Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6): Nghĩ về báo chí hiện đại và quản trị công

Kỷ nguyên số cũng đồng thời tạo ra những đối thủ cho thiết chế báo chí. Đáng kể nhất là sự cạnh tranh đến từ các nền tảng mạng xã hội, nơi mà bất kể cá nhân nào cũng có thể thực hiện công việc của các nhà báo.

TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, kỷ nguyên số cũng đồng thời tạo ra những đối thủ cho thiết chế báo chí.

TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, kỷ nguyên số cũng đồng thời tạo ra những đối thủ cho thiết chế báo chí.

Thiết chế báo chí

Xuất hiện ở nước Đức trong những năm đầu thế kỷ 17, những tờ báo in đầu tiên thực hiện chức năng cổ điển nhất của báo chí là “thông tin”. Từ cuối những năm 1970, kỷ nguyên số đã giúp báo chí thực hiện được những thay đổi mang tính cách mạng.

Sự kết hợp giữa máy tính cá nhân, Internet và điện thoại thông minh đã đưa các sản phẩm báo chí đến gần hơn với số lượng độc giả không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Những trang báo điện tử với ưu thế vượt trội đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị thế của các loại báo in truyền thống.

Trên nền tảng số hóa và kết nối Internet, các thể loại báo chí ngày càng đa dạng, trình bày hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của độc giả với trình độ ngày càng được nâng cao.

Cũng bởi thế, các tòa soạn hội tụ, năng động và hiện đại với những phương thức truyền thông đa phương tiện, đang dần thay thế những tòa soạn truyền thống, vốn ngày càng trở nên đơn điệu và kém linh hoạt.

Sức mạnh của thiết chế báo chí dựa vào khả năng truyền tải thông tin đến với số đông người dân, kết nối các ý kiến, phân tích, bàn luận, thậm chí tranh luận. Sản phẩm báo chí không chỉ gia tăng sự hiểu biết của người đọc về các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày, mà còn có thể tạo ra các luồng dư luận xã hội khác nhau.

Những dư luận xã hội đa chiều, đặc biệt là các dư luận theo hướng phê phán, có thể tạo ra áp lực xã hội, tác động mạnh mẽ và thay đổi nhận thức, hành vi của cá nhân, tổ chức.

Kỷ nguyên số cũng đồng thời tạo ra những đối thủ cho thiết chế báo chí. Đáng kể nhất là sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các nền tảng mạng xã hội, nơi mà bất kể cá nhân nào cũng có thể thực hiện công việc của các nhà báo.

Tuy nhiên, với những ưu điểm tuyệt đối xét về tính chính danh, đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, trang thiết bị ngày càng hiện đại, thể loại ngày càng đa dạng, cũng như tính chịu trách nhiệm cao, thiết chế báo chí vẫn giữ được ngôi vị số một xét về quyền lực truyền thông.

Kết nối lý luận với thực tiễn

Quyền lực báo chí, hay quyền lực truyền thông, từ lâu đã được coi là “quyền lực thứ tư” bên cạnh các quyền lực Nhà nước. Phân biệt với tính chất “cứng” của quyền lực Nhà nước và quyền lực kinh tế, quyền lực báo chí được coi là quyền lực “mềm” dựa vào khả năng thuyết phục cá nhân, tổ chức tự giác thay đổi hành vi.

Bên cạnh chức năng thông tin, báo chí từ lâu đã là một phương tiện hữu hiệu để chuyển tải kiến thức lý luận đến với số đông người dân, không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng mà còn hình thành các nỗ lực hành động tập thể nhằm thay đổi xã hội theo hướng tích cực hơn. Điển hình cho việc sử dụng báo chí để phổ biến kiến thức lý luận như K. Marx, F. Engels, V. Lenin, hay các thế hệ cách mạng tiền bối ở nước ta như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh...

Các trang báo lớn trên thế giới hiện nay như The New York Times cũng luôn xuất hiện những trí thức hàng đầu thế giới trong vai trò “columnist”, thường xuyên đóng góp những bài viết sử dụng kiến thức lý luận để phân tích các vấn đề thực tiễn. Hình thức tương tự nhưng ở cấp độ cao hơn là các tạp chí lý luận tầm trung như Foreign Affairs, The Economist, Financial Times…

Rất nhiều tác giả đăng bài trên các tạp chí nêu trên không phải là các nhà báo chuyên nghiệp, mà là các chuyên gia, nhà nghiên cứu có khả năng gắn lý luận với các sự kiện, tình huống xảy ra trong đời sống hàng ngày thông qua các sản phẩm báo chí, chứ không phải các báo cáo khoa học.

Nhân loại hiện nay đang dần bước qua xã hội công nghiệp để chuyển đến xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức. Với trình độ dân trí ngày càng được cải thiện, nhu cầu của con người với báo chí không còn đơn giản chỉ là thông tin.

Thay vào đó, công dân trong các xã hội hiện đại ngày càng có nhu cầu cao hơn về tri thức với các sản phẩm báo chí, và coi báo chí như một phương tiện để chủ động tham gia vào các hành động giải quyết các vấn đề của cộng đồng.

Lịch sử nhân loại cho thấy, tiến trình phát triển của mỗi cộng đồng, quốc gia, hay cả thế giới sẽ không thể diễn ra nếu chúng ta không huy động được nỗ lực tập thể, được dẫn dắt bởi niềm tin tích cực và tri thức, để thực hiện những sự thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn.

Cũng chính bởi logic phát triển nêu trên, các nhà nghiên cứu lý luận tất yếu cần đến báo chí trong vai trò là một phương tiện uy lực để lan tỏa niềm tin tích cực và tri thức, nêu quan điểm giải quyết vấn đề, qua đó gây ảnh hưởng đến quá trình thiết kế và lựa chọn hành động chính sách hướng đến sự phát triển.

Ảnh hưởng đến quản trị

Có thể thấy, thiết chế báo chí trên phạm vi toàn cầu đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ để có thể đáp ứng nhu cầu phức tạp hơn của con người. Không chỉ dừng ở những chức năng cổ điển như thông tin, giáo dục, giải trí, kết nối xã hội, thiết chế báo chí hiện đại còn đang thực hiện thêm hàng loạt những chức năng mới như: giám sát quyền lực công, định hình các vấn đề chính sách, kiến tạo các hành động cộng đồng, xây dựng và vun đắp các giá trị văn hóa…

Với những chức năng mới nêu trên, báo chí hiện đại trở thành một thiết chế có ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến hoạt động quản trị cộng đồng, ít nhất trên bốn phương diện.

Thứ nhất, báo chí có thể kiến tạo các phản ứng dư luận để kiểm soát quyền lực của chính quyền, phát hiện và đẩy lui các biểu hiện lạm quyền. Thứ hai, các phương tiện báo chí có thể nêu bật các thách thức lãnh đạo mà cộng đồng đang phải đối diện. Thứ ba, báo chí có thể nhận diện các vấn đề chính sách và tham gia thiết lập nghị trình chính sách. Thứ tư, báo chí vẫn là phương tiện công khai và minh bạch nhất để kết nối giữa nhu cầu, nguyện vọng chính sách của các nhóm xã hội với chính quyền các cấp.

Cũng bởi những chức năng mới mà tri thức lý luận sẽ ngày càng trở nên cần thiết để gia tăng chất lượng cho các sản phẩm báo chí. Là những sự hiểu biết chắt lọc của con người về đời sống xã hội, tri thức lý luận luôn được bồi đắp theo thời gian. Hẳn nhiên, để gia tăng hàm lượng lý luận cho các sản phẩm báo chí thì tất yếu cần đến sự tham gia của các nhà nghiên cứu lý luận vào lĩnh vực báo chí.

Khi tham gia viết báo, vốn không phải là công việc chính, các nhà nghiên cứu lý luận cũng đối diện với những thách thức. Ví dụ, họ phải thật sự vững chắc và liên tục cập nhật về kiến thức lý luận. Đồng thời, họ phải bám sát diễn biến đời sống hàng ngày, nhận diện được các thách thức lãnh đạo cũng như các vấn đề chính sách ẩn sau các sự kiện riêng lẻ.

Bên cạnh đó, họ phải có khả năng sử dụng tri thức lý luận để phân tích làm sáng rõ bản chất của vấn đề chính sách, nêu ra các lựa chọn hành động chính sách mà người dân có thể thảo luận và chính quyền có thể tham khảo.

TS. Nguyễn Văn Đáng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-216-nghi-ve-bao-chi-hien-dai-va-quan-tri-cong-231608.html