Ngày ấy bên Tây Trường Sơn

Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta, có một lực lượng bộ đội ít người biết đến, chiến đấu ở bên kia dãy Trường Sơn (ta quen gọi là Tây Trường Sơn). Mãi tới những năm gần đây, khi lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào được Đảng, Nhà nước tuyên dương 'Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân', đại bộ phận nhân dân ta mới biết.

Những cuộc hành quân kỳ lạ

Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, bộ đội đi B thường được tập trung luyện tập mang vác, còn đơn vị chúng tôi có lệnh nhận quân trang, vũ khí lên xe bịt kín, xe chạy chẳng biết đi đâu. Từ tờ mờ sáng, xe chui vào rừng, lính ào xuống đào bếp Hoàng Cầm nấu ăn, rồi mắc võng ngủ, chiều tối ăn vội bát cơm lại lên xe. Đến điểm xe dừng, bộ đội xuống hành quân bộ. Lúc đó anh em mới ngớ ra mình không phải quân đội Việt Nam. Nhìn trang phục, anh em ồ lên mình là bộ đội Pha Thét Lào.

Từ đó câu “đi C” gắn bó với những người lính tình nguyện, sát cánh cùng quân dân các bộ tộc Lào chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phản động. Theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Giúp bạn là tự giúp mình” để thống nhất các lực lượng chiến đấu giúp bạn, ngày 30/10/1949, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh thống nhất lực lượng bộ đội chiến đấu giúp bạn ở Lào gọi chung là quân tình nguyện.

Đoàn cựu chiến binh quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam và đại diện chính quyền tỉnh Champasack đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào.

Đoàn cựu chiến binh quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam và đại diện chính quyền tỉnh Champasack đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự được tăng cường. Các đơn vị quân tình nguyện chiến đấu giúp bạn mở rộng bảo vệ vùng giải phóng, lực lượng chuyên gia quân sự và quân tình nguyện giúp bạn xây dựng quân đội, vận động đoàn kết nhân dân các bộ tộc Lào cùng đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương.

Người lính của Bác Hồ kính yêu dù ở đâu cũng thể hiện là đội quân từ nhân dân mà ra, đội quân chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đồng thời cũng là đội quân công tác hết lòng vì dân. “Hạt gạo chia đôi, cọng rau sẻ nửa”, coi nhân dân Lào như những người ruột thịt. Hình ảnh người lính tình nguyện đã in đậm trong tình cảm, trái tim của quân và dân Lào. Nhân dân Việt Nam hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ và khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long" và câu nói chí tình của Chủ tịch Xuphanuvong: "Tình nghĩa Việt - Lào cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn đóa hoa nào thơm nhất".

Trở lại chiến trường xưa

Trở lại thăm chiến trường xưa luôn là mong muốn của những người lính quân tình nguyện. Những cuộc đi thăm thường nhỏ lẻ do anh em cựu chiến binh quân tình nguyện địa phương tự tổ chức. Năm 2022, nhân Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào, đồng thời là năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 5/9 (1962 - 2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào 18/7 (1977 - 2022). Được hai Đảng, hai Nhà nước tạo điều kiện, Bộ Quốc phòng giúp đỡ, Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp Lào trên toàn quốc đã tổ chức đoàn thăm chính thức Lào vào thời điểm cuối thu đầu đông năm 2022 theo lời mời từ phía nước bạn. Đoàn gồm 70 người đại diện cho các đơn vị từng chiến đấu ở chiến trường Lào.

Sau gần một giờ bay, đất nước Lào tươi đẹp với những mái nhà sàn, ngôi chùa quen thuộc dần hiện ra. Đoàn chúng tôi đến Thủ đô Viêng Chăn, ngay buổi đầu được Hội Cựu chiến binh Lào đón tiếp trân trọng, thắm tình đồng chí, đồng đội. Anh lính tình nguyện chiến đấu ở cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1969 - 1970 nắm chặt tay người lính pháo binh Lào kể lại những trận phối hợp chiến đấu ác liệt với quân Vàng Pao được đế quốc Mỹ tiếp tay.

Tôi nhớ lần đến thăm nhân dân bản Khai, Mường Pẹt, bà con dân bản ùa ra đón. Mấy chị bế con cứ nắm tay tôi nói bằng tiếng Việt: “Ngày xưa phỉ tràn ra cánh đồng Chum, các chú bộ đội Việt cõng cháu trèo đèo, lội suối về Nghệ An lánh nạn, bây giờ cháu vẫn nhớ tiếng Việt học được ngày xưa đấy”. Một trưởng bản xúc động nói: “Ngày ấy không có bộ đội Việt cứu thì dân bản không chết hết vì bom đạn của giặc thì cũng chết vì đói rét. Dân bản bây giờ ấm no rồi nhưng không quên ơn bộ đội Bác Hồ”.

Đoàn công tác tỉnh Bắc Giang thăm gian trưng bày sản phẩm OCOP Lào tại Trung tâm thương mại Thạt-luổng Plaza thuộc Công ty TNHH Xây dựng CHITCHAREUNER (Thủ đô Viêng Chăn).

Đoàn công tác tỉnh Bắc Giang thăm gian trưng bày sản phẩm OCOP Lào tại Trung tâm thương mại Thạt-luổng Plaza thuộc Công ty TNHH Xây dựng CHITCHAREUNER (Thủ đô Viêng Chăn).

Từ Viêng Chăn, đoàn đi thăm Nam Lào do Đại tá Lê Quang Huân, Phó Ban Liên lạc quân tình nguyện toàn quốc làm trưởng đoàn. Anh Huân nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, Sư đoàn 968 - đơn vị chủ lực trên địa bàn Nam Lào chiến đấu cùng bộ đội bạn bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh phía Tây dãy Trường Sơn. Anh kể, ngày xưa nơi này không chỉ đánh nhau với quân phái hữu mà còn phải đánh cả quân Thái Lan theo lệnh Mỹ đưa quân sang Lào, đánh phá vùng giải phóng của bạn. Hôm đoàn đến thăm Pắc Sòng - nơi Trung đoàn 9 quân tình nguyện tiêu diệt gọn một tiểu đoàn quân Thái Lan. Mấy chục năm đã qua nhưng dấu tích chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Ngôi nhà hai tầng bên cạnh ngã tư Pắc Sòng vẫn lỗ chỗ vết đạn, trước cửa còn đống gỉ sắt dấu tích của xe pháo, máy bay bị bắn rơi xếp ngổn ngang.

Trở lại chiến trường xưa, những người lính của đơn vị 968, 565, 678… nhớ lại một thời sát cánh cùng quân dân Lào chiến đấu trên vùng đất Nam Lào có vị trí chiến lược của cách mạng hai nước. Các cựu chiến binh bồi hồi xúc động nhớ lại những năm tháng chiến tranh bảo vệ tuyến đường chiến lược Tây Trường Sơn, Liên quân Việt - Lào đã chiến đấu hàng ngàn trận lớn nhỏ, bảo vệ con đường vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam suốt những năm ta đánh Mỹ - ngụy tay sai. Con đường Tây Trường Sơn đã góp phần quan trọng vào chiến thắng 30/4/1975 của nhân dân ta.

Ngày ấy, hàng trăm làng bản nơi đây bị máy bay Mỹ tàn phá. Nhiều người dân Lào đã ngã xuống. Những kỷ niệm đau thương ấy vẫn ghi lòng tạc dạ không bao giờ quên đối với người lính tình nguyện Việt Nam. Đêm ngủ ở Pắc Xế, anh Bùi Công Tuấn, từng là lính đơn vị trinh sát, đặc công ở Nam Lào tâm sự: Những năm chiến đấu nằm trong vùng địch kiểm soát, nếu không có người dân yêu nước Lào che chở, các anh không trụ được để hoàn thành nhiệm vụ. Nằm ở trong rừng hàng tháng trời không có dân mang cơm tiếp tế, chịu sao được. Địch kiểm soát gắt gao người dân. Tấm lòng yêu thương, chăm lo của nhân dân Lào đối với bộ đội Việt có khác gì bố mẹ mình thương con.

Kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu giúp nước bạn Lào không thể kể hết. Câu nói của Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào trong buổi tiếp đoàn đại ý rằng: Bộ đội tình nguyện Việt Nam sang thăm Lào như về nhà. Các ông, các bác, các chú những năm giúp Lào đánh giặc chúng cháu còn bé, thế hệ chúng cháu tiếp nối ông cha giữ vững và phát huy tình đoàn kết vĩ đại giữa hai dân tộc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như lời của Bác Hồ và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Xuphanuvong đã dạy.

Chia tay những người bạn Lào, các cựu chiến binh quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam càng ấm lòng trước mối tình thủy chung, trong sáng của quân và dân các bộ tộc Lào anh em. Tình cảm cao quý ấy đã và đang được thế hệ trẻ hai nước vun đắp, giữ gìn, phát huy và là vốn quý của hai dân tộc.

Hoàng Tiến, Cựu chiến binh quân tình nguyện

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/quoc-phong/397748/ngay-ay-ben-tay-truong-son.html