Ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội: Phố xá đông dần; hàng nhiều, giá ổn
Siêu thị đang bắt đầu đợt khuyến mãi lớn nhân lễ 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5 nên nhiều mặt hàng có giá bán rất tốt, kỳ vọng kích thích được tiêu dùng
Theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 22-4, từ ngày 23-4, 28 tỉnh - thành thuộc nhóm "nguy cơ cao" và "có nguy cơ" bùng phát dịch Covid-19 (trong đó có Hà Nội) sẽ dừng thực hiện giãn cách xã hội như quy định của Chỉ thị 16.
Ùn tắc cục bộ ở thủ đô
Trong ngày đầu tiên nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều tuyến đường ở Hà Nội đã đông người trở lại, hiện tượng ùn tắc cục bộ đã diễn ra.
Các tuyến đường như Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến…, số lượng phương tiện tăng nhanh so những ngày trước. Lực lượng CSGT vất vả hơn trong việc điều tiết, phân luồng phương tiện. Nhiều cơ quan, công sở bắt đầu yêu cầu nhân viên trở lại trụ sở thay vì làm việc tại nhà như trước.
Trên các tuyến phố Tô Hiệu, Trung Kính, Hoàng Minh Giám (quận Cầu Giấy), một số cửa hàng ăn đã mở bán nhưng sắp xếp bàn ghế có khoảng cách xa hơn trước. Lực lượng công an vẫn thường xuyên tuần tra để nhắc nhở.
Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ một quán phở nằm trên đường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), cho biết: "Tối qua, tôi đọc trên báo thấy được mở quán bán trở lại, sáng nay phải dậy sớm để đi chợ mua đồ chuẩn bị làm nước dùng và tất cả nguyên liệu làm bún nhưng thực khách vào đây tôi vẫn nhắc nhở ngồi cách nhau 2 m và ít trò chuyện khi ăn để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh". Tuy vậy, lượng khách đến các cửa hàng ăn uống, quán cà phê hầu hết vẫn chưa đông.
Tại quận Hai Bà Trưng, một số quán cũng đã mở cửa trở lại. Ông Vũ Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở về các quy định đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, các cửa hàng phải bố trí nước sát khuẩn cho khách rửa tay.
Hai huyện Mê Linh và Thường Tín của Hà Nội vẫn thực hiện giãn cách xã hội. Ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan bảo đảm vệ sinh môi trường khu cách ly thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) - nơi có ca dương tính trước đó. Ông Huy khẳng định việc kiểm soát ra vào thôn Đông Cứu vẫn được triển khai nghiêm túc với các biện pháp đo thân nhiệt, thu thập thông tin.
Quảng Nam còn dè dặt
Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành công văn yêu cầu các địa phương, tổ chức, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thực hiện nghiêm đối với việc một số hoạt động phải tạm dừng đến ngày 3-5 theo Quyết định 1170 do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành ngày 22-4 (gồm: quán bar, vũ trường, internet công cộng, trò chơi điện tử, karaoke, rạp chiếu phim, rạp hát, trị liệu, spa, thẩm mỹ; các hoạt động văn hóa, lễ hội, hội thi, hội diễn, lễ kỷ niệm, triển lãm; các bãi tắm biển công cộng...). Những hoạt động khác được thực hiện trở lại nhưng các địa phương, đơn vị, chủ doanh nghiệp liên quan phải chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự, các biện pháp phòng chống dịch. UBND tỉnh cũng yêu cầu không cách ly tập trung đối với người từ các địa phương khác đến Quảng Nam, cho phép học sinh các cấp quay lại trường từ ngày 4-5.
TP HCM: Kinh doanh, ăn uống dần trở lại
Sáng cùng ngày, hàng loạt cửa hàng, tiệm hớt tóc tại TP HCM mở cửa đón khách. 6 giờ sáng, các quán cà phê trên đường An Dương Vương, Lê Hồng Phong (quận 5) đã đông khách.
Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM thống kê cho thấy vào khung giờ cao điểm, lượng phương tiện tăng gấp 3 lần và xuất hiện nhiều điểm ùn ứ như khu vực đường Cộng Hòa, ngã tư An Sương.
Chị Lê Thị Thanh, chủ quán cà phê trên đường Trần Bình Trọng (phường 3, quận 5), cho biết gần một tháng qua, tiệm chỉ bán cho người mua mang về và mỗi ngày chỉ bán được 5-8 ly cà phê, doanh thu chưa đạt 50.000 đồng, trong khi giá thuê nhà mỗi tháng 12 triệu đồng và may mắn được chủ nhà giảm 50%. Gánh nặng thất thu khiến chị nín thở chờ hết hạn giãn cách xã hội. "Lần đầu tiên rơi vào cảnh khó khăn này. Hôm nay nới lỏng giãn cách xã hội, ai cũng vui mừng. Tuy nhiên, để an toàn, quán vẫn chỉ bố trí bàn ghế ít hơn 50% so với bình thường" - chị Thanh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Tâm, chủ quán ăn tại quận 3, cho biết mở cửa bán lúc này cũng chỉ để thông tin cho khách biết. Do đó quán chỉ bán với giá như trước đây, nếu tăng giá bán vào thời điểm này chẳng khác nào đuổi khách.
Các cửa hàng, hàng quán khác đến thời điểm này vẫn còn đóng cửa là do nhiều nguyên nhân. Ông Tiêu Hồng Toàn - chủ cửa hàng trên đường Hậu Giang, quận 6 - giải thích một số cửa hàng còn đóng cửa là do họ đã trả mặt bằng hoặc cho nhân viên nghỉ, kể cả về quê chưa lên kịp. Một số trường hợp vẫn còn ngại vì mở cửa thời điểm này cũng sẽ ít khách nên còn nấn ná thêm thời gian để xem tình hình.
Tại các chợ lẻ của TP HCM, hàng hóa thực phẩm dồi dào, giá cả ổn định dù lượng khách đến chợ vẫn thưa thớt. Các tiểu thương nhận định sở dĩ khách hàng chưa nhiều là do vẫn còn ngại đến chỗ đông người.
Thông tin từ các chợ đầu mối nông sản thực phẩm của TP HCM cho thấy lượng hàng hóa về chợ, giá cả ổn định. Tại chợ Hóc Môn, lượng heo về chợ ổn định 227 tấn. Giá heo mảnh tăng khá cao, loại 1: 120.000 đồng/kg (tăng 18.000 đồng/kg so ngày 22-4), loại 2: 97.000 đồng (tăng 2.000 đồng). Rau củ, trái cây về chợ này ổn định hơn 2.000 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết lượng hàng về chợ này vẫn ổn định 3.500 tấn/ngày. Các siêu thị trên địa bàn TP HCM vẫn ghi nhận lượng khách mua sắm tương đương những ngày trước. Hàng hóa trong các siêu thị đang rất dồi dào; các siêu thị đang bắt đầu đợt khuyến mãi lớn nhân lễ 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5 nên nhiều mặt hàng có giá bán rất tốt, kỳ vọng sẽ kích thích được khách hàng rút hầu bao.
Hệ thống Vincom trên cả nước cũng đã mở cửa trở lại và ngay trong ngày đầu tái hoạt động, hàng loạt thương hiệu lớn đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi như GAP, Banana Republic, Giordano, Canifa, Boo, John Henry; Furla, Geox, LYN, Parfois, Adidas, Lining, Shooz, Vascara… giảm giá 30%-50%, mua 1 tặng 1 tại Robins Department Store... Các nhà hàng Coco Ichibanya, Lotteria đưa ra nhiều combo ưu đãi món ăn hấp dẫn…
Bạc Liêu và Đồng Tháp:Cấp 1 và cấp 2 chưa học lại
Tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Đồng Tháp, học sinh THPT và sinh viên các trường ĐH, CĐ sẽ đi học trở lại vào ngày 27-4. Các khối còn lại chờ thông báo mới. UBND 2 tỉnh đều giao các sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục khẩn trương hoàn thành vệ sinh trường lớp, sẵn sàng đón học sinh, sinh viên, học viên trở lại và phải bảo đảm an toàn; thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tại Cà Mau, học sinh THCS và THPT; sinh viên, học viên các trường ĐH, CĐ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp... học lại từ ngày 27-4. Học sinh tiểu học, mầm non và học viên tại các cơ sở bồi dưỡng văn hóa, cơ sở tin học - ngoại ngữ ngoài công lập sẽ học lại từ ngày 4-5. Trước đó, ngày 20-4, Cà Mau là một trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước cho học sinh lớp 9 và 12 đi học trở lại.
V.Du - P.Nguyên - T.Minh
Hơn 7 ngày không có ca mắc mới
Bộ Y tế cho biết tính đến ngày 23-4 là liên tiếp hơn 7 ngày Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19. Hiện số mắc Covid-19 tại Việt Nam là 268 người, trong đó có 224 bệnh nhân đã được chữa khỏi (84%).
44 bệnh nhân còn lại đang điều trị ở 7 cơ sở y tế. Trong số đang điều trị có 12 người có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính và 8 trường hợp có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính. Về sức khỏe, 3 bệnh nhân nặng hiện đều có những cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân 19 (64 tuổi, bác gái bệnh nhân số 17) dù vẫn thở máy qua ống mở khí quản, phổi còn tổn thương nhưng ôxy hóa máu đã cải thiện, tri giác tốt, giao tiếp được. Bệnh nhân 161 (88 tuổi) vẫn thở máy qua ống mở khí quản nhưng phổi đã tiến triển tốt, tim mạch bình thường, gọi hỏi bệnh nhân có giao tiếp chậm, không sốt.
Dù vậy, Bộ Y tế cho biết số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) đã tăng lên, hiện là 68.081 người (trước đó là 67.022 người). Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện: 369 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.600 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 49.112 người.
Cùng ngày, tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP HCM), bệnh nhân mắc Covid-19 cuối cùng điều trị tại đây đã được công bố khỏi bệnh. Tại TP HCM hiện chỉ còn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đang điều trị ca bệnh số 91 là nam phi công người Anh.
Bộ Y tế cho biết hiện Việt Nam có 3 ổ dịch Covid-19, gồm: Hạ Lôi (huyện Mê Linh) và Đông Cứu (huyện Thường Tín, cùng TP Hà Nội), Đồng Văn (Hà Giang). Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước, đặc biệt là 3 ổ dịch nói trên và các ổ dịch được phát hiện trước đó, gồm: Bệnh viện Thận Hà Nội, quán bar Buddha (TP HCM); Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
N.Dung
TP HCM tiếp tục tạm dừng một số hoạt động
Tối 23-4, UBND TP HCM có văn bản yêu cầu UBND các quận - huyện, sở - ngành tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của ngành y tế.
Theo đó, UBND TP yêu cầu tiếp tục tạm dừng hoạt động cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, spa, vật lý trị liệu, massage, xông hơi; các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (internet, game-online); các trung tâm thể thao và cơ sở kinh doanh thể thao trong nhà. Tiếp tục dừng tiếp nhận khách mới tại các cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình homestay, airbnb.
Tạm dừng nghi lễ, hoạt động tôn giáo có tập trung từ 20 người trở lên tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; hoạt động, hội họp tập trung trên 20 người. Tiếp tục cấm tụ tập trên 20 người nơi công cộng, bên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Những lĩnh vực không nêu trên thì được phép hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm theo các nội dung quy định của Bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoạt động an toàn trong thực hiện phòng chống dịch Covid-19 do cơ quan nhà nước ban hành; chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
UBND TP yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng và nơi làm việc; bảo đảm giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết.
Cơ quan, đơn vị nhà nước tổ chức làm việc bình thường; phải bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch đối với người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác; tiến hành vệ sinh phòng họp, khử khuẩn các bề mặt, các đồ vật tiếp xúc với người dự họp sau mỗi cuộc họp.
Thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 23-4 cho đến khi UBND TP có chỉ đạo, hướng dẫn mới.
l Cùng ngày, UBND TP chấp thuận phương án tổ chức hoạt động vận tải trên địa bàn kể từ ngày 23-4, theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Theo đó, cho phép hoạt động vận tải taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ hoạt động lại bình thường.
Riêng xe buýt thì Sở GTVT sẽ công bố từng tuyến cụ thể hoạt động trở lại sau ngày 3-5. Với xe buýt không trợ giá và liên tỉnh liền kề, Sở GTVT xem xét và phối hợp với các địa phương liên quan thống nhất công bố hoạt động trở lại bình thường theo phương án đề xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác tuyến; với các tuyến xe cố định liên tỉnh, chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và 50% với các tỉnh thuộc nhóm nguy cơ thấp, thực hiện từ ngày 23-4.
Đối với xe hợp đồng (trừ xe dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ) và xe du lịch, Sở GTVT đề xuất chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo tổng số xe đơn vị kinh doanh vận tải nếu kết nối đến các tỉnh, thành thuộc nhóm có nguy cơ và 50% với các tỉnh, thành thuộc nhóm có nguy cơ thấp, thực hiện từ ngày 23-4.
Phà Cát Lái từ 5 giờ đến 10 giờ và từ 15 giờ đến 20 giờ sẽ vận chuyển hành khách và các phương tiện lưu thông, trừ ôtô tải trọng trên 8 tấn; thời gian còn lại không vận chuyển hành khách và xe gắn máy. Phà Bình Khánh và các tuyến vận tải hành khách ngang sông và nội tỉnh hoạt động bình thường. Tuyến buýt đường thủy số 1 dừng hoạt động cho đến hết ngày 3-5; các tuyến đường thủy liên tỉnh tối đa 1 chuyến/ngày/tuyến. Tất cả đơn vị kinh doanh vận tải khi hoạt động phải bảo đảm duy trì điều kiện an toàn theo bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn đối với hoạt động giao thông vận tải trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP và các quy định của Bộ GTVT, ngành y tế.