Ngày không còn mẹ

Covid-19 đã khiến mẹ rời xa Hiển khi cậu chuẩn bị vào đại học. Đại dịch cũng cướp đi ngoại và mẹ của Sa khi em bước vào lớp một.

6h sáng, ông Hùng chậm rãi đẩy xe xôi về phía đường Thành Thái. Di chứng từ lần nhiễm Covid-19 khiến các khớp xương yếu đi, ông thường xuyên bị đau.

Vừa dựng chiếc xe ở góc đường quen, một vị khách ghé đến hỏi: “Sao bữa nay chú bán một mình? Cô đâu rồi chú?”

Lặng đi vài giây, đôi mắt đỏ cay, ông Hùng nói: “Vợ tôi mất rồi!”

"Con và ba, trái tim sẽ luôn hướng về mẹ"

Ông Hùng (58 tuổi, ở quận 10, TP.HCM) lau giọt nước trên mắt. Những ngày qua, hễ nhắc đến người vợ quá cố, ông lại không nén được cảm xúc.

Đêm 22/7, sau nhiều ngày sốt, vợ ông Hùng trở nặng. Nỗ lực gọi xe cấp cứu bất thành, hai cha con dùng xe máy chở bà đến bệnh viện. Tuy nhiên thời điểm đó, tất cả cơ sở y tế đều từ chối tiếp nhận vì người bệnh chưa có kết quả xét nghiệm Covid-19.

Trở về trong bất lực, gia đình đã cầu cứu cơ sở y tế ở phường, nhưng sáng hôm sau, bà không qua khỏi. “Căn bệnh tắc nghẽn mạch máu đã khiến tình trạng của vợ tôi chuyển biến quá đột ngột”, ông Hùng kể.

Ngay sau đó, ông Hùng và cậu con trai Vinh Hiển (18 tuổi) được xác định dương tính với SARS-CoV-2, phải cách ly, điều trị tại nhà.

 Trước đây, ông Hùng làm bảo vệ ở công ty. Buổi sáng, ông phụ vợ đẩy xe xôi ra bán ở đường Thành Thái, quận 10. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Trước đây, ông Hùng làm bảo vệ ở công ty. Buổi sáng, ông phụ vợ đẩy xe xôi ra bán ở đường Thành Thái, quận 10. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Thấy con trai khóc vì nhớ mẹ, ông Hùng cũng không kìm được nước mắt. Nỗi buồn phiền và bệnh tật nhấn chìm hai cha con trong chuỗi ngày cách ly.

Có hôm, cảm nhận sức khỏe dần yếu đi, ông Hùng lấy hết giấy tờ quan trọng đưa cho Hiển giữ. Ông sợ không qua khỏi, còn cậu con trai cố gắng trấn an, động viên phải lạc quan. Nghe lời con, ông Hùng tập các bài hít thở, tăng cường vận động để cải thiện sức khỏe.

“Trước đây, mỗi lần tôi hay thằng Hiển bệnh đều có vợ tôi chăm sóc. Giờ thì hai cha con phải tự chăm lo cho nhau”, ông Hiển nhìn quanh căn nhà không hiện diện hình dáng người phụ nữ. Thương hoàn cảnh của họ, chủ nhà trọ và láng giềng thường xuyên hỗ trợ lương thực, thuốc men để hai cha con vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Giữa tháng 9, Hiển đỗ vào Đại học Công nghệ Sài Gòn. Niềm vui chưa trọn vẹn thì áp lực về học phí một lần nữa khiến cha con phải trăn trở. Ông Hùng thất nghiệp nhiều tháng nay, gia đình liên tiếp xảy biến cố khiến kinh tế kiệt quệ.

Dẫu khó, ông Hùng vẫn tìm cách xoay xở để con được đi học. Nhận số tiền hỗ trợ từ chính quyền địa phương và người thân, ông Hùng cho biết trước mắt đã nộp được tiền học phí kỳ 1 cho Hiển.

 Ông Hùng trở lại với việc bán xôi để kiếm thu nhập. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Ông Hùng trở lại với việc bán xôi để kiếm thu nhập. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Trưa 19/10, Vinh Hiển hồ hởi đến trường để bổ sung hồ sơ nhập học, chuẩn bị trở thành tân sinh viên. Ông Hùng nhẹ lòng phần nào, chí ít là với người vợ đã mất. Ông tranh thủ rửa nồi, xoong và chuẩn bị nguyên liệu để hôm sau đi bán xôi.

Hôm cúng 49 ngày, Vinh Hiển viết lên trang cá nhân của cậu: “Mẹ hãy vui ở thế giới bên kia. Con và ba, trái tim lúc nào cũng hướng về mẹ”.

"Mẹ con về chưa ngoại?"

“Cô mời bạn Sa đọc lớn các chữ cái hiện trên bảng nào”

Bé Trần Sa Sa (6 tuổi) chăm chú nhìn vào chiếc máy tính bảng, đọc to từng chữ theo lời cô giáo hướng dẫn. Căn phòng ẩm thấp, xập xệ với ngổn ngang đồ đạc là nơi ở của ông bà ngoại và hai mẹ con bé Sa.

Thế nhưng, Covid-19 đã cướp đi bà ngoại và mẹ của Sa trong cùng một ngày. Giờ đây, em sống cùng ông ngoại và gia đình bà Trương Huệ Phân (em gái của ngoại bé Sa).

 Chính quyền địa phương hỗ trợ bé Sa một chiếc máy tính bảng để em học online trong giai đoạn giãn cách. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Chính quyền địa phương hỗ trợ bé Sa một chiếc máy tính bảng để em học online trong giai đoạn giãn cách. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Bà Trương Huệ Phân cho biết ngày 24/7, đội xét nghiệm lưu động đến đường Nguyễn Duy Dương (quận 5) để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Kết quả cho thấy tất cả thành viên trong gia đình đã nhiễm SARS-CoV-2. Họ được đưa đi điều trị tại bệnh viện dã chiến số 8.

Bốn ngày sau khi nhập viện, chị X. (mẹ của bé Sa) chuyển nặng, phải đưa sang phòng cấp cứu. Sáng 29/7, bác sĩ thông báo chị X. không qua khỏi. Nhận tin con gái đột ngột qua đời, bà T. (ngoại của bé Sa) suy sụp tinh thần. Đêm hôm đó, bà qua đời.

Nhiều ngày không thấy mẹ, bé Sa liên tục khóc và hỏi: “Mẹ con về chưa ngoại?”

Để cô bé yên tâm điều trị bệnh, bà Huệ Phân đành nói dối rằng mẹ đang được điều trị ở phòng cấp cứu, vài bữa nữa hết bệnh mẹ sẽ về với Sa. Khi Ban chỉ huy quân sự phường đưa tro cốt của mẹ và bà ngoại về nhà, Sa mới được biết sự thật.

“Cha mẹ của Sa chia tay từ khi nó còn nhỏ xíu. Hai mẹ con về sống cùng ông bà ngoại mấy năm nay. Giờ mẹ mất, ngoại cũng mất, con bé khóc nhiều lắm” bà Huệ Phân nói.

Hiểu những mất mát và khó khăn của hai ông cháu bé Sa, gia đình bà Trương Huệ Phân luôn cố gắng giúp đỡ hai ông cháu. “Bé còn quá nhỏ để đối diện với những mất mát này. Tôi sẽ thay ngoại và mẹ, đi cùng bé những ngày sắp tới”, bà Huệ Phân tâm sự.

 Dù cuộc sống còn khó khăn, bà Huệ Phân sẽ thay mẹ và ngoại, đồng hành với bé Sa những ngày phía trước. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Dù cuộc sống còn khó khăn, bà Huệ Phân sẽ thay mẹ và ngoại, đồng hành với bé Sa những ngày phía trước. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Toàn Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngay-khong-con-me-post1271829.html