Ngày đầu giãn cách tại tâm dịch phía Nam: Siêu thị đầy hàng, giá tăng vọt ở chợ dân sinh
Hôm qua, tại TPHCM và một số tỉnh lân cận,trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu trong siêu thị, cửa hàng tiện lợi khá ổn định thì thực phẩm ở chợ dân sinh lại có giá cao ngất ngưởng.
Hàng hóa đầy ắp tại một siêu thị ở TPHCM ngày 9/7
Siêu thị không thiếu hàng
Ghi nhận của phóng viên trong ngày 9/7 tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TPHCM, các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, rau củ, thịt cá… rất nhiều. Người dân trật tự xếp hàng, khai báo y tế và chờ đến lượt vào mua sắm.
“Tôi đợi tầm 30 phút thì đến lượt vào mua hàng tại siêu thị Emart. Siêu thị nhiều hàng, giá cả ổn định như bắp cải 18.000 đồng/kg, cải thảo Đà Lạt 23.000 đồng/kg. Các loại thịt heo có giá từ 140.000-200.000 đồng/kg (tùy loại). Tôi tranh thủ mua nhiều để nguyên tuần không cần đi chợ” - chị Thu Hà (ngụ Q.Gò Vấp) cho biết.
Tại nhiều siêu thị như Co.op Mart, Lotte, Satra, Big C… nhân viên liên tục đưa hàng lên đầy kệ để khách lựa chọn. Theo một nhân viên siêu thị, sức mua hôm qua giảm mạnh so với 2-3 ngày trước đó.
Hiện TPHCM có 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống đang hoạt động, hơn 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và 28.000 điểm bán hàng của các địa phương đang phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm, hàng thiết yếu các loại trong thời gian thành phố giãn cách xã hội.
Sáng sớm 9/7, tại các chợ công nhân ở khu vực phường Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai), rất đông người đi chợ và mua nhiều hơn ngày thường. “Tôi biết thị trường không có biến động, nhưng vì giãn cách, hạn chế đi ra ngoài, tránh tiếp xúc nơi công cộng nên gia đình tôi cũng mua nhiều hàng để bớt phải đi chợ nhiều lần trong tuần”, anh Nguyễn Thế Cường, công nhân làm việc tại KCN Amata (TP Biên Hòa) cho biết.
Theo Sở Công thương Đồng Nai, sáng 9/7, lượng hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa, chợ đầu mối đã đầy hàng trở lại, đảm bảo cung cấp nhu cầu mua sắm của người dân.
Ông Đào Văn Cường, đại diện Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Anh Hoàng Thy (TP Biên Hòa) cho biết, nguồn heo của công ty khá dồi dào, các kênh phân phối của công ty vẫn ổn định, nhất là mảng cung ứng vào các hệ thống siêu thị, trong đó có nhiều siêu thị, đơn vị ở Đồng Nai. Công ty đã có kế hoạch phân phối thị trường một cách phù hợp khi có biến động xảy ra.
Chợ dân sinh, giá cao ngất ngưởng
Tại các chợ dân sinh ở TPHCM, người đến mua cũng thưa thớt hơn so với vài ngày trước đó. Tuy nhiên giá cả vẫn ở mức cao. Trứng gà trước đây có giá bán dao động trung bình khoảng từ 20.000-25.000 đồng/chục thì nay có giá 40.000 đồng/chục, tăng gần gấp đôi. Trứng vịt đã lên đến 55.000 đồng/chục (tăng khoảng 60%). Các loại hải sản như cá cam, cá lóc, cá nục đều đồng loạt tăng giá từ 20-30%. Thịt heo cũng tăng thêm từ 40.000-50.000 đồng/kg (tùy loại). Giá rau củ quả tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, như bắp cải lên tới 50.000 đồng/kg, đậu có giá 50.000 đồng/kg, bầu có giá 40.000 đồng/kg… Lý giải nguyên nhân giá cao đột biến, một số tiểu thương ở các chợ bán lẻ cho biết, do chợ đầu mối đóng cửa, chi phí vận chuyển cao nên hàng hóa nhập vào thành phố cũng bị đẩy giá.
Tại Bình Dương, ghi nhận của phóng viên Tiền Phong vào ngày 9/7, mặt hàng thiết yếu tại các điểm chợ đều tăng cao gấp 3, thậm chí gấp 5 lần so với trước đây. Dù vậy các mặt hàng rau, củ, quả đều trong tình trạng khan hiếm, hết hàng. Bà Trần Diệu (phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết, giá bí, dưa leo, khoai tây tăng từ 12.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg. Giá bắp cải từ 10.000 đồng tăng lên 30.000 ngàn đồng /kg. Một bó rau bất kỳ có giá từ 30.000 đồng đến 60.000 đồng. “Thật kinh khủng”, bà Diệu thốt lên. Chị Đoàn Tâm Trang (TP Dĩ An) cũng nói: “Tất cả các mặt hàng đều tăng gấp 3 đến 5 lần trước đây. Giá 1kg thịt heo trước đây khoảng 120.000 đồng thì nay lên 300.000 đồng. Chợ tự phát bị cấm, chợ truyền thống tăng giá, giá cao cũng cố mua thôi”.
Bà Nguyễn Thị Lan, tiểu thương chợ Thủ Dầu Một cho biết: “Trước đây, tôi đến lấy hàng ở chợ đầu mối Thủ Đức (TPHCM) với giá rẻ nhưng nay chợ này tạm ngưng. TPHCM đang giãn cách xã hội nên việc đi lại lấy hàng rất khó khăn. Chúng tôi đi mua hàng rất khó khăn với giá rất cao nên phải bán cao”. Anh Lê Anh Tuấn, tiểu thương chợ Phú Cường nói: “Dù bán lấy tiền lãi bằng trước đây nhưng cũng rất ngại và khó giải thích với người mua. Bây giờ đi lấy hàng về bán rất khó, có hàng bán là may rồi, giá có cao cũng phải lấy về bán vì đây là cái nghề”. Cũng theo anh Tuấn, nếu như trước đây 1kg dưa leo lấy vào với giá từ 7.000 đến 10.000 đồng thì nay tăng lên 20.000, thậm chí 30.000 đồng. Thế nên, khi mang về bán lại giá cao quá, người mua bất ngờ.
Bà Ngô Ngọc Yến - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Yến Ngọc (chuyên kinh doanh gạo, trụ sở tại TPHCM) cho biết việc phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 để được vận chuyển hàng hóa vào một số địa phương ở phía Nam đang tác động lớn đến người nông dân và cả người tiêu dùng. Bởi hàng hóa không đến được nơi tiêu thụ như TPHCM dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, giá tăng cao. “Trong khi đó, người nông dân sản xuất ra sản phẩm không có người mua, buộc phải bán rẻ, ‘vô tình’ cả người tiêu dùng và nông dân đều bị thiệt hại” – bà Yến nói.
Bà Yến dẫn chứng, một kg bí đao khi mua lẻ ở ĐBSCL có giá 10.000 đồng/kg, nhưng khi đưa lên TPHCM thì mức giá (hôm 8/7) đã lên 50.000-60.000 đồng. Còn giá lúa gạo ở các địa phương ĐBSCL hiện đã giảm rất mạnh, trong khi tại thị trường TPHCM mấy ngày qua đã tăng... CẢNH KỲ