Ngày hội của trẻ thơ

Thành phố lên đèn, tôi trở về sau ngày dài mải miết nơi huyện xa. Đang đi giữa những con đường hun hút gió chỉ có núi rừng và bóng đêm, thấp thoáng vài 3 ngôi nhà, vậy mà mới chạm chân vào vùng ngoại ô, nhà cửa đã san sát, ánh điện vui tươi, trông thích mắt.

Giữa chộn rộn màu sắc, âm thanh, chợt có tiếng trống hội vẳng xa, dừng xe lắng nghe, tiếng trống rõ dần. Từ một khúc cua của ngã 4, chiếc xe tải cỡ nhỏ được trang trí màu sắc đi chầm chậm đủ để cho người đi đường chiêm ngưỡng những “người bạn” thân quen của tuổi thơ, nào là chú Hề, chú Tễu, Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng... Theo từng nhịp bánh xe lăn, tiếng trống hội nhịp vang... Tết Trung thu sắp đến rồi, chỉ còn vài ngày nữa thôi! Trẻ em ở 2 bên đường ùa ra chào đón, reo hò.

Nhìn những đứa trẻ náo nức đón chờ Trung thu, tôi chợt nhớ những khoảng trời thơ ấu, nhớ những đêm Trung thu của hơn 30 năm về trước, dẫu không hiện đại, đủ đầy nhưng cũng ngập tràn những âm thanh vui tươi.

Mới chạm cửa mùa thu, còn cả vài tuần nữa mới đến tết, nhưng trẻ con trong xóm đã thi nhau sửa soạn. Ngoài chợ cũng có bán đồ trung thu đấy, nhưng nhà khó, nên chúng tôi rủ nhau làm những món đồ nhỏ xinh cho hội rước trăng.

Từ những vật liệu có sẵn như cây tre trong vườn, tờ báo cũ, quyển vở cũ, với đôi bàn tay còn vụng về nhưng đầy say mê của những đứa trẻ nghèo, sau vài buổi miệt mài, những chiếc đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân ngộ nghĩnh cũng ra đời. Cầm chiếc đèn ông sao dán giấy báo chằng chịt của các canh chị lớn phát cho, bọn trẻ chúng tôi thích mê, nhảy chân sáo trên đường quê. Đứa nào cũng háo hức, mong thời gian trôi thật nhanh để đến tối lại tụ họp ở bến nước đầu làng để khai đèn, tựa như 1 bước kiểm tra sản phẩm trước khi cất đi chờ ngày Trung thu.

Tối đó, khi vầng trăng non vừa ló ra khỏi ngọn tre, lũ trẻ trong xóm đã có mặt đông đủ như lời hẹn. Mấy anh chị lớn lấy cây nến cắt nhỏ làm ba, bốn khúc cho tiết kiệm rồi hơ nóng dán vào từng chiếc đèn. Chúng tôi như đàn gà con ngoan ngoãn và kiên nhẫn chờ đến lượt. Khi nến đã được dán đâu vào đó, 1 anh quẹt que diêm châm cho từng đèn. Một chiếc, hai chiếc rồi cả hai chục chiếc đèn bừng sáng. Trong đêm tối, ánh sáng từ những chiếc đèn hắt ra lung linh, chiếu rạng ngời lên những khuôn mặt bé thơ. Mọi người cười nói rôm rả, còn so xem đèn của ai đẹp hơn, sáng hơn. Có đứa vui quá cầm đèn chạy tung tăng khắp chỗ mà không hay ngọn lửa theo gió tạt liếm vào góc đèn. Những cánh đèn làm từ thanh nứa mỏng và tờ báo cũ giòn tan cứ bùng bùng cháy. Cậu bạn cầm chiếc đèn cháy khóc ầm ĩ. Cho đến khi dập được lửa bằng cách nhúng vội vào bến nước, thì chiếc đèn chỉ còn lại một màu đen sì, cậu bạn càng khóc to hơn. Mấy anh chị lớn phải ra dỗ dành, mai kia làm bù cho cái khác. Nhìn cậu bạn bị cháy đèn, lũ chúng tôi không ai bảo ai thổi phù ngọn nến, chăm chú nhìn cho đến khi tàn bấc tắt ngấm như để đảm bảo không còn mối nguy nào cho “báu vật” của mình mới thôi.

Háo hức chờ đợi cả nửa tháng trời rồi ngày chính hội cũng đến. Để trẻ thơ có ngày hội vui, làng tổ chức đêm hội Trung thu ở khu bãi đất trống phía ngoài đình làng. Chiều mát, các cô chú, anh chị ra dọn dẹp, rồi đi chặt hai cây tre to nhất về làm cột để căng phông, dán chữ. Và còn chặt thêm cây tre nhỏ cao vút treo khăn hồng, khăn đỏ dựng ngay giữa sân. Không chỉ ngoài sân, trong đình cũng vô cùng nhộn nhịp, các bà, các mẹ bày mâm ngũ quả rồi chuẩn bị đồ phá cỗ... Lũ trẻ chúng tôi thì cứ thập thò, lăng xăng mồ hôi toát loạt mà trong lòng ngập tràn niềm vui.

Màn đêm buông, vành trăng rằm mới ló phía chân trời, mà sân đình đã ken kín. Trăng nhô cao chút nữa, đoàn người nô nức nối đuôi nhau đi rước trăng. Đi đầu là đoàn múa sư tử, vừa đi vừa đánh trống vui mừng, tiếp theo là các em nhỏ tay cầm đèn ông sao, rồi có cả các cụ ông, cụ bà, già trẻ, gái trai trong làng. Đường làng quê không có điện như bây giờ, nhưng hôm đấy cũng rực sáng bởi ánh đèn từ ông sao của các em nhỏ. Đi một vòng quanh làng, đoàn người lại quay trở về nơi xuất phát, hân hoan bởi đã rước được chị Hằng và chú Cuội về vui cỗ đêm trăng. Tôi nhớ người lớn bảo, rước được chị Hằng và chú Cuội về trong đêm vui sẽ giúp cho cả làng quanh năm ấm êm. Thế nên, năm nào cũng vậy, dù trời có mưa, làng tôi cũng đều đi rước trăng về đình trong rằm tháng Tám.

Vui nhất đêm hội vẫn là màn phá cỗ trông trăng. Với những đứa trẻ của làng quê nghèo, thì đây quả là bữa liên hoan ngọt thịnh soạn nhất trong năm. Mắt đứa nào đứa nấy hoa lên trước những cặp bánh nướng, bánh dẻo thơm nức, ngọt ngào, những quả hồng, quả bưởi căng mọng. Vừa thỏa sức thưởng thức những món quà của mùa thu, chúng tôi vừa được tham gia các trò chơi tập thể do các anh chị đoàn viên tổ chức, nào là chơi truyền tay, hát đối, tìm người chủ trò… Trong đêm vui, những bạn học sinh chăm ngoan, học giỏi còn được nhận quà của làng. Ấp món quà là những cuốn vở thếp trong tay, chúng tôi thầm hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện, để mùa Trung thu sau sẽ vui hơn, ngọt ngào hơn…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/347391-ngay-hoi-cua-tre-tho