Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: 'Vũ khí bí mật' để doanh nghiệp phát triển bền vững trong tình hình mới
Ông Darryl Dong - Kinh tế trưởng Tổ chức Tài chính quốc tế IFC tại Việt Nam - khẳng định: ESG là 'vũ khí bí mật' để doanh nghiệp phát triển bền vững, nhất là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao vị thế, cạnh tranh tốt hơn.
ESG là cụm từ viết tắt bởi Environmental (Môi trường); Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng, tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.
ESG đang được áp dụng để đo lường tính bền vững của một doanh nghiệp và được coi là một cơ hội để phát triển cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, không chỉ là các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế lớn mà ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, các tiêu chuẩn xã hội về môi trường đang trở nên ngày càng quan trọng đối với việc phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Kinh doanh bền vững hiện được coi là một trong những xu hướng lớn trên toàn cầu gắn liền chặt chẽ về vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Áp dụng kinh doanh bền vững sẽ không chỉ giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường trong nước, nước ngoài; tiếp cận được với các nguồn vốn xanh mà chính là phương thức để giúp doanh nghiệp có thể biến trách nhiệm tạo thành giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh.
Không nằm ngoài dòng chảy đó, tại Việt Nam, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh cũng đang trở thành xu thế tất yếu của nền kinh tế. Năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết đưa mức phát thải nhà kính tại Việt Nam về 0 (net-zero).
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050" nhằm thúc đẩy và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững một cách toàn diện.
Song song với đó, để hiện thực hóa 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, ngày 14/7/2023, Chính phủ đã phê duyệt "Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030". Trong đó, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và cộng đồng doanh nhân được nhấn mạnh như là một yếu tố thúc đẩy thành công các mục tiêu này.
Phát triển bền vững xóa bỏ khoảng cách giới
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển bền vững, ông Darryl Dong - Kinh tế trưởng Tổ chức Tài chính quốc tế IFC tại Việt Nam - khẳng định: ESG là "vũ khí bí mật" để doanh nghiệp phát triển bền vững, nhất là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao vị thế, cạnh tranh tốt hơn. ESG san bằng sân chơi không bình đẳng, mang lại danh tiếng cho doanh nghiệp, sự công nhận của thị trường và giá trị doanh nghiệp. Các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm những đối tác có nền tảng quản trị vững chắc, vượt xa hiệu quả tài chính để quản lý rủi ro, nâng cao vị thế doanh nghiệp, giảm chi phí, đảm bảo nhân sự và tăng cường mối quan hệ chất lượng với các bên liên quan.
"ESG mang lại danh tiếng cho doanh nghiệp, sự công nhận của thị trường và giá trị doanh nghiệp. Bạn nắm lấy ESG và bạn sẽ xây dựng những trụ cột về tính bền vững để giúp một doanh nghiệp hoạt động tốt đẹp", ông Darryl Dong nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm nhìn nhận phát triển bền vững là xu thế chung của doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giải thích cụ thể hơn: Kinh doanh bền vững là năng lực của các doanh nghiệp trong việc kiến tạo những tác động tích cực đến môi trường, xã hội và kinh tế, thể hiện qua các chiến lược phát triển của doanh nghiệp gắn với lĩnh vực ngành nghề, khu vực địa lý, và độ phủ thị trường của các doanh nghiệp. Kinh doanh bền vững không chỉ là gắn với lợi nhuận về kinh tế mà còn đảm bảo tiến bộ xã hội, giới và công bằng giới, tôn trọng và bảo vệ môi trường. ESG không phải là sự lựa chọn mà là rất nhiều cơ hội, là giá trị cạnh tranh của doanh nghiệp.
Các nữ doanh nhân cần làm gì để phát triển bền vững?
Nhận thức tầm quan trọng của phát triển bền vững, Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam cùng mạng lưới Hội nữ doanh nhân các tỉnh/thành đã đưa phát triển bền vững và tăng trưởng xanh vào mục tiêu và chương trình hành động cả năm với chủ đề "Kết nối giá trị xanh - Tạo tác động phát triển bền vững". Đây cũng là kim chỉ nam để các nữ doanh nhân vượt qua những khó khăn trong năm 2023-2024.
Theo chia sẻ của bà Hà Thu Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam, tại Diễn đàn doanh nhân nữ mùa thu 2023, để phát triển bền vững, trước hết, các nữ doanh nhân cần trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả. Một nhà lãnh đạo hiệu quả sẽ yêu cầu sự kết hợp của nhiều yếu tố: táo bạo, quyết đoán, tư duy, cơ hội… và quan trọng nhất là yếu tố văn hóa. Trong đó, văn hóa bao gồm văn hóa kinh doanh và văn hóa của người lãnh đạo, để kiến tạo ra văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa là yếu tố nội sinh trong doanh nghiệp.
Thứ hai, các nữ doanh nhân cần chú trọng đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đây là một yếu tố giúp tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, là nền tảng của phát triển bền vững. Văn hóa doanh nghiệp sẽ gồm 3 yếu tố: môi trường, quản trị công ty và nguồn vốn xã hội.
Thứ ba, các nữ doanh nhân cần lưu ý: Phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa kinh doanh là cơ hội, không phải là trách nhiệm tuân thủ. Văn hóa doanh nghiệp, trong đó có yếu tố uy tín (chữ Tín) kết hợp với trách nhiệm xã hội để tạo ra "nguồn vốn xã hội" chính là cách phát triển bền vững để doanh nghiệp vượt qua các cú sốc của thách thức phi truyền thống (như đại dịch, biến đổi khí hậu…).