Ngày làm việc thứ 12, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách nhà nước.

Đại biểu Trần Văn Tiến đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Đại biểu Trần Văn Tiến đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực NN&PTNT, gồm công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản; giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trực tiếp trả lời các câu hỏi.

Tại phiên chất vấn, đã có 53 đại biểu đăng ký với các vấn đề: Quản lý giá phân bón, xử lý tình trạng phân bón giả, kém chất lượng; xử lý vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía Bắc; xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; quy hoạch vùng chuyên canh phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng được mùa mất giá; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là vùng dân tộc, miền núi; giải pháp đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp đột phá để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở nông thôn…

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: Hiện nay, xuất khẩu nông sản Việt Nam chủ yếu chưa qua chế biến nên giá trị xuất khẩu cũng như giá trị gia tăng thấp.

Để nâng cao giá trị xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ trưởng có định hướng hay giải pháp như thế nào? Thời gian qua, tình trạng ùn tắc dài ngày tại các cửa khẩu đã làm hư hỏng hàng hóa xuất khẩu nông sản, gây thiệt hại cho người dân sản xuất và kinh doanh. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp để khắc phục tình trạng trên?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.

Bộ NN&PTNT chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc; vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành Nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. Nước ta làm nông nghiệp nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ phân bón, thuốc, nguyên liệu chế biến thức ăn. Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT có giải pháp nhằm nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp, để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro thị trường.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thông qua các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Tham tán thương mại nước ngoài, Bộ NN&PTNT cùng với các bộ đã xây dựng 3 thị trường lớn và đề án riêng cho từng loại thị trường, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, thị trường EU và thị trường Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng, mỗi loại thị trường có chuẩn mực, tiềm năng và có quy định rào cản riêng. Do vậy cần xây dựng đề án riêng, tránh tình trạng "đi buôn chuyến" để có chương trình xúc tiến bài bản tiếp cận thị trường với số đông doanh nghiệp tham gia hơn. Từ những loại thị trường đó sẽ chuẩn hóa các vùng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng, với đề án này, các doanh nghiệp Việt Nam trong từng loại thị trường sẽ kết nối với nhau. Như vậy, nhìn vào lăng kính thị trường để điều chỉnh lại tổ chức sản xuất phù hợp với từng mùa vụ, từng vùng nguyên liệu cụ thể…

Linh Duy

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/78239/ngay-lam-viec-thu-12-ky-hop-thu-3-quoc-hoi-khoa-xv-quoc-hoi-bat-dau-phien-chat-van.html