Ngày 29.8, BVĐK tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu thuốc tập trung
Theo bác sĩ Trần Văn Sỹ- Phó Giám đốc Sở Y tế, ngày 29.8 sẽ mở thầu đối với gói thầu tập trung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ông Phan Văn Triệu, 72 tuổi ở Thị trấn Bến Cầu cho biết, ông và vợ bị tiểu đường gần 20 năm nay. Thời gian qua, vợ chồng ông điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, chi phí được BHYT thanh toán. Tuy nhiên, suốt 4 tháng qua, ông đến lấy thuốc chích tiểu đường thì bác sĩ báo đã hết. Ông phải đi mua ở ngoài.
“Mỗi tháng tôi với bà nhà chi cho tiền thuốc tiểu đường hơn 1 triệu đồng, mua ngoài thì không được BHYT chi trả. Tôi không hiểu tại sao lâu vậy vẫn không có thuốc cho bệnh nhân, chúng tôi mua ngoài tốn kém quá”, ông Triệu nói.
Không riêng ông Triệu, mà trong các đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 12, nhiều cử tri cũng đã phản ánh tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở khám chữa bệnh công lập và cả ở BVĐK.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Sỹ - Phó Giám đốc Sở Y tế thừa nhận, thời gian qua có tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại BVĐK cũng như một vài cơ sở khám chữa bệnh công lập huyện, thành phố.
Nguyên nhân thiếu thuốc là do, khi thực hiện theo Thông tư 11/2016 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập: việc đấu thầu mua thuốc ở địa phương được tổ chức tại Sở Y tế và tại các cơ sở y tế công lập. Cụ thể, Sở Y tế kiêm nhiệm đấu thầu tập trung 106 mặt hàng thuốc; kế hoạch số lượng thuốc đấu thầu sử dụng tối đa 36 tháng. Các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh tổ chức đấu thầu các mặt hàng thuốc do Bộ Y tế quy định với kế hoạch số lượng thuốc đấu thầu sử dụng tối đa 12 tháng.
Theo quy định này, việc đấu thầu do Sở Y tế tổ chức vẫn đảm bảo nhu cầu. Nhưng đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập tự tổ chức đấu thầu riêng lẻ đã gặp khó khăn, xuất hiện tình trạng các nhà thầu không tham gia đấu thầu hoặc nếu tham gia thì ở một chừng mực nào đó. Cụ thể, năm 2017, các gói thầu do các cơ sở y tế công lập tự tổ chức tổng cộng có hơn 9.000 mặt hàng chào thầu, nhưng có đến trên 3.700 mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu (chiếm tỷ lệ 41%); trong đó không trúng thầu là 23%, không có nhà thầu tham dự là 18%.
“Với việc đấu thầu riêng lẻ của các cơ sở y tế công lập, trong giai đoạn đầu thuốc có thể đủ, nhưng một vài tháng gần đây có tình trạng thiếu thuốc cục bộ. Trước tình hình này, Sở Y tế đã xin chủ trương của UBND tỉnh, với những cơ sở y tế công lập nào thiếu thuốc cục bộ thì cho phép xây dựng kế hoạch mua sắm theo dạng đấu thầu rút gọn để sớm có thuốc phục vụ bệnh nhân, quy mô dưới 1 tỷ đồng. Với chủ trương đó, Sở Y tế đã chỉ đạo cho các cơ sở y tế công lập ở huyện, thành phố tổ chức đấu thầu. Đến nay đã mua sắm xong”, ông Sỹ cho biết.
Để khắc phục tình trạng mua sắm riêng lẻ của các cơ sở y tế công lập thời gian qua, Sở Y tế đã xin UBND tỉnh chuyển sang đấu thầu tập trung tại BVĐK, nghĩa là BVĐK sẽ đấu thầu giúp cho các cơ sở y tế công lập. UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của Sở Y tế, bắt đầu từ ngày 1.1.2019 giao nhiệm vụ mua thuốc tập trung kiêm nhiệm cấp tỉnh cho BVĐK và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mua vắc xin dịch vụ.
Theo ông Sỹ, phần đấu thầu tập trung tại BVĐK, đến nay việc lựa chọn nhà thầu đã xong, đã có thông báo đấu thầu để các nhà thầu gửi hồ sơ về tham gia. Dự kiến ngày 29.8 sẽ mở thầu đối với gói thầu tập trung tại BVĐK.
“Dự kiến sau khi đóng thầu, thời gian chấm thầu của các gói thầu sẽ hoàn tất sau 2 tháng nữa. Vì đây là gói thầu lớn với khoảng 2.000 mặt hàng thuốc, tổng giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng nên thời gian chấm thầu mất nhiều thời gian. Ngành Y tế sẽ huy động tất cả các nguồn lực của các cơ sở khám chữa bệnh công lập tập trung về BVĐK, nhất là những dược sỹ có kinh nghiệm, có trình độ để đẩy nhanh tiến độ chấm thầu, sớm có thuốc phục vụ cho bà con tỉnh nhà”, ông Sỹ nói.