Ngày của những bóng cả

Sau Tết Nguyên đán, nhiều làng quê ở xứ Nghệ bước vào mùa lễ hội. Ở làng Thượng Yên (xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) là lễ hội Yến lão, mang vẻ đẹp của đạo lý uống nước nhớ nguồn, kính lão đắc thọ.

Yến lão nghĩa là tiệc rượu mừng các cụ cao tuổi, là dịp để con cháu mừng thọ và báo hiếu ông bà, cha mẹ. Theo những người già trong làng, trước đây ở làng Thượng Yên, cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng (Âm lịch) năm nào làng cũng tổ chức lễ hội Yến lão. Ban đầu, lễ hội diễn ra ở đình làng, sau chuyển sang sân kho hợp tác xã và nay là sân nhà văn hóa. Sau này, lễ hội được duy trì mỗi năm một lần ở cấp xóm và 5 năm một lần ở cấp xã.

Năm nay, mùng 6 tháng Giêng trùng vào Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2 nên lễ hội Yến lão được chuyển sang ngày 6-2 (mùng 9 tháng Giêng). Theo định kỳ 5 năm tổ chức một lần nên ăn tết xong, gia đình nào có ông bà, cha mẹ cao tuổi cũng nôn nao chờ đến ngày Yến lão. Đó thực sự là một ngày hội không riêng gì của mỗi gia đình mà của toàn xã. Nhiều cụ được con cháu cẩn thận chọn lựa những bộ áo dài cất kín trong tủ kèm theo một chiếc áo khoác bên ngoài để che chắn cái lạnh đầu xuân, dẫu chỉ se se nhưng cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các cụ.

Đầu giờ chiều, từ các ngõ xóm, con cháu nô nức dẫn ông bà, bố mẹ ra sân nhà văn hóa xã. Tiếng chào hỏi, cười nói rộn ràng trên đường đi. Dường như không khó để nhận ra những ánh mắt, nụ cười đầy hân hoan của các cụ khi đi bên cạnh con cháu trong một ngày đặc biệt như vậy. Trẻ già sóng đôi bước bên nhau thành một hình ảnh đầy ấm áp và nghĩa tình. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ đến ngày bé, cũng từng được dắt bà ngoại mình đi như vậy. Giờ thì bà ngoại tôi đã không còn nữa, nhìn những ông những bà náo nức về dự lễ hội Yến lão, lòng tôi không khỏi xúc động, như bất giác thấy hình người bà của mình đâu đây.

Ở sân nhà văn hóa xã, các cụ được sắp xếp ngồi theo từng dãy bàn, có phân chia theo từng độ tuổi. Đặc biệt, có một bàn riêng dành cho các cụ cao tuổi nhất, được gắn bảng hiệu “Thủ chỉ”, có 2 người cầm lọng (hay còn gọi là lọng dù) che hai bên. Mẹ tôi kể, thời phong kiến, vì vẫn còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” nên chiếc bàn này chỉ dành cho cụ ông cao tuổi nhất. Sau này, tư tưởng đó dần dần được xóa bỏ, nơi chiếc bàn trang trọng kia còn có cả những cụ bà. Mặc dù vậy, danh hiệu “Thủ chỉ” vẫn được trao cho cụ ông lớn tuổi nhất của xã. Năm nay, có hơn 700 cụ tham gia lễ hội Yến lão, trong đó có 3 cụ trên 100 tuổi, gồm: cụ Nguyễn Thị Phơn (105 tuổi, xóm 6); cụ Hoàng Thị Thất (104 tuổi, xóm 6) và cụ Hồ Thị Thất (102 tuổi, xóm 9). Người nhận danh hiệu “Thủ chỉ” là cụ ông Hồ Xuân Lan, 95 tuổi ở xóm 4.

 Cụ Hồ Xuân Lan (95 tuổi) nhận danh hiệu “Thủ chỉ” trong lễ hội Yến lão năm nay

Cụ Hồ Xuân Lan (95 tuổi) nhận danh hiệu “Thủ chỉ” trong lễ hội Yến lão năm nay

Ở bữa tiệc mừng thọ, các cụ lắng nghe con cháu bày tỏ lòng thành kính qua những lời ca tiếng hát hay những lời chúc thân thương thể hiện niềm mong mỏi các cụ sống vui, sống thọ bên con cháu. Các cụ vừa trò chuyện vừa thưởng thức trà nước, bánh trái. Không ít cụ cũng vì thương cháu thương con mà cất đi một chút bánh kẹo vào túi làm quà khi về nhà. Thuở bé, tôi cũng từng được bà ngoại cho quà như vậy khi lễ hội kết thúc. Và đó hẳn là thức quà ngon ngọt nhất của tuổi thơ!

Cây có cội, sông có nguồn. Đó dường như là truyền thống từ bao đời nay của người Việt. Lễ hội Yến lão là cơ hội để con cháu thể hiện truyền thống đó và gửi lời tri ân đến những bóng cả của đời mình.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngay-cua-nhung-bong-ca-post781104.html