Ngày hội thắm tình đoàn kết

Những ngày này, khắp các khu dân cư trong tỉnh rộn ràng tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc- ngày hội gắn kết cộng đồng thông qua nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, tặng quà cho hộ nghèo, tuyên truyền pháp luật... với sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân. Các hoạt động trong ngày hội đã gắn kết tình làng, nghĩa xóm, cùng nhau chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Người dân khu Phượng Hùng 1, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Từ thành thị đến nông thôn, miền núi, tùy theo điều kiện, phong tục, tập quán của từng địa phương mà mỗi nơi lựa chọn cách tổ chức khác nhau nhưng vẫn bảo tồn, phát huy được giá trị, bản sắc văn hóa riêng. Đồng chí Nguyễn thị Quỳnh Châu - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Sơn cho biết: Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã thực sự trở thành ngày hội thắm tình đoàn kết, mang lại không khí thi đua sôi nổi ở các khu dân cư để thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc còn được tổ chức gắn với Ngày Pháp luật Việt Nam, các khu dân cư lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa...

Khu Đống Cả, xã Xuân Đài được huyện Tân Sơn chọn làm điểm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết gắn với kỷ niệm kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2022) từ đầu tháng 11. Ngày hội đại đoàn kết năm nay được tổ chức đúng dịp khởi công cầu vượt lũ Đống Cả. Để ngày khởi công diễn ra đúng kế hoạch, đảm bảo thi công theo tiến độ, Ban công tác mặt trận khu phối hợp với chính quyền xã tuyên truyền, vận động 19 hộ dân đồng thuận hiến hơn 11.000m2 đất làm cầu với mong muốn chung sức xây dựng quê hương. Trong ngày hội, đồng bào Mường phấn khởi trình diễn những điệu cồng chiêng, chạm ống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Không chỉ ở Đống Cả, người dân khu Hồ xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, khu Đình Cả, xã Hưng Long, huyện Yên Lập, khu Phượng Hùng 1 xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, khu 10 xã Sơn Vy, huyện Lâm Thao... đã tổ chức nhiều hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường, giao lưu văn hóa văn nghệ, TDTT, các trò chơi dân gian, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, đón nhận Quyết định công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong xây dựng nông thôn mới, tặng quà cho hộ nghèo...

Từ nhiều năm nay, các khu dân cư còn tổ chức bữa cơm đại đoàn kết trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông thường bà con chọn ngày thứ bảy hoặc chủ nhật gần với ngày kỷ niệm để tổ chức và sum họp bên bữa cơm đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư. Để chuẩn bị cho bữa cơm đại đoàn kết, mỗi khu dân cư có những hình thức khác nhau, có khu chung nhau nuôi lợn, nuôi bò từ vài tháng trước, góp rau, góp gạo, có khu người dân phân công nhau đi chợ mua thực phẩm rồi cùng nhau chế biến các món ăn, trong đó nhiều khu dân cư ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập chế biến những mâm cỗ lá với những món ăn đặc trưng của vùng cao như: Xôi ngũ sắc, rau dớn, măng chua, cá suối...

Chị Nguyễn Thanh Hương, khu Thông Đậu, phường Minh Nông chia sẻ: Bữa cơm đại đoàn kết của khu được tổ chức vào chủ nhật nên các gia đình tham gia rất đông đủ, vui vẻ vì ngày thường ai cũng bận công việc nên cơ hội gặp nhau đông đủ là rất hiếm, mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống. Nhờ bữa cơm đại đoàn kết mà chúng tôi hiểu nhau hơn, từ đó tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết.

Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/ngay-hoi-tham-tinh-doan-ket/188695.htm