Ngày 21/10: Quốc hội tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước

Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 20/10, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thông tin, dự kiến tại ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ tám (ngày mai, 21/10), Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước.

Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trả lời phóng viên tại họp báo về việc Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trả lời phóng viên tại họp báo về việc Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Tại buổi họp báo, phóng viên báo chí đặt câu hỏi về một nội dung rất được quan tâm tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; đặt câu hỏi về chức danh sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này và thời gian tiến hành công tác nhân sự tại kỳ họp.

Trả lời câu hỏi trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại phiên họp trù bị vào sáng mai (21/10), Quốc hội sẽ xem xét các nội dung dự kiến trình Kỳ họp thứ tám và xem xét thông qua chương trình kỳ họp.

Trong đó, nội dung về công tác nhân sự sẽ được xem xét thông qua trong chương trình chính thức của kỳ họp.

"Dự kiến, tại ngày họp đầu tiên của Kỳ họp thứ tám (ngày 21/10), Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Hiến pháp và pháp luật", Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nêu rõ.

Về nhân sự bầu Chủ tịch nước, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, sẽ thực hiện theo đúng nguyên tắc Đảng cử, dân bầu.

Vừa qua, tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã biểu quyết, thống nhất giới thiệu nhân sự đủ điều kiện và sẽ trình Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định.

"Liên quan tới tất cả các nhân sự thuộc thẩm quyền, chúng tôi sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật. Trong chương trình đã có bố trí thời gian để thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội", Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm.

Quốc hội xem xét thông qua 15 luật và 3 Nghị quyết

Thông tin về nội dung chương trình kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 8 sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 21/10, dự kiến bế mạc vào sáng 30/11, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11; Đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng 30/11, trong đó Quốc hội sẽ làm việc 4 ngày thứ bảy. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 29,5 ngày.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Quốc hội cũng xem xét thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Quốc hội cho ý kiến 13 dự án luật

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét, cho ý kiến 13 dự án Luật, bao gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (trong đó có báo cáo về tình hình thiệt hại, mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả sau bão), ngân sách nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025...; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...

Quốc hội cũng xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Đặc biệt, Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV được tổ chức ngay sau thành công rất tốt đẹp của Hội nghị lần thứ Mười, BCH Trung ương Đảng khóa XIII.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tinh thần của Hội nghị lần thứ Mười, BCH Trung ương Đảng khóa XIII: trong năm 2024 - 2025 cả nước tập trung sức bứt phá để phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ để bước vào năm 2026, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, đưa nước ta bước vào một giai đoạn mới, một kỷ nguyên phát triển của dân tộc Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Mười, BCH Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra sáng 20/10 cho biết, nhìn lại 40 năm qua, thế giới đã tăng trưởng 200 lần, Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng vẫn còn thấp, cần có các biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn trong thời gian tới.

“Kỳ họp thứ 8 này tổ chức ngay sau Hội nghị Trung ương 10 thì phải nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, đồng bộ nhất và với các giải pháp mới, với tư duy mới để thực hiện hiệu quả, phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và khẳng định tầm vóc của đất nước ta, khẳng định sự lớn mạnh của dân tộc ta trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi họp báo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi họp báo.

Điểm mới của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tinh thần như vậy, trong thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Chính phủ nhiều lần, Đảng đoàn Quốc hội đã họp với Ban cán sự Đảng Chính phủ hai lần để rà soát công việc và thống nhất nội dung của kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh một số điểm mới của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đó là:

Thứ nhất, với tính chất quan trọng của kỳ họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ phát biểu tại phiên khai mạc.

Thứ hai, Kỳ họp này là kỳ họp có nhiều nội dung nhất, nhiều vấn đề lớn, nhiều dự án luật và dự án lớn với phương pháp tiếp cận làm việc mới và số lượng đề án nhiều nhất từ trước đến nay (Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến 13 dự án Luật) nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Thứ ba, các tài liệu của kỳ họp lần này đã được gửi sớm hơn các kỳ họp trước. Cụ thể, trong số 31 nhiệm vụ lập pháp và 16 nhiệm vụ kinh tế - xã hội với tổng số là trên 80 đề án thì đến nay đã có 132/154 đầu tài liệu chính thức và 144 đầu tài liệu tham khảo đã được gửi đến đại biểu Quốc hội. “Như vậy là tỉ lệ gửi các tài liệu trước cho đại biểu rất là cao và có những tài liệu đã gửi trước một tháng”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thứ tư, Kỳ họp này Quốc hội họp cả thứ Bảy. Theo đó, trong 29,5 ngày của Kỳ họp thứ 8 có 5 ngày thứ Bảy thì dự kiến Quốc hội sẽ họp 4 ngày thứ Bảy, và 1 thứ Bảy Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và cho ý kiến vào các nội dung lớn chưa thảo luận, trong đó có đường sắt tốc độ cao, điều chỉnh sân bay Long Thành, tháo gỡ khó khăn cho một số dự án qua thanh tra, kiểm tra đất đai tại các tỉnh...

“Ủy ban Thường vụ Quốc cũng sẽ họp để ra nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, phấn đấu hoàn thành trong quý 4 này để sang quý 1/2025 các địa phương tổ chức Đại hội đại biểu các cấp,” Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thêm.

Đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và nước ngoài dự họp báo.

Đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và nước ngoài dự họp báo.

Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ và xin ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất giảm thời gian đọc tài liệu trên hội trường để dành thêm thời gian Quốc hội thảo luận.

Đồng thời, Kỳ họp sẽ bố trí tăng thời gian thảo luận ở tổ và giảm thời gian thảo luận tại Hội trường về kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước. Tăng truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân có điều kiện theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội.

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật

Về vấn đề xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là vấn đề Đảng và Nhà nước đã quan tâm từ lâu và trong những năm qua công tác xây dựng pháp luật đã có một bước tiến rất dài, hệ thống pháp luật cơ bản, đồng bộ, hoàn thiện và đóng góp rất tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Bước sang một giai đoạn mới, với tư duy mới thì vấn đề tư duy xây dựng pháp luật cần phải có đổi mới có tính bứt phá.

“Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chiến lược xây dựng pháp luật đồng bộ với tổ chức thi hành pháp luật.

Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 về Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và trong nghị quyết này có rất nhiều tư tưởng mới về đổi mới xây dựng pháp luật.

Đây là chỉ đạo của Đảng, của Trung ương, và đây là yêu cầu phát triển đất nước, yêu cầu phát triển dân tộc trong giai đoạn mới. Đổi mới xây dựng pháp luật gắn với đổi mới thi hành pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ngay-21-10-quoc-hoi-tien-hanh-quy-trinh-nhan-su-doi-voi-chuc-danh-chu-tich-nuoc-119241020160609983.htm