kẻ khiêu khích để chứng tỏ cho quân đồng minh thấy mong muốn hòa bình của chúng ta, trái với dã tâm gây tội ác của bọn thực dân Pháp.

“Đúng giờ Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, chờ mãi mà không nghe gì. Chờ hơi lâu sốt ruột, đâu đó quần chúng hét lên: “Nó phá rồi! Nó phá rồi!”. (Sau này mới biết rằng hôm ấy đài phát tại Hà Nội không phát sóng được). Anh em Xứ ủy và Ủy ban hành chánh có mặt trên lễ đài bảo tôi phải nói thay thì mới trấn an quần chúng được. Tôi vạch mấy đầu dòng và ứng khẩu nói”.

(trích hồi ký của ông Trần Văn Giàu)

Trong hồi ký của mình, ông Trần Văn Giàu cũng cho biết, theo lời thú nhận của những người bị bắt, vụ nổ súng chiều 2/9/1945 tại Sài Gòn không phải là việc làm tự phát của một số người Pháp manh động, mà nằm trong âm mưu khiêu khích vô cùng thâm độc của kẻ thù. Chúng cố tình tạo ra những xô xát, mâu thuẫn có đổ máu để lấy cớ tố cáo Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ yếu kém, bất lực, không đủ khả năng đảm bảo trật tự, an ninh ngay tại trung tâm Sài Gòn. Và, Pháp sẽ yêu cầu lực lượng đồng minh tại Sài Gòn giải tán chính quyền cách mạng, buộc Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ phải giao việc giữ gìn an ninh trật tự cho lực lượng đồng minh để sau đó chuyển lại cho Pháp.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ, âm mưu đó của kẻ địch đã thất bại.

Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngay-29-hao-hung-va-bi-trang-o-sai-gon-post1465130.tpo