Ngày 27/4/1975: Giải phóng đảo Nam Yết, thị xã Bà Rịa và toàn tỉnh Phước Tuy
Ngày 27/4/1975, ta giải phóng đảo Nam Yết, thị xã Bà Rịa và toàn tỉnh Phước Tuy. Chiến dịch Hồ Chí Minh phát triển giành nhiều thắng lợi.

Ảnh minh họa: Lực lượng xe tăng và bộ binh Sư đoàn 320 đánh chiếm căn cứ Đồng Dù (Củ Chi), sáng 29/4/1975, mở cánh cửa thép Tây Bắc Sài Gòn để quân ta thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn. (Ảnh: Lê Trung Hưng/TTXVN)
Hướng đông Chiến dịch Hồ Chí Minh, liên tục trong hai ngày 27 và 28/4/1975, Sư đoàn 304 đã đánh bại nhiều đợt phản kích của địch và tổ chức nhiều đợt tiến công vào Trường thiết giáp và căn cứ Nước Trong nhưng không dứt điểm được.
Mũi Sư đoàn 325, đến 10 giờ ngày 27/4/1975, Trung đoàn 46 chiếm được Thái Lạc, Phước Thiềng, Phú Lợi, bao vây Long Tân. Tại khu vực Long Thành, Trung đoàn 101 tổ chức cuộc tiến công vào quận lỵ. Địch tăng cường lực lượng tới phản kích và huy động phi pháo chi viện cho Lữ đoàn 468 lính thủy đánh bộ cùng bảo an, dân vệ giữ chi khu Long Thành. Các chiến sĩ ta vừa lùng diệt quân địch, vừa đánh trả máy bay địch.
16 giờ 30 phút, Sư đoàn 325 hoàn toàn làm chủ khu vực Long Thành, phá vỡ một khâu quan trọng trong tuyến phòng ngự đông nam Sài Gòn của địch. Đêm 27/4/1975, Sư đoàn 325 tiến đánh Nhơn Trạch nhưng vẫn không dứt điểm được căn cứ này để triển khai pháo binh như kế hoạch.
Hướng Sư đoàn 3 Quân khu 5, sáng 27/4/1975, xe tăng ta dẫn Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 141 tiến công đập tan các ổ đề kháng bên trong thị xã Bà Rịa, lần lượt chiếm khu tiếp vận, khu an ninh, cảnh sát, sở chỉ huy liên đoàn bảo an... Tiểu đoàn 4 chiếm lĩnh Bình Giã, Ngãi Giao, phát triển xuống Bình Ba, rồi thừa thắng đánh chiếm Núi Đất.
Ở các huyện Xuyên Mộc, Long Lễ, Long Điền, lực lượng vũ trang địa phương đồng loạt tiến công tạo thành thế trong đánh ra, ngoài đánh vào, khiến quân địch phải tháo chạy. Tiểu đoàn 5 tiến công trận địa pháo địch ở đồi Đá, cùng với tiểu đoàn 8 vây đánh trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp.
Tới 12 giờ, Trung đoàn 141 đập tan các ổ đề kháng của địch, giải phóng hoàn toàn thị xã Bà Rịa. Tiếp đó, Sư đoàn 3 phát triển xuống Vũng Tàu nhưng địch đã phá cầu Cỏ Mây và tổ chức ngăn chặn nên không phát triển được. Sư đoàn chuyển hướng vu hồi của Trung đoàn 12 làm hướng chính và tăng cường lực lượng Trung đoàn 2 cho hướng này tiếp tục tiến công địch. Các đơn vị địa phương phối hợp với chủ lực tiến công địch ở Long Điền, Đất Đỏ.
Đến 17 giờ ngày 27/4/1975, ta hoàn toàn làm chủ khu vực từ Long Hải đến Bà Rịa.
Hướng đông nam, 4 giờ 7 phút ngày 27/4/1975, Sư đoàn Bộ binh 341 được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ hỗn hợp và hỏa lực chiến thuật cấp trung đoàn, tiểu đoàn, nổ súng tiến công yếu khu Trảng Bom - mắt xích trọng yếu trên tuyến phòng ngự phía trước của địch. Nhiều trận chiến đấu dữ dội kéo dài hàng giờ giữa xe tăng, xe thiết giáp của ta và xe tăng, xe thiết giáp của đối phương.
10 giờ ngày 27/4/1975, Sư đoàn 341 đập tan khu vực phòng ngự địch, làm chủ chi khu Trảng Bom do Sư đoàn 18 bộ binh và Trung đoàn 5 Thiết giáp Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ.
Sư đoàn 6 được tăng cường Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7), 1 tiểu đoàn xe tăng, 2 tiểu đoàn pháo cao xạ tiến theo phía nam Đường số 1 đập tan các khu vực phòng thủ của địch ở dốc Ông Hoàng và làm tan rã Trung đoàn 5 Thiết giáp Việt Nam Cộng hòa ở ngã ba Yên Thế, phát triển về Hố Nai, Biên Hòa. Địch co về cụm ở Long Lạc-Hố Nai, Sư đoàn chưa đột phá được.
Đêm 27 rạng ngày 28/4/1975, Trung đoàn Đặc công 113 chia làm ba mũi luồn sâu đánh chiếm cầu Ghềnh, cầu Hòa An, căn cứ thiết giáp Hốc Bà Thức. Cầu Ghềnh có vị trí hết sức quan trọng nên địch tập trung lực lượng phản kích quyết liệt nhằm chiếm lại. Những trận chiến đấu giữ cầu Ghềnh của Trung đoàn 113 diễn ra vô cùng quyết liệt suốt hai ngày 28 và ngày 29/4/1975.
Hướng bắc, 16 giờ 30 phút, Sư đoàn 312 Quân đoàn 1 nổ súng tiến công cứ điểm Bình Cơ và Bình Mỹ. 16 giờ 45 phút, pháo ta bắn mạnh vào căn cứ Bình Cơ-Bình Mỹ. Được hỏa lực pháo binh chi viện, tiểu đoàn 2 Phú Lợi nhanh chóng thọc sâu vào căn cứ địch. Đại đội 9 tiểu đoàn 3 đánh thẳng vào cứ điểm. Địch chống trả quyết liệt. Đến 18 giờ ngày 27/4/1975, ta tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, làm chủ hoàn toàn hai căn cứ này, mở thông đường 16, tạo điều kiện cho Sư đoàn vào triển khai ở phía bắc cầu Út Thơ (trên Đường 15) thực hành bao vây cài thế chiến dịch theo kế hoạch.
Từ ngày 25 đến ngày 27/4/1975, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 27 Sư đoàn 320B cơ động luồn sâu về hướng Lái Thiêu.
Hướng tây bắc của Quân đoàn 3, trưa 27/4/1975, các chiến sĩ biệt động Sài Gòn-Gia Định, trong đó có nữ biệt động Nguyễn Thị Trung Kiên (tên thật là Cao Thị Nhíp), đã có mặt tại Sở Chỉ huy Sư đoàn 10 sẵn sàng dẫn đường cho bộ đội đánh vào nội đô. Quân và dân Củ Chi nô nức giúp bộ đội xây dựng trận địa, đào công sự cho pháo. Các mẹ, các chị ở đây đã tích cực giúp bộ đội ngụy trang trận địa và tiếp tế cơm nước.
Đêm 27/4/1975, Sư đoàn 316 triển khai toàn bộ lực lượng hoạt động chung quanh các vị trí địch, hình thành thế bao vây, giam hãm và sẵn sàng tiêu diệt Sư đoàn 25 Việt Nam Cộng hòa trên dọc đường từ Trà Võ đến Trảng Bàng. Trung đoàn 148 được lệnh đánh tiếp Bầu Nâu, Trà Võ. Trung đoàn 174 đánh Trung Hưng, Phước Mỹ. Trung đoàn 149 đánh thị trấn Trảng Bàng.
Hướng tây và tây nam, 3 giờ ngày 27/4/1975, Sư đoàn 5 tiến công chia cắt Quốc lộ 4 từ Bến Lức đến Tân An; Sư đoàn 8 cắt Lộ 4, đoạn Trung Lương-Tấn Hiệp-Long Định. Tiểu đoàn Đặc công 263, Tiểu đoàn Công binh 341 Quân khu 8 cùng bộ đội địa phương cắt đoạn Cai Lậy-An Hữu, lập các chướng ngại vật để ngăn chặn không cho xe của địch từ miền Tây chi viện cho Sài Gòn, thu hút và ngăn chặn các sư đoàn 22, 7, 9 của Việt Nam Cộng hòa về hướng này, tạo thuận lợi cho các hướng khác.
Sáng 27/4/1975, Sư đoàn 3 tiến công đánh chiếm đầu cầu khu vực An Ninh-Lộc Giang, sau đó vượt sông Vàm Cỏ Đông áp sát địch để bảo đảm cho lực lượng đột kích chủ yếu là Sư đoàn 9 cùng binh khí kỹ thuật vượt sông vào vị trí tập kết. Các trung đoàn 24 và 88 bám sát nội đô phía nam Sài Gòn.
Đêm 27/4/1975, Trung đoàn 1 Sư đoàn 9 đến kênh Xáng; Trung đoàn 2 và Sở Chỉ huy Sư đoàn đến An Ninh, Trà Cao; Trung đoàn 3 đến Định Thành; Trung đoàn Pháo binh 42 và xe tăng, pháo phòng không tập kết ở Sóc Nóc. Trên đường hành quân, các đơn vị đã diệt và bức rút nhiều đồn bót địch, hỗ trợ nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương nổi dậy phá bỏ bộ máy thống trị của ngụy quyền, giải phóng xã ấp.
Phối hợp với bộ đội chủ lực, mấy đêm liền, đồng bào thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy tràn lên Đường số 4 lập các chướng ngại vật ngăn chặn không cho xe địch từ miền Tây về Sài Gòn. Đường số 4 bị cắt đứt, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện xuất sắc việc chia cắt, kìm giữ địch ở khu vực phía nam của chiến dịch; đồng thời đưa lực lượng phối hợp với các binh đoàn chủ lực đánh vào Sài Gòn theo Quốc lộ 4.
Phía địch, 22 giờ 30 ngày 27/4/1975, Dương Văn Minh, người được cho là có thể đứng ra thương lượng với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, được cử lên làm Tổng thống. Trong ngày 27/4/1975, địch đã sử dụng 114 lần chiếc máy các loại bắn phá dữ dội vào đội hình tiến công của Quân đoàn 2, lực lượng phòng không của Quân đoàn đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi 7 chiếc.
Nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân tiền phương về khẩn trương giải phóng các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, đồng chí Mai Năng - Chỉ huy Đoàn C75 đang trên tàu 673 ở Song Tử Tây lập tức triển khai lực lượng làm nhiệm vụ. 1 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, tàu 673 rời đảo Song Tử Tây, tiến về đảo Nam Yết. 10 giờ 30 phút cùng ngày, tàu 673 tiếp cận đảo. Lực lượng ta nhanh chóng đổ bộ, giải phóng hoàn toàn đảo.