Ngày đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp ở Hà Nội

Ngày 1/7, chính quyền 30 quận, huyện ở Hà Nội chính thức kết thúc sứ mệnh lịch sử. Thay vào đó, 126 xã, phường mới đi vào hoạt động, bắt đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại Hà Nội cũng như trên toàn quốc.

Phóng viên đã có mặt tại trụ sở của phường Cầu Giấy tại thủ đô để ghi nhận những giờ đầu tiên Hà Nội triển khai tiếp nhận hồ sơ đất đai, hộ tịch, tư pháp, giáo dục, y tế…

Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, điểm phục vụ hành chính công Cầu Giấy.

Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, điểm phục vụ hành chính công Cầu Giấy.

Hiện nay, đã có rất đông người dân đến để xử lý thủ tục hành chính. Dù mới ngày đầu tiên, tuy nhiên theo ghi nhận, mọi thủ tục của người dân đều được cán bộ tiếp nhận, xử lý thông suốt.

Bà Nguyễn Thị Hà (41 tuổi, trú tại phường Cầu Giấy mới) chia sẻ: “Sau khi thay đổi mô hình hoạt động của chính quyền, tôi thấy rất bỡ ngỡ. Các cán bộ đã hướng dẫn tôi tận tình về thủ tục xin xác nhận giấy tờ về đất đai, tôi thấy thủ tục hành chính được xử lý rất nhanh gọn giúp tôi tiết kiệm được thời gian chờ đợi.”

Bên trong điểm tiếp nhận, phường bố trí một cán bộ ở cổng tiếp đón để hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tới xử lý thủ tục hành chính. Để tránh quá tải, phường đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm, đặc biệt là qua ứng dụng Dịch vụ công quốc gia.

Được biết, những ngày qua các cán bộ đã làm việc hết công suất để bố trí nhân lực, sắp xếp tiếp nhận hồ sơ và cơ sở vật chất, chuẩn bị cho buổi làm việc đặc biệt hôm nay.

Phường Cầu Giấy được thành lập trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu (thuộc quận Cầu Giấy); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Quan Hoa, Yên Hòa (thuộc quận Cầu Giấy); Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 (thuộc quận Nam Từ Liêm).

Phường Cầu Giấy sử dụng trụ sở Quận ủy, HĐND, UBND quận Cầu Giấy hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội mới.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Nghĩa Đô.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường Nghĩa Đô.

Có mặt tại phường Nghĩa Đô, toàn bộ cán bộ, công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công phường theo phân công đã có mặt đầy đủ, bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ mới.

Trong ngày đầu chính quyền xã mới đi vào hoạt động, người dân phường Nghĩa Đô vui khi thấy chính quyền gần hơn với người dân. Nhiều người phấn khởi khi các thủ tục trước đây phải đi nhiều nơi, thời gian chờ đợi lâu, giờ được giải quyết ngay tại xã, giúp tiết kiệm thời gian đi lại cũng như chờ đợi.

Trụ sở UBND phường Nghĩa Đô.

Trụ sở UBND phường Nghĩa Đô.

Các bộ phận chủ động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc nhiều lĩnh vực thiết yếu gồm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu; đăng ký kết hôn; cấp giấy phép kinh doanh, giấy khai sinh... cho nhân dân.

Theo đó, công tác tiếp nhận, luân chuyển và trả kết quả đối với từng thủ tục được thực hiện qua 5 bước, gồm tiếp đón, hướng dẫn người dân đến khu vực cần giải quyết TTHC theo từng lĩnh vực.

Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ thực hiện TTHC; tiến hành tiếp nhận hồ sơ; chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền; giải quyết TTHC; trả kết quả cho tổ chức, công dân. Các hoạt động bảo đảm thông suốt, liên tục, hiệu lực, hiệu quả; sát dân, gần dân và phục vụ nhân dân tốt nhất.

Ngoài ra, trong sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã đi khảo sát, kiểm tra việc vận hành mô hình chính quyền 2 cấp tại UBND phường Hoàn Kiếm.

Sáng cùng ngày, 126 xã, phường cũng đồng loạt tiến hành kỳ họp thứ 1, HĐND cấp phường mới để bàn thảo, quyết nghị những nội dung thuộc thẩm quyền.

Trà Giang

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/ngay-dau-van-hanh-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-o-ha-noi-484442.html