Ngày hội của toàn dân

Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19/8 hằng năm là Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây là văn bản quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa và sự đóng góp to lớn của quần chúng nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trải qua 19 năm, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại tỉnh Sóc Trăng đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc tại địa bàn cơ sở.

Thời gian qua, với vai trò nòng cốt, lực lượng công an các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành và chỉ đạo triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Toàn tỉnh đã tổ chức 7.866 cuộc tuyên truyền với 172.272 lượt người tham dự; thông qua tiếng loa lưu động 1.706 cuộc; đăng tải, chia sẻ gần 2.500 lượt tin, bài trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo… Qua đó, giúp nhân dân nắm và hiểu rõ hơn về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, đã có hơn 1.000 nguồn tin có giá trị từ quần chúng nhân dân cung cấp cho lực lượng chức năng.

Tuyên truyền tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các sư sãi. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Tuyên truyền tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các sư sãi. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Toàn tỉnh có 40 loại mô hình được triển khai tại 603 điểm, trong đó có 8 loại mô hình tiêu biểu được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao và đang được nhân rộng. Một trong những mô hình tiêu biểu, phát huy hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn cơ sở là mô hình “Tiếng loa an ninh”. Tại thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), mô hình này đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, ổn định tình hình an ninh trật tự và thực hiện thắng lợi công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự xã hội. Được triển khai từ năm 2018 đến nay, mô hình đã nhân rộng tại 40 điểm trên địa bàn 9 huyện, thị xã với hơn 100 tổ và 512 thành viên tham gia. Mô hình “Tiếng loa an ninh” được Bộ Công an ghi nhận là hoạt động hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.

Quán triệt chỉ đạo của Bộ Công an về thực hiện Quyết định số 521/QĐ-TTg, ngày 13/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã tham mưu ban chỉ đạo các cấp tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024 với nhiều phong trào, hoạt động sôi nổi, thiết thực. Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân, tạo không khí thi đua sôi nổi trong cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Đến nay, đã có 112 điểm tổ chức thành công Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024, trong đó có 100 điểm cấp cơ sở, 11 điểm cấp huyện và 1 điểm cấp tỉnh.

Theo Đại tá Huỳnh Hoài Hận - Phó Giám đốc Công an tỉnh, bên cạnh việc thi đua thì công tác khen thưởng cũng được thực hiện kịp thời để biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong 8 tháng đầu năm 2024, đã có 161 tập thể, 386 cá nhân vinh dự được Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, Giám đốc Công an tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào và Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, củng cố, nhân rộng, nâng chất các mô hình, nhất là các mô hình hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, địa phương, khu dân cư.

Nhiều tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được khen thưởng. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Nhiều tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được khen thưởng. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Có thể khẳng định, Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã thực sự trở thành một món ăn tinh thần của toàn dân, trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn, tạo nên một thế trận lòng dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Từ đó cùng chung tay xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp.

ĐỨC TRUNG

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/vi-su-binh-yen-cua-nhan-dan/202409/ngay-hoi-cua-toan-dan-ceb4977/