Tôi là Hoàng Hồng, bác sĩ phụ trách khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tôi hoàn thành chương trình Fellowship về phẫu thuật thẩm mỹ của Bệnh viện đa khoa Massachusetts (MGH), Trường Đại học Y Harvard (Mỹ).
Đúng 7h, tôi bắt đầu ngày làm việc bằng buổi họp giao ban để trao đổi về bệnh nhân nhập viện, xuất viện, theo dõi sau mổ, chờ mổ. Lúc này, tôi và các đồng nghiệp cũng sẽ thảo luận về những ca bệnh khó, chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Sau buổi họp ngắn, tôi cùng các bác sĩ trong khoa đi buồng thăm bệnh nhân đang điều trị nội trú. Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ có tổng 20 giường bệnh và luôn trong tình trạng kín bệnh. Không chỉ phẫu thuật thẩm mỹ, phục vụ nhu cầu làm đẹp của người dân, chúng tôi còn phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhân chưa hoàn hảo về mặt hình thể hay chức năng do chấn thương, dị tật bẩm sinh, ung thư phải cắt bỏ, di chứng bỏng…
Khi tôi trở về phòng khám, đã có rất nhiều bệnh nhân ngồi chờ. Ca đầu tiên hôm nay tôi khám là cháu bé 10 tuổi, bị sụp mi bẩm sinh, đã phẫu thuật một lần tại cơ sở y tế khác nhưng kết quả không như mong đợi. Hiện nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật chỉnh sụp mi như cắt ngắn cơ nâng mi, treo cơ trán…Bác sĩ sẽ đánh giá tùy theo từng tình trạng bệnh nhân, độ tuổi, chức năng cơ nâng mi… để quyết định thời điểm và phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ.
Tiếp theo, một bệnh nhân khác đến tái khám sau 12 ngày phẫu thuật thẩm mỹ. Trước đó, cô gái này đã phẫu thuật cắt mí, nâng mũi và độn cằm. Cô ấy từng rất tự ti vì gương mặt trông mệt mỏi, già hơn tuổi.
Sau thẩm mỹ, cô ấy đến gặp tôi với nụ cười rạng rỡ, phong thái tự tin và rất hài lòng với kết quả hiện tại.
Trong ngày, chúng tôi cũng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến “cầu cứu” vì gặp biến chứng khi thẩm mỹ. Một số trường hợp thường gặp như biến chứng khi tiêm filler. Tôi chỉ định cho bệnh nhân đi siêu âm, sau đó dựa trên kết quả chẩn đoán hình ảnh để có hướng điều trị tốt nhất.
Đặc biệt, có trường hợp xảy ra biến chứng nặng như nữ bệnh nhân này. Chị đã hút mỡ, tạo hình thành bụng tại một cơ sở bên ngoài với giá 60 triệu đồng. Bệnh nhân kể lại vị bác sĩ này tự xưng công tác tại BV Đại học Y Hà Nội nên tin tưởng. Tuy nhiên, sau 2 tuần, chị vẫn còn đau rát vùng bụng, ớn lạnh, mệt mỏi. Sau khi kiểm tra, chúng tôi ghi nhận vùng bụng của chị đang tụ dịch, hoại tử vết mổ… và cần được xử trí loại bỏ.
Sau khi khám cho một số bệnh nhân, tôi bắt tay vào ca phẫu thuật đầu tiên trong ngày. Tôi được thông báo hôm nay sẽ có 7 ca tiểu phẫu cắt mí, nâng mũi. Để công việc khoa học, đảm bảo sức khỏe, tôi thường sắp xếp những ngày mổ đại phẫu và tiểu phẫu xen kẽ nhau.
Thực hiện những ca đại phẫu, cần tạo hình sẽ vất vả hơn. Những ca tốn nhiều thời gian nhất thường là vi phẫu, chuyển các vạt tổ chức từ nơi này đến nơi khác để tái tạo lại cơ quan, bộ phận hoặc nối bộ phận đứt rời. Các thao tác cần rất tỉ mỉ, phải phối hợp nhiều chuyên khoa, có thể lên tới 4-5 giờ. Phẫu thuật tạo hình rất cần sự linh hoạt, khéo léo, sáng tạo nên tôi càng yêu thích.
Bệnh nhân tôi đang phẫu thuật chỉnh sửa mí mắt cũng là một nạn nhân của biến chứng thẩm mỹ do can thiệp ở cơ sở chui. Đáng nói, bệnh nhân sửa đi sửa lại tới 3 lần tại cùng một địa chỉ. Thời gian đầu sau thẩm mỹ hỏng, bệnh nhân bị lật mí trên, mí quá sâu, nhắm mắt không kín. Trong suốt 3 năm, người phụ nữ này luôn cảm thấy mặc cảm, không dám ra khỏi nhà.
Với một ca cắt mí thông thường, tôi thường mất 45-60 phút. Tuy nhiên, với ca biến chứng, tôi mất gấp 1,5-2 lần thời gian để xử lý. Tôi thực sự lo ngại vì hiện nay người dân dường như đang quá dễ dãi với việc thẩm mỹ. Chúng tôi phải học 6 năm tại trường Y, cộng thêm hàng nhiều năm đào tạo chuyên sâu về thẩm mỹ mới dám thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ. Thế nhưng, không ít bệnh nhân đang trao tính mạng của mình vào tay những người không được đào tạo về thẩm mỹ, thực sự là quá dại dột và nguy hiểm.
Mảng tạo hình nhiều vất vả hơn. Những bệnh nhân cần cấp cứu, dù nửa đêm, chúng tôi cũng vẫn có mặt để phẫu thuật. Không phải cứ phẫu thuật xong là có thể yên tâm “kê cao gối ngủ”, bác sĩ cũng phải đối mặt với nguy cơ thất bại. Mảng phẫu thuật thẩm mỹ tưởng chừng nhẹ nhàng hơn nhưng bác sĩ lại có áp lực liên quan đến sự hài lòng của bệnh nhân.
Khi có thời gian rảnh trong ngày, tôi tranh thủ nghiên cứu thêm tài liệu, viết báo cáo, làm các đề tài khoa học. Tôi luôn quan niệm rằng đã làm thì phải làm cho nghiêm túc, hết mình. Thành công chỉ đến nếu chăm chỉ, tâm huyết và đặt cả cảm xúc vào nó. Sự khắc nghiệt sẽ đan xen với những thành tựu ngọt ngào.
Các cuộc hội chẩn trong khoa hoặc cùng khoa phòng khác cũng thường xuyên được tổ chức, đặc biệt với ca bệnh phức tạp. Đây là bệnh nhân ung thư vú, phải cắt bỏ một bên ngực. Bệnh nhân đã trải qua quãng thời gian dài đau khổ bởi khiếm khuyết của cơ thể. Việc tái tạo lại ngực giúp chị lấy lại tinh thần và mạnh mẽ hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.
Nhiều người hỏi tại sao tôi lại từ bỏ cơ hội tốt là ở lại Mỹ làm việc. Ở Mỹ đúng là tốt hơn nhưng Việt Nam cũng rất đầy đủ, tôi chọn hướng về quê hương. Tôi chỉ nghĩ rằng mình sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sống trong văn hóa của người Việt. Hơn thế, chính nhờ sự rèn giũa của gia đình, thầy cô, tôi mới đến được Harvard. Tôi muốn đóng góp chút sức nhỏ của mình cho cộng đồng.
Việt Linh - Phương Anh