Ngày làm việc thứ 3, đợt 2, Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV: Tiếp tục thảo luận về tình hình KT-XH và ngân sách Nhà nước
Ngày 4/11, Kỳ họp thứ mười, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình KT-XH và ngân sách Nhà nước (NSNN).
Phát biểu thảo luận, đại biểu Quách Thế Tản, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đánh giá cao những thành tích nổi bật của ngành giáo dục. Tuy nhiên, theo đại biểu, lĩnh vực đào tạo cũng còn một số tồn tại, hạn chế: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chất lượng chưa đồng đều. Cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, lại xuống cấp, nhất là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa được chú trọng đúng mức, chưa có giải pháp hữu hiệu. Việc phối hợp 3 môi trường giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội còn thiếu chặt chẽ. Việc quản lý sách giáo khoa (SGK) và tài liệu tham khảo còn bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc đào tạo nhân lực còn bất cập cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển KT-XH của đất nước. Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên, đại biểu đề xuất: Quan tâm đến chất lượng thẩm định SGK, trước mắt có các giải pháp phù hợp để khắc phục những nội dung còn khiếm khuyết của SGK môn Tiếng Việt lớp 1. Tiếp đó là, việc chỉ đạo giám sát việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt các bộ SGK tiếp theo đối với các lớp tiếp theo. Ngành giáo dục ở các địa phương cần quy hoạch, rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, nhất là việc sắp xếp, sáp nhập các điểm trường lẻ cách trường tiểu học và THCS. Tăng cường nội dung, biện pháp giáo dục lao động đối với học sinh ở bất cứ các bậc học và tùy theo lứa tuổi vì đây là một trong những nguyên tắc giáo dục rất cơ bản để hình thành nhân cách cho người học. Việc tinh giản biên chế 10% chưa phù hợp với đặc thù ngành giáo dục. Đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu kỹ vấn đề này và báo cáo Chính phủ để có định hướng phù hợp. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Viện KSND tỉnh cũng đã có một số ý kiến về lĩnh vực KT-XH. Theo đại biểu, mặc dù KT-XH nước ta đã có bước phát triển trong những năm qua, nhưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước. Vùng DTTS và miền núi đang trở thành lõi nghèo của cả nước. Khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi chậm được rút ngắn, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, y tế, giáo dục còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển chung của cả nước... Để việc phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi có hiệu quả, đại biểu đề nghị QH, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần tập trung vào một số giải pháp trên cơ sở phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, tăng cường nguồn đầu tư và hỗ trợ từ T.Ư với vai trò dẫn dắt và khai thông các nguồn lực địa phương. Đặc biệt vùng Tây Bắc là địa bàn luôn ẩn chứa những nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị, TTATXH và an ninh quốc gia, là nơi các tệ nạn xã hội và tội phạm diễn ra khá phức tạp như buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn lậu qua biên giới. Hiện tượng suy thoái và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường do quản lý, khai thác và sử dụng kém hiệu quả. Vì vậy, Tây Bắc vẫn là nơi có nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhất. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng tập trung thực hiện, kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết của QH, các đề án của Chính phủ liên quan đến chính sách cho đồng bào DTTS. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước và quan tâm hỗ trợ thị trường lao động, tạo việc làm cho những sinh viên là người DTTS sau tốt nghiệp đại học. Đổi mới chế độ tuyển dụng và sử dụng lao động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước trước khi triển khai đến người dân.