Ngày làm việc đầu tiên tại Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Sau khi đến Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dự lễ đón cấp Nhà nước, có những cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam và dự chiêu đãi cấp Nhà nước trong ngày 14/4.

Trưa 14/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường. Đây là lần thứ tư ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước Trung Quốc.

Chủ tịch nước Lương Cường ra sân bay Nội Bài đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc. Ngay sau khi chuyên cơ đến Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có tuyên bố về chuyến thăm, nhấn mạnh sự tin tưởng vào con đường phát triển của Việt Nam và tương lai quan hệ hai nước.

Chiều 14/4, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì lễ đón trọng thể Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Khi quân nhạc cử quốc thiều hai nước, 21 loạt đại bác rền vang tại Hoàng thành Thăng Long, chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam.

Sau lễ đón cấp Nhà nước tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng di chuyển về Trụ sở Trung ương Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trước khi hội đàm chính thức.

Trước khi tiến hành hội đàm chính thức, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp hẹp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo hình thức Tiệc trà.

Tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí duy trì giao lưu cấp cao thường xuyên, nâng cấp cơ chế Đối thoại chiến lược giữa các Bộ Ngoại giao - Quốc phòng - Công an lên cấp Bộ trưởng; tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, thành lập Ủy ban hợp tác đường sắt giữa hai Chính phủ để thúc đẩy hợp tác đường sắt; tổ chức tốt các hoạt động của “Năm giao lưu nhân văn Trung Quốc - Việt Nam 2025”, củng cố nền tảng xã hội; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; kiểm soát và giải quyết thỏa đáng bất đồng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, luôn ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Về phần mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai bên duy trì thường xuyên trao đổi chiến lược, tăng cường hợp tác hai Đảng và trong các lĩnh vực trọng yếu, thường xuyên là ngoại giao, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông chiến lược, dành những ưu đãi tốt nhất về vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, nỗ lực cao nhất trong triển khai để bảo đảm tiến độ dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Sau hội đàm, Tổng Bí thư hai nước đã cùng xem và nghe giới thiệu về 45 văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết giữa các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước, thể hiện thành quả phong phú, toàn diện mà hai bên đạt được trong chuyến thăm lần này.

Chiều 14/4, tại cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, trong đó, dành ưu tiên cao cho hợp tác đường sắt, nhất là về tín dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, sớm ký Hiệp định vay vốn ODA để kịp khởi công xây dựng tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và tiếp theo là các tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; thúc đẩy thương mại phát triển cân bằng, bền vững, tạo điều kiện cho nông sản và các mặt hàng khác của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc; đẩy mạnh hợp tác phát triển lực lượng sản xuất mới, trọng tâm là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; sớm có các dự án lớn mang tính biểu tượng của quan hệ hai nước tại Việt Nam.

Chiều tối cùng ngày, trong cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã trở thành một trụ cột quan trọng, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của quan hệ song phương. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò của kênh hợp tác nghị viện trong việc thúc đẩy đối thoại chiến lược, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề lớn, qua đó củng cố lòng tin chính trị và tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến hợp tác giữa hai nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí việc hai bên cần tăng cường trao đổi kênh Đảng, Nhân đại/Quốc hội, Chính hiệp/Mặt trận Tổ quốc, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, cùng nhau xây dựng hành lang pháp lý vững chắc cho các dự án hợp tác lớn.

Tối 14/4, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát biểu tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Đứng trên khởi điểm lịch sử mới, Trung Quốc sẵn sàng cùng với Việt Nam không quên ước nguyện hữu nghị ban đầu và cùng chung sứ mệnh bám sát mục tiêu tổng thể 6 hơn thúc đẩy xây dựng vững chắc Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc Việt Nam và chung tay đi theo con đường hiện đại hóa XHCN mang lại càng nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước và đóng góp cho việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lại của nhân loại".