Ngày 4/6, ASEAN ghi nhận 25.650 ca COVID-19 và 507 ca tử vong
Ngày 4/6, các nước ASEAN ghi nhận thêm 25.650 ca bệnh COVID-19 và 507 ca tử vong. Đến nay đã có tổng số 80.761 người dân ở khu vực Đông Nam Á tử vong do căn bệnh này.
Người dân kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 trước khi vào chợ tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP
Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/6, các nước ASEAN ghi nhận thêm 25.650 ca bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh trong toàn khối tăng lên 4.131.336 ca.
Trong ngày 4/6, có 6 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận tổng cộng 507 ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam. Đến nay đã có 80.761 người dân ở khu vực Đông Nam Á tử vong do căn bệnh này.
Tại ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong ngày hôm qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba. Cụ thể, nước này ghi nhận 201 ca tử vong và 6.486 ca bệnh phát sinh trong ngày.
Trong khi đó, tổng số ca nhiễm tại Malaysia đã vượt mốc 600.000, lên mức 603.122 ca, sau khi ghi nhận thêm số ca bệnh mới cao nhất khu vực là 7.748 ca trong 24 giờ qua. Cũng trong thời gian trên, đã có thêm 86 trường hợp tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong tại nước này lên 3.182.
Giới chức y tế Malaysia đang bày tỏ quan ngại về số ca tử vong cũng như các ca bệnh nặng, trong đó có cả trẻ em, đang ngày một tăng.
Theo Bộ Y tế Malaysia, trong 5 tháng đầu năm nay, Malaysia ghi nhận 3 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do mắc COVID-19, bằng tổng số trẻ tử vong do mắc bệnh này trong cả năm 2020. Cũng trong khoảng thời gian này, có tổng cộng 27 trẻ em, trong đó có 19 trẻ dưới 5 tuổi, đang phải điều trị tích cực, tăng so với mức chỉ 8 ca hồi năm ngoái.
Hiện Malaysia đang trong đợt phong tỏa toàn quốc kéo dài 2 tuần, từ ngày 1 đến 14/6, trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong theo ngày lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Tại Philippines, trong ngày 4/6, nước này có thêm 7.450 ca bệnh, đứng thứ hai trong khu vực và thêm 181 ca tử vong, cao thứ hai trong toàn khối. Đồng thời, số ca mắc COVID-19 đã ghi nhận được kể từ đầu dịch là 1.255.337 và đã có 21.537 người tử vong.
Hôm qua, Philippines đã thông báo rút ngắn thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày đối với tất cả người nhập cảnh vào nước này đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống, ông Harry Roque thông báo rằng, Ủy ban phòng chống dịch COVID-19 liên ngành ngày 4/6 đã thông qua các quy định mới này, theo đó những người nhập cảnh Philippines này không cần xét nghiệm RT-PCR đối với COVID-19 hoặc xét nghiệm nhanh sau khi đến. Xét nghiệm RT-PCR sẽ chỉ được thực hiện khi người đó có triệu chứng mắc COVID-19 trong thời gian cách ly 7 ngày.
Sau khi hoàn thành thời gian cách ly tại cơ sở trong 7 ngày, cơ quan giám sát sẽ cấp một giấy chứng nhận đã qua cách ly. Ông Roque tái khẳng định rằng biên giới Philippines vẫn đóng đối với du khách nước ngoài. Philippines chỉ cho phép người nước ngoài có thị thực còn hiệu lực nhập cảnh. Nước này trước đây yêu cầu tất cả người nhập cảnh nước này phải cách ly 14 ngày sau khi đến và xét nghiệm vào ngày thứ 7 tại cơ sở cách ly.
Tại Campuchia, trong tuần, số ca lây nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng đáng quan ngại. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 886 ca nhiễm mới, trong đó có 856 ca lây nhiễm cộng đồng và 6 ca tử vong. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 33.075 ca nhiễm, trong đó có 25.544 người đã bình phục và 242 trường hợp không qua khỏi.
Tối 4/6, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo phát hiện biến thể mới của virus SARS-COV-2 là B.1.617 dựa trên kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Campuchia đối với 3 trường hợp từ Thái Lan nhập cảnh Campuchia.
Các trường hợp nhiễm biến thể mới gồm 1 bệnh nhân tại tỉnh Bantey Meanchey và 2 bệnh nhân tại tỉnh Battambang. Các bệnh nhân nói trên đang được điều trị tại các bệnh viện địa phương.
Bộ Y tế Campuchia chỉ đạo khẩn tới bệnh viện các tỉnh tăng cường công tác phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm các quy định của bộ về đảm bảo an toàn, cách ly tuyệt đối bệnh nhân COVID-19, tăng cường công tác truy vết, kể cả những trường hợp nghi lây nhiễm, địa điểm lây nhiễm.
Tại Lào, chiều 4/6 Văn phòng Chính phủ Lào ra thông báo quyết định gia hạn lệnh phong tỏa đến hết ngày 19/6 tới do tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ bùng phát, đặc biệt tại thủ đô Viêng Chăn.
Đây là lần thứ 3 Lào gia hạn lệnh phong tỏa kể từ khi làn sóng dịch thứ 2 bùng phát tại nước này trong tháng 4 vừa qua, tuy nhiên, so với những lần trước, lệnh phong tỏa lần này nhẹ nhàng hơn, với nhiều quy định được nới lỏng trên khắp cả nước trừ những khu vực đang có các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo đó, ngoài việc tiếp tục đóng cửa các quán rượu, khu ẩm thực, karaoke, các địa điểm giải trí, quán massage, thẩm mỹ viện, địa điểm du lịch, quán games, các trung tâm thể thao trong nhà… thông báo cũng yêu cầu các trường học ở thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đóng cửa; các nhà máy công nghiệp chế biến, đơn vị thủ công nghiệp nằm trong khu vực Đỏ vẫn chưa được phép hoạt động, trừ những nhà máy có nơi lưu trú riêng cho công nhân trong khuôn viên hoặc các nhà máy sản xuất hàng hóa tiêu dùng, sản xuất thiết bị y tế, thuốc.
Mọi hoạt động ra vào các khu vực đang có người nhiễm (Khu vực Đỏ) hoặc khu vực có nguy cơ lây nhiễm (khu vực vàng) đều bị cấm, trừ những người được cơ quan chức năng cho phép; các hoạt động tụ tập quá 50 người ở những địa điểm không đảm bảo giãn cách 1m trở lên đều bị cấm trong khi việc tổ chức tiệc tùng, tụ tập đều bị cấm ở mọi hình thức…