Ngày ấy chúng tôi chiến đấu bảo vệ cầu

Năm 1965, những trận chiến đấu vô cùng ác liệt của quân và dân ta với địch lại diễn ra ngay trên vùng đất vốn là hậu phương không phải chiến trườngvẫn không thể nào quên với những người tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nâng chén nước vối thơm nức, khẽ nhấp môi rồi thở phào, đôi mắt của ông Lê Văn Đàn (phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) rơm rớm khi nhắc đến đồng đội, đến Hàm Rồng, bom đạn của chiến tranh. Ông kể: “Vừa tốt nghiệp cấp 3, tôi đã nhập ngũ vào đơn vị pháo cao xạ, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 304 - đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Nhiệm vụ của tôi là ngắm máy đo xa (đo cự ly máy bay tiếp giáp với trận địa). Công việc đòi hỏi phải thật chính xác nên tôi phải luôn bình tĩnh và nhanh mắt để bắt được mục tiêu càng sớm càng tốt báo cho chỉ huy biết để chỉ huy phát lệnh chiến đấu. Năm 1965, thua đau ở miền Nam, Mỹ càng điên cuồng bắn phá miền Bắc, cầu Hàm Rồng và cầu Đò Lèn là một trong những mục tiêu bắn phá của Mỹ hòng chia cắt giao thông và muốn biến cầu Hàm Rồng thành đống sắt vụn. Vì vậy, tính chất cuộc chiến càng ác liệt hơn nhưng tinh thần chiến đấu của quân và dân ta càng kiên cường hơn. Sáng 4-4 (ngày thứ 2), Mỹ bắn phá cầu Hàm Rồng nhưng quân ta đã chuẩn bị từ trước, bố trí trận địa đánh cả 4 hướng, tầm cao, tầm thấp nên máy bay Mỹ bay hướng nào cũng luôn gặp lưới đạn của ta. Cuộc chiến kéo dài đến 15 giờ cùng ngày thì những trận “mưa” bom để lại khói mù mịt, những đống đổ nát hoang tàn bao phủ khắp khu vực quanh cầu Hàm Rồng. Chiến sĩ ta hy sinh, làng mạc bị phá hủy, đau thương xen lẫn với tiếng khóc thét mất người thân...nhưng tinh thần chiến đấu của quân và dân ta bảo vệ cầu Hàm Rồng vẫn hừng hực. Giữa lúc cuộc chiến diễn ra ác liệt, tôi thấy ở ngay vị trí đặt pháo, mỗi chiến sĩ một nhiệm vụ, nhưng nếu chiến sĩ bị thương hoặc hy sinh sẽ không có người tiếp pháo, rất nhiều dân quân làng Nam Ngạn (phường Nam Ngạn), làng cổ Đông Sơn (Hàm Rồng)... đã tình nguyện ra chiến trường đứng sau sẵn sàng bám sát trận địa quân đội để thay thế pháo thủ chiến đấu”.

Nhớ lại giây phút cùng đồng đội chiến đấu bên mâm pháo, ông Đàn rưng rưng: “Tiểu đội của tôi có khoảng 150 người, trong đó có khoảng 20 đồng chí hy sinh, nhiều đồng chí bị thương. Tôi chứng kiến sự hy sinh ngoan cường của nhiều đồng đội, đó là anh đội phó bị thương rất nặng gần đứt lìa cánh tay, thân mình đầm đìa máu nhưng vẫn kêu gọi các chiến sĩ chiến đấu. Anh nằm đó, mắt vẫn không dời dõi theo máy bay của địch báo cho đồng đội hướng theo để tiêu diệt. Rồi anh Diễm là chiến sĩ thông tin liên lạc, trong trận đánh giữ cầu, đường dây thông tin đứt, anh ấy đã băng qua cầu giữa những cơn mưa bom, tia lửa đạn tới tấp bắn chằng chịt xuyên qua cầu nhưng anh vẫn lao về phía trước nối lại thông tin để bắt tín hiệu kịp thời chỉ huy trận đánh”.

Ngay từ những ngày đầu của sự kiện mùng 3 và 4-4-1965, ông Nguyễn Xuân Chuẩn, Đại tá, nguyên phân đội trưởng phân đội 3 Công an vũ trang Thanh Hóa đã có mặt bảo vệ cầu Hàm Rồng. Ngày ấy, ông Chuẩn được đào tạo học hỏa lực và được phân công về đơn vị phân đội 3 đóng ở vị trí hai bên mố cầu (túi bom của giặc Mỹ nhằm phá hỏng cầu Hàm Rồng). Dù đơn vị đóng ngay ở vị trí nguy hiểm, nhưng tất cả chiến sĩ trong đơn vị vẫn thường xuyên bám trụ, làm tròn nhiệm vụ chống gián điệp (người nhái phá cầu), vận động nhân dân sơ tán và bảo đảm giao thông thông suốt... Là phân đội trưởng, trách nhiệm với Tổ quốc, quê hương, đồng đội càng cao hơn, ông Chuẩn vận dụng kiến thức, kỹ năng học được, nghiên cứu địa hình, hướng đánh của địch để trận đánh hạn chế tổn thương cho ta mà vẫn bảo đảm mục tiêu bảo vệ cầu Hàm Rồng vững chắc. Trong gian khó ác liệt của cuộc chiến tranh, ông cùng với đồng đội sáng kiến dùng dây ròng rọc thay cho sức người gánh nước dưới sông Mã lên sinh hoạt hàng ngày hạn chế những vất vả, hiểm nguy; làm giá súng bán cơ động để chiến đấu... 55 năm trôi qua, với vai trò là trưởng ban liên lạc của đơn vị, ông đã tập hợp đồng đội nhiều lần hội tụ ôn lại kỷ niệm qua mỗi năm. Chỉ tiếc năm nay do điều kiện không cho phép, nhưng những đồng đội của ông vẫn thường xuyên liên lạc, hướng về quê hương, về cầu Hàm Rồng thiêng liêng với niềm tin yêu, hãnh diện.

Những ngày giặc Mỹ điên cuồng đánh phá cầu Hàm Rồng, làng Đông Sơn (phường Hàm Rồng), làng Nam Ngạn (phường Nam Ngạn)... Hạc Oa (Đông Cương)...từ già đến trẻ, không ai bảo ai, nhiều người ra trận, các chị lo cơm nước, các cháu cáng thương, tiếp đạn. Đội ngũ dân quân các làng được tổ chức huấn luyện đã đánh địch thành thạo như việc cấy cày. Trò chuyện với cô Lê Thị Thoa, nữ chiến sĩ Trường Sơn (Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh), cô Thoa kể: “Năm 1965, tôi mới 13 tuổi đã cùng với các chú bộ đội Trung đoàn 228 tham gia cứu thương những người dân, chiến sĩ bảo vệ cầu Hàm Rồng bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá. Nhìn cảnh hoang tàn, người chết, tôi vô cùng thương xót, căm phẫn và quyết định mình sẽ đi bộ đội đóng góp sức mình cho cuộc chiến đấu giành độc lập của dân tộc. Năm 1971, tôi xung phong đi bộ đội và được gia đình động viên, ủng hộ. Mặc dù không được tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng trong trận đánh năm 1972, nhưng tôi luôn nghĩ, chiến đấu ở đâu trên đất Việt cũng đều là bảo vệ Tổ quốc”.

Nhiều lắm những ký ức đẹp về chiến thắng Hàm Rồng. Đó là hình ảnh người chỉ huy chiến đấu Nguyễn Thị Hằng dũng cảm mưu trí, Ngô Thị Tuyển với ý chí “tất cả để chiến thắng”, bằng sức lực của mình vác những hòm đạn gấp hai lần trọng lượng cơ thể kịp thời chuyển lên trận địa cho bộ đội tiêu diệt máy bay Mỹ. Đó là chiến công của những tập thể anh hùng, là kết quả của sự phối hợp giữa các quân, binh chủng với các địa phương và toàn dân, tất cả đã làm nên những hình ảnh tuyệt đẹp của chiến tranh nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa, cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang nối đôi bờ sông Mã, trở thành biểu tượng của một bản anh hùng ca bất diệt.

Lê Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/ngay-ay-chung-toi-chien-dau-bao-ve-cau/116815.htm