Ngày Lương thực Thế giới 16/10: 'Nước là sự sống, nước là thực phẩm. Không để ai bị bỏ lại phía sau'
Trước những thách thức về nước sạch trên toàn cầu, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đưa ra thông điệp cho Ngày Lương thực Thế giới năm 2023 là 'Nước là cuộc sống, nước là thực phẩm. Không để ai bị bỏ lại phía sau!'
Phát biểu nhân Ngày Lương thực Thế giới diễn ra hàng năm (16/10), Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc cho biết, khoảng 70% tổng lượng nước ngọt trên thế giới hiện được sử dụng cho nông nghiệp, việc con người thay đổi cách thức sản xuất trong lĩnh vực này được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất. Ngoài ra, “chìa khóa” để đạt được an ninh nước và lương thực toàn cầu còn cần dựa vào các nguyên tắc 4R - Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế và Thay thế. Việc quản trị tốt cũng là yếu tố quan trọng để phân bổ nước bền vững và công bằng, đặc biệt là khi quá trình đô thị hóa tăng tốc.
Tổng giám đốc FAO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện quản lý tài nguyên nước tổng hợp thông qua phối hợp phát triển và quản lý nước, đất đai và các tài nguyên liên quan để tối đa hóa phúc lợi của con người mà không ảnh hưởng đến tính bền vững của các hệ sinh thái quan trọng. FAO khuyến khích và hỗ trợ các quốc gia cần đầu tư cho các biện pháp quản lý nước hiệu quả và sáng tạo, như công nghệ tưới tiêu và lưu trữ nước hiện đại, cũng như các giải pháp dựa trên cơ sở khoa học để giải quyết tình trạng khan hiếm nước và ứng phó lũ lụt.
Trong 2 thập kỷ qua, Trái đất đã mất 1/5 lượng nước ngọt sẵn có. Đối với một số cộng đồng, hiện thực này còn tệ hơn nhiều. Trên thực tế, ở nhiều vùng đã mất 1/3 lượng nước ngọt sẵn có. Nếu không hành động ngay, toàn thế giới sẽ mất 1/3 lượng nước ngọt sẵn có, dựa trên sự gia tăng dân số hiện nay. Điều này có nghĩa chúng ta đang đứng trước nguy cơ không còn đường lùi, không thể cứu vãn.
Mặt khác, dân số thế giới tăng nhanh, đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu đều gây thiệt hại cho tài nguyên nước. Đồng thơi, ô nhiễm nguồn nước, khai thác không kiểm soát, thiếu phối hợp trong quản lý đa lĩnh vực, đa quốc gia đã tạo ra nhiều thách thức chồng chéo. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán và lũ lụt gia tăng đang đe dọa hệ sinh thái, gây nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu...
Trên thực tế, nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt tình trạng khô hạn ở mức độ nghiêm trọng, đe dọa các hoạt động kinh tế và làm ảnh hưởng cuộc sống mưu sinh của con người.
Báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) cho thấy hiện khoảng 50% dân số toàn cầu đối mặt tình trạng thiếu nước và tình hình này sẽ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, nước ngọt đang bị hoang phí và tình trạng làm ô nhiễm nguồn nước sạch đang xảy ra phổ biến ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới. Viện Đại học nước, môi trường và sức khỏe của Liên hợp quốc cảnh báo, khoảng 2/3 dân số trên thế giới sẽ đối mặt nguy cơ mất an ninh về nước sau năm 2030 nếu không có các biện pháp quyết liệt ngay từ bây giờ. Gần 1 tỷ tấn thực phẩm, tức khoảng 17% tổng số thực phẩm có sẵn cho người tiêu dùng trên toàn thế giới bị vứt bỏ mỗi năm, dẫn đến lãng phí các nguồn tài nguyên quý giá, chẳng hạn như nước, được sử dụng để sản xuất ra chúng.
Ảnh minh họa. Nguồn: fao.org
Tổng giám đốc FAO nhấn mạnh rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể trở thành những nhà quản lý nước ở nhiều cấp độ khác nhau, nhằm hướng tới “Bốn mục tiêu tốt hơn” (Four Betters) mà FAO đề ra, đó là Sản xuất Tốt hơn, Dinh dưỡng Tốt hơn, Môi trường Tốt hơn và Cuộc sống Tốt hơn để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Nước là cuộc sống, bởi vậy đảm bảo an ninh nguồn nước chính là bảo vệ cuộc sống của loài người trên hành tinh.
Chính phủ các nước cần xây dựng chính sách dựa trên cơ sở khoa học, tận dụng dữ liệu lớn; đổi mới, phối hợp liên ngành để quản lý nước tốt hơn. Hiểu mối liên hệ chặt chẽ giữa nước, năng lượng và thực phẩm, qua đó xây dựng kế hoạch hành động. Quan trọng là chúng ta cần dung hòa những nhân tố có tính cạnh tranh, không để lợi ích của nhóm nhỏ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái.
Ảnh minh họa. Nguồn: fao.org
Việt Nam gia nhập FAO từ năm 1950, nhưng đến năm 1978, FAO mới chính thức mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Trong hơn 30 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và FAO ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực: Hỗ trợ của FAO đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và lương thực ở Việt Nam một cách có hiệu quả và thu được những thành tựu to lớn. Cho đến nay, FAO đã giúp Việt Nam thực hiện hơn 100 dự án tập trung vào các lĩnh vực lập chính sách, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, an ninh lương thực, dinh dưỡng. Tổng số tiền viện trợ trị giá trên 100 triệu USD.