Phát huy hiệu quả trung tâm học tập cộng đồng
Thời gian qua, các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí và giúp nhân dân lựa chọn, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả, giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động nông thôn.
Cách trung tâm huyện Quỳnh Nhai 40 km, xã Mường Chiên có 3 bản, với hơn 400 hộ, 1.700 nhân khẩu. Năm 2016, xã Mường Chiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Với mục tiêu quyết tâm giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới, xã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Ông Lò Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã, Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Mường Chiên, cho biết: Hằng năm, Trung tâm tổ chức khảo sát, tổng hợp nhu cầu tư vấn, học tập của người dân trên địa bàn. Từ đó, kết nối với các đơn vị liên quan của tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề tại Trung tâm và các bản. Đồng thời, tư vấn, giới thiệu việc làm cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, kết nối giúp lao động trên địa bàn có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sau học tập, tư vấn hơn 60% các hộ dân đã áp dụng các mô hình cây trồng, vật nuôi; nhiều người lao động đã tìm được việc làm ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân đạt trên 39 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,19%.
Bà Hoàng Thị Đo, bản Quyền, xã Mường Chiên, chia sẻ: Sau khi tham gia hội nghị tuyên truyền, thông tin thị trường lao động do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tại xã, tôi đã vận động con trai, con dâu tôi đăng ký đi làm công nhân tại khu công nghiệp Đại Đồng, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay, thu nhập của các con từ 9 triệu đồng/người/tháng trở lên. Sau hơn 3 năm đi làm, gia đình các con tôi đã thoát nghèo và mua sắm được đồ dùng sinh hoạt, sửa chữa được nhà ở khang trang hơn.
Còn anh Hoàng Văn Quyết, bản Ít Ta Bót, xã Chiềng Khay, năm 2017 sau khi được tư vấn về nghề mây tre đan truyền thống tại Trung tâm học tập cộng đồng huyện và được tham quan mô hình làm bàn ghế tre tại Mộc Châu, anh đã làm thí điểm tại gia đình. Anh Quyết chia sẻ: Sau mấy tháng học hỏi kỹ thuật, tôi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đến nay các sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và thẩm mỹ. Hiện nay, mỗi tháng gia đình tôi sản xuất từ 3-4 bộ bàn ghế, mỗi bộ có giá từ 2-3 triệu đồng, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Sản phẩm bàn, ghế tre của gia đình tôi được khách hàng trong và ngoài huyện ưa chuộng, nên đầu ra sản phẩm ổn định.
Hiện nay, Huyện Quỳnh Nhai có 11 trung tâm học tập cộng đồng các xã hoạt động ổn định, hiệu quả. Trong đó, 100% trung tâm có máy tính kết nối internet, tủ sách cộng đồng, thiết bị âm thanh phục vụ các hoạt động; 100% các xã trên địa bàn huyện đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập” cấp xã. Từ đầu năm đến nay, các trung tâm đã phối hợp với các đoàn thể và cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức 12 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản cho 900 lượt học viên ở các xã, bản. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tuyên truyền chính sách việc làm và thông tin thị trường lao động, tư vấn việc làm cho trên 300 lượt người. Toàn huyện có 4.700 lao động làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh và 23 doanh nghiệp trên địa bàn, thu nhập từ 9 triệu đồng/người/tháng trở lên. Trên địa bàn huyện còn có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như nuôi cá lồng, trồng mắc ca, trồng sa nhân tím, trồng cây ăn quả trên đất dốc...
Hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã phát huy hiệu quả, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong xây dựng, tổ chức các hoạt động của trung tâm, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.