Ngày kỹ năng nghề Việt Nam: Phát triển kỹ năng nghề gắn với học tập suốt đời

Cách mạng công nghệ 4.0 với nhiều đột phá về công nghệ dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lao động, các hệ thống tự động dần thay thế lao động thủ công, ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm của lao động trình độ thấp.

Nhiều nghề nghiệp cũ sẽ mất đi, thay vào đó là sự xuất hiện của nhiều nghề nghiệp mới trong các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet di động, công nghệ điện toán đám mây, robot trong công nghiệp và gia đình, thực tế ảo, nông nghiệp công nghệ cao... đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sinh viên Lớp cơ điện tử 15 tự lập trình điều khiển các hoạt động robot tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Sinh viên Lớp cơ điện tử 15 tự lập trình điều khiển các hoạt động robot tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Việc nâng cao kỹ năng của lao động, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu là yêu cầu cấp thiết đặt ra của nền kinh tế và cũng là thách thức lớn, đòi hỏi hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ.

Đào tạo giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao bước đầu đã đạt được một số kết quả, tạo được sự đồng thuận, tham gia của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân. Cơ chế chính sách cho giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao ngày càng hoàn thiện. Các bậc trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp được hình thành theo hướng mở, liên thông, phù hợp với hệ thống giáo dục nghề nghiệp các nước trên thế giới. Mạng lưới trường cao đẳng chất lượng cao được hình thành, tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế.

Kết quả tuyển sinh thời gian qua cũng đạt được các kết quả đáng ghi nhận. Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2014 - 2023 đạt 21.238 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng đạt 1,716 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%). Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của cả nước năm 2023 đạt 27,6%; đến quý II/2024 đạt 28,1%. Các ngành, nghề có kết quả tuyển sinh cao tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ngành, nghề phổ biến, có nhu cầu sử dụng lao động cao trong xã hội như: các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin; du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn... Trong đó có nhiều ngành nghề mới, đào tạo xanh cũng đã được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm, chuyển hướng đào tạo.

Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng vụ Đào tạo chính quy, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề, bảo đảm tính khoa học, hiện đại, hệ thống, thực tiễn, linh hoạt, đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, vận dụng kiến thức kỹ năng của người học vào thực hành. Một số trường đã nghiên cứu và áp dụng mô hình "đào tạo kép" phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và đào tạo tại doanh nghiệp. Trong đó, học sinh, sinh viên học thực hành tại trường 6 - 7 tháng; học tại doanh nghiệp 3 - 4 tháng.

Tại một số địa phương đã làm tốt cơ chế phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp, đặc biệt đã hình thành mô hình "1+1+1" với cơ chế "5 cùng": cùng đào tạo nhân tài, cùng sử dụng tài nguyên, cùng quản lý quá trình, cùng gánh vác trách nhiệm, cùng hưởng thành quả. Mô hình "1+1+1" thực hiện làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (năm thứ nhất) tại trường học: Giáo dục khi nhập học, học tại trường, với môn học, mô đun cơ sở và hướng dẫn định hướng nghề nghiệp.

Giai đoạn 2 (năm học thứ 2) tại trung tâm đào tạo: sinh viên tham gia khóa học tập, huấn luyện kỹ năng chuyên ngành, học tập kết hợp với thực hành để hình thành tố chất nghề nghiệp, được vận hành, thao tác các thiết bị sản xuất, rèn luyện tác phong công nghiệp. Giai đoạn 3 (năm học thứ 3) tại hiện trường sản xuất giúp sinh viên thích ứng với vị trí làm việc, nhằm xác định rõ mục tiêu phát triển; rèn luyện, nâng cao kỹ năng nhận thức về văn hóa doanh nghiệp, thực tập làm quen với vị trí việc làm.

Đặc biệt, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể đảm nhận giảng dạy đến 40% thời lượng của chương trình đào tạo. Thông qua các hoạt động phối hợp, doanh nghiệp đã tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, nhất là việc xây dựng chuẩn đầu ra, định mức kinh tế - kỹ thuật; cử cán bộ, chuyên gia đến giảng dạy các chuyên đề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tham gia hướng dẫn, đánh giá học sinh, sinh viên thực hành, thực tập tại doanh nghiệp...

Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đã chuyển biến tốt hơn, kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên được nâng lên, đa số người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Tại một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỷ lệ người học tìm được việc làm đạt gần 100%. Ở các chương trình chất lượng cao, nhiều học sinh đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi tay nghề cấp quốc gia, khu vực ASEAN, thế giới nhiều người có khả năng đảm nhận được một số vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Đào tạo linh hoạt theo hướng cầu của thị trường lao động

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao nhưng vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Theo nhận định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghề nghiệp triển khai chậm. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở nước ta còn thấp hơn so với các nước phát triển..., chủ yếu là Trung học Cơ sở (67%); trình độ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng còn chiếm tỷ lệ cao (75%). Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đủ điều kiện đào tạo nhân lực tay nghề cao, việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động...

Bên cạnh đó, việc dự báo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế. Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội cũng hạn chế, cơ cấu đào tạo theo ngành, nghề, trình độ đào tạo chưa được quy hoạch lâu dài…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động cả nước từ 15 tuổi trở lên đạt 52,5 triệu người. Cả nước có 51,4 triệu người có việc làm, tăng 195,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê đánh giá, nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng, nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững, khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng 65% (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản). Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng (tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế) của Việt Nam thường dao động ở mức 4% (quý II/2024 là 4,2%).

Đào tạo theo hướng cầu đã trở thành cách tiếp cận đào tạo có hiệu quả và đang được thực hiện rất thành công ở các quốc gia phát triển. Chương trình việc làm toàn cầu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), đã khuyến cáo các quốc gia tổ chức đào tạo nghề linh hoạt theo hướng cầu của thị trường lao động, nhằm tạo việc làm bền vững. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cũng đã nêu rõ, phát triển kỹ năng nghề gắn với học tập suốt đời sẽ là xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thế kỷ XXI, coi kỹ năng nghề là tiền tệ của thế giới trong thế kỷ này.

Khuyến nghị các giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao nhằm thực hiện đột phá chiến lược về phát triển toàn diện nguồn nhân lực đến năm 2030, Tiến sỹ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề cho rằng: Cần quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng đào tạo thực hành chất lượng cao quốc gia, vùng.

Cùng đó, cần xây dựng thông tin, dữ liệu nhu cầu và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy nhanh chuyển đổi số tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp; gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững; tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó phải có sự gắt kết chặt chẽ với thực tiễn của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo kỹ năng, thực hành, kỹ năng số, ngoại ngữ... xây dựng được các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế... - Tiến sỹ Phạm Vũ Quốc Bình nêu rõ.

Phúc Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ngay-ky-nang-nghe-viet-nam-phat-trien-ky-nang-nghe-gan-voi-hoc-tap-suot-doi-20241004094423566.htm