Ngày đầu thí điểm bay thương mại chưa suôn sẻ
27 chuyến bay được cấp phép nhưng không thực hiện được do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc cách ly của điểm đến hoặc quy định cách ly quá nghiêm ngặt
Ngày 10-10, các chuyến bay thương mại thí điểm đã chính thức cất cánh trở lại ở cả 3 miền. Các hãng hàng không đã khai thác 11 chuyến bay thương mại với 401 hành khách (Vietnam Airlines 7 chuyến, VietJet 2 chuyến, Bamboo Airways 2 chuyến).
Nhiều chuyến bay còn ít khách
Theo ghi nhận tại TP HCM, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón những vị khách đầu tiên trong ngày khai thác trở lại chuyến bay thương mại nội địa.
Nhiều hành khách cho biết đã đặt vé ngay khi các hãng mở bán để trở về nhà sau nhiều tháng kẹt lại TP HCM vì giãn cách xã hội. Giá vé máy bay của các hãng khá cao, trong điều kiện tần suất chuyến bay còn ít và mỗi chuyến chỉ được khai thác tối đa 50% công suất chỗ.
Dù vậy, ngày đầu tiên khai thác trở lại, một số trục trặc đã phát sinh. Sáng 10-10, một số hành khách phản ánh chuyến bay VJ632 từ TP HCM đi Đà Nẵng đã phải tạm hoãn thời gian dài ở sân bay Tân Sơn Nhất để chờ quyết định có tiếp nhận hay không từ phía Đà Nẵng.
"Tôi rất lo lắng vì nhà trọ đã trả sau nhiều tháng kẹt lại ở TP HCM. Nhiều hành khách khác cũng hoang mang vì đã mua vé, tốn phí xét nghiệm PCR trước chuyến bay, liệu kế hoạch về nhà có bị đảo lộn?" - anh Lê Nhân (ngụ quận 3, TP HCM) băn khoăn.
Đến chiều cùng ngày, chuyến bay VJ632 chở 77 hành khách đã được phía Đà Nẵng đồng ý tiếp nhận và đã hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. Đây là chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP HCM hạ cánh xuống Đà Nẵng sau thời gian giãn cách xã hội. Hành khách phải tự cách ly tại nhà 14 ngày và báo cáo với chính quyền địa phương để theo dõi.
Chiều cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành văn bản hướng dẫn việc tiếp nhận các chuyến bay. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đồng ý với quyết định tạm thời của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, hành khách khi đủ điều kiện cách ly tại nhà phải di chuyển bằng phương tiện cá nhân, tuyệt đối không ghé đến nơi khác trên đường về nhà. Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết theo chủ trương của Bộ GTVT, trong giai đoạn thí điểm bay nội địa, Đà Nẵng đón 4 chuyến bay/1 tuần.
Tỉ lệ lấp đầy nhiều chuyến bay đi từ Hà Nội, TP HCM của Vietnam Airlines trong ngày đầu dao động từ 70%-100%. Trong khi đó, các chuyến từ địa phương khác có tỉ lệ lấp đầy chưa cao.
Các chuyến bay đều được khai thác giãn cách ghế, giảm số lượng chỗ. Có những chuyến bay khai thác bằng máy bay nhỏ ATR-72 nên tổng lượng khách khá thấp. Theo Bộ GTVT, chuyến bay Chu Lai - TP HCM chỉ có 5 khách; chuyến Đà Nẵng - TP HCM: 14 khách; Nha Trang - TP HCM: 20 khách; Quy Nhơn - TP HCM 20 khách...
Đây là những con số được dự đoán trước do những điều kiện khắt khe khi bay, điều kiện cách ly nơi đến, kế hoạch bay được ban hành gấp, quyết định mở lại các chuyến bay nội địa được đưa ra vào tối 8-10 trong khi hành khách phải đáp ứng rất nhiều quy định nếu muốn bay từ ngày 10-10...
Trong ngày 10-10, 27 chuyến bay được cấp phép nhưng không thực hiện. Các chuyến bay TP HCM - Hà Nội, Hà Nội - Đà Nẵng và ngược lại không thực hiện do hành khách phải cách ly tập trung, trong khi hướng dẫn cách ly tập trung cụ thể của Hà Nội chưa có. Chuyến TP HCM - Thừa Thiên - Huế và ngược lại không thực hiện được do hành khách phải đăng ký trước và phải được phê duyệt của tỉnh để đến Thừa Thiên - Huế. Chuyến TP HCM - Quảng Bình và ngược lại không thực hiện được do hành khách phải cách ly tập trung nên nhiều người bỏ chỗ.
Nhiều chuyến bay không thực hiện được do không có khách, như đường bay TP HCM đi đến Kiên Giang, Cà Mau, Lâm Đồng. Nhiều chuyến không thực hiện được do không kịp mở bán như TP HCM đi - đến Phú Yên, Gia Lai; Đà Nẵng đi - đến Đắk Lắk. Có chuyến không thực hiện được do bão.
Cần quy định thống nhất trên cả nước
Hiện nay, để được đi máy bay, hành khách cần đáp ứng các điều kiện chung: Phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh). Hành khách còn phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay
Từ ngày 11-10, các chuyến bay đến Hà Nội đã có thể thực hiện theo kế hoạch. UBND TP Hà Nội áp dụng biện pháp cách ly tập trung 7 ngày với khách đi máy bay từ TP HCM đến Nội Bài và lưu trú ở Hà Nội tại 20 khách sạn (giá từ 1,3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/đêm) hoặc các khu cách ly. Hành khách tự trả các chi phí cách ly và xét nghiệm; sau thời gian cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
UBND TP Hải Phòng quy định hành khách đi chuyến bay từ TP HCM đến và lưu trú tại Hải Phòng phải cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của thành phố, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7; tiếp tục cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm vào ngày cuối cùng kết thúc cách ly.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định về cách ly tập trung 7 ngày tại một số địa phương đang "làm khó" người dân muốn về quê, đi công tác. Một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng đáp ứng đủ các điều kiện trên mới được bay mà vẫn cách ly tập trung thì thật sự là quá khó. Chưa kể, một số nơi yêu cầu phải cách ly tập trung ở khách sạn càng tốn thêm chi phí cho hành khách.
"Khôi phục ngành hàng không phụ thuộc rất lớn và "hộ chiếu vắc-xin" nhưng khi thực hiện phải đồng nhất trên toàn quốc. Còn với những yêu cầu ngặt nghèo trên, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không chưa thể tăng cao thời điểm này, bài toán khôi phục ngành hàng không sẽ còn khó khăn" - vị chuyên gia hàng không nêu trên nhìn nhận.
Ngoài ra, quy định được đi máy bay trở lại trong giai đoạn thí điểm không áp dụng cho đối tượng là trẻ em. Trong khi đó, rất nhiều gia đình có con em được gửi về quê trước giãn cách xã hội, giờ không thể đón trở lại TP HCM bằng đường hàng không mà phải đi ôtô hoặc phương tiện khác.
Đại diện một hãng hàng không cho biết với quy định hiện tại, trẻ em sẽ được bay nếu thuộc đối tượng đã mắc và đã khỏi Covid-19; trẻ em đã tiêm vắc-xin ở nước ngoài về Việt Nam…
Thực hiện nghiêm chỉ đạo mở lại chuyến bay
Ngày 10-10, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện nêu rõ: Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay, một số địa phương thực hiện chưa đúng chỉ đạo tại Thông báo số 263 ngày 8-10 về khôi phục vận tải hành khách bằng đường hàng không. Các địa phương này cần rà soát, điều chỉnh và thực hiện nghiêm các chỉ đạo nêu trên.
Thủ tướng giao Bộ GTVT và Bộ Y tế giám sát, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương; kịp thời chấn chỉnh và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp thực hiện chưa đúng quy định; báo cáo, đề xuất Thủ tướng xem xét, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền.
Thủ tướng giao Bộ GTVT căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chậm nhất 3 ngày kể từ khi ban hành công điện này, phải ban hành quy định, hướng dẫn và triển khai hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt, đường bộ trên toàn quốc, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Lúc này, doanh thu không phải quan trọng nhất
Theo Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân, với các hãng hàng không, vấn đề bay trở lại là rất quan trọng. Trong đó, doanh thu là vấn đề sau cùng, trước hết phải là để duy trì hoạt động. Mở lại các chuyến bay thời điểm này chắc chắn sẽ không đạt được doanh thu. Dù điều đó rất quan trọng nhưng quan trọng nhất bây giờ không phải là mục tiêu doanh thu, mà là tìm ra các giải pháp thực hiện mục tiêu phòng chống dịch nhưng mở cửa từng bước để chúng ta tập dượt các đường bay nội địa và từng bước tiến ra quốc tế.