Ngày cúng đất…

Hàng năm cứ tới ngày 10/3 là xóm tôi lại chộn rộn hẳn lên. Theo tục lệ xưa nay, ngày này là ngày cúng chủ đất.

Hồi mới về quê chồng, tôi cứ thắc mắc hoài sao ngày Giỗ tổ Hùng Vương mà lại đi cúng đất. Chồng khó chịu:

- Hồi xưa giờ ông bà sao thì mình vậy, thắc mắc chi không biết. Người gì hay thắc mắc quá!

Thiệt, tính tôi hay thắc mắc, hễ chuyện gì không hiểu là hỏi, mà ở quê chồng phong tục khác hẳn quê tôi nên phải hỏi cho rõ. Cho tới tận bây giờ tôi vẫn chưa rõ ngọn ngành tại sao dân vùng này lại cúng đất vào ngày 10/3, có điều theo quan sát, không phải nhà nào cũng cúng và mâm lễ vật cũng tùy ý mỗi nhà, tuy vậy cũng có những điểm chung. Thường người ta hay soạn mâm cúng gồm một dĩa gà luộc, dĩa xôi, dĩa muối hột, dĩa trầu cau, trái cây, vàng mã và bình bông. Một số nhà đơn giản hơn chỉ soạn dĩa bánh hỏi, trái cây và hoa để cúng. Có những nhà cúng chay thì chỉ chè trôi nước, trái cây và hoa. Tuy nhiên dù cúng lớn hay nhỏ, mặn hay chay thì mâm cúng nhất định phải được đặt trên mặt đất đã dọn dẹp sạch sẽ chứ không được bỏ lên bàn hay ghế.

Ảnh minh họa.

Có lần tôi hỏi người chị họ của chồng khi đến ăn 10/3 nhà chị rằng tại sao mâm cơm cúng lại phải đặt dưới đất, chị giải thích thì chủ đất ở dưới đất nên phải đặt dưới để ông ăn, nếu đặt trên bàn hay ghế thì ông không thích, không phù hộ làm ăn may mắn. À thì ra trong quan niệm của người dân ông chủ đất chính là ông thần canh giữ mảnh đất của nhà mình, muốn được mùa được giá thì cứ ngày 10/3 âm lịch làm mâm cơm cúng để cảm ơn ông đã canh giữ đất đai, phù hộ cho cây trái sum xuê, cho trúng giá.

Là dân vùng khác đến nên tôi lấy làm thú vị khi biết được ý nghĩa của việc cúng đất. Người nông dân chỉ suy nghĩ một cách đơn giản đất đai cho mình mùa màng màu mỡ thì mình phải nhớ ơn, trả lễ cho đất, có như vậy thần đất mới phù hộ cho mùa vụ năm sau bội thu hơn năm trước. “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, người ta chỉ suy nghĩ đơn giản như vậy. Còn lý do vì sao lại cúng đất vào đúng ngày Giỗ tổ Hùng Vương thì tôi đoán rằng ngày 10/3 là ngày để mọi người nhớ về nguồn cội, tổ tiên, biết ơn tổ tiên đã tạo dựng nên đất nước hay nói gọn lại là ngày nhớ ơn nên dân miệt này lấy ngày này để nhớ ơn chủ đất. Điều này có thể lý giải được vì dân ở đây chủ yếu là dân di cư từ miền Trung vào, đất đai nơi đây không được màu mỡ cho lắm, khô hạn, hiếm nước nên mùa vụ phải trông chờ cả vào trời đất. Người nông dân chỉ còn biết hy vọng mưa thuận gió hòa cho cây trồng phát triển, mùa bội thu. Bởi vậy người ta đặt cả hy vọng vào đất, bèn cúng kính cầu mong ông thần giữ đất phù hộ được mùa, có cái ăn cái mặc. Bây giờ việc trồng trọt có phần thuận lợi hơn trước nhờ có nước từ các hồ thủy lợi xả về, có máy bơm để tưới tiêu, tuy nhiên con cháu cứ theo tục của ông bà để lại mà làm thành ra ngày 10/3 hàng năm vẫn soạn mâm cơm cúng vườn, cúng ruộng.

Từ hồi ngày 10/3 được chọn là quốc lễ, người lao động được nghỉ việc hưởng nguyên lương, mọi người thường kết hợp việc cúng đất với sum họp gia đình, bạn bè ăn uống, vui chơi. Bởi vậy mà cứ gần tới dịp cúng đất là cánh đàn ông xôn xao bàn chuyện tụ họp nhà nào, chuẩn bị ra sao. Còn cánh phụ nữ thì lo kiếm chỗ đặt gà trước vì đồ cúng phải là đồ ngon, cả mâm cúng món gà là chính yếu nên phải chú trọng sao cho đẹp mắt, cho ngon.

Lại sắp đến ngày 10/3, xóm nhỏ lại xôn xao chuyện cúng kính, ăn lễ. Chị họ gọi điện rủ tôi dặn gà ở một nhà quen trong xóm để cúng, rồi rủ “bữa đó hai vợ chồng chở hai đứa nhỏ lên chơi nghen” tôi cười cười “em hổng hứa trước nha, để coi chồng em còn tỉnh không đã”. Thiệt, năm nào tới ngày này chồng cũng đi năm bảy nhà ăn lễ, còn tôi, năm nào cũng bận rộn sắp xếp coi chợ búa, nấu nướng sao cho kịp giờ cúng, đến tận cả trong mơ vẫn còn sắp xếp công việc…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ngay-cung-dat-96514.html