Ngày mai công bố điểm thi THPT quốc gia: Căng thẳng bịt lỗ hổng tiêu cực

Bộ GD&ĐT cho biết, sáng mai 14/7 sẽ công bố điểm thi THPT quốc gia 2019. Sau những biện pháp mạnh của Bộ GD&ĐT nhằm bịt lỗ hổng tiêu cực thi cử từng xảy ra tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình năm 2018, dư luận hy vọng điểm thi năm nay sẽ phản ánh đúng chất lượng thí sinh ở tất cả các địa phương trên cả nước.

Bàn thảo phương án chấm thi trắc nghiệm Ảnh: Nghiêm Huê

Bàn thảo phương án chấm thi trắc nghiệm Ảnh: Nghiêm Huê

Thông tin từ các địa phương, ngày 10/7 vừa qua đã hoàn tất công tác chấm thi. Ngay sau khi chấm thi xong, dữ liệu được chuyển về Bộ GD&ĐT. Tính đến ngày 12/7, dữ liệu điểm thi của thí sinh ở hầu hết các hội đồng chấm thi đã về đến Bộ.

Năm nay, với môn thi trắc nghiệm, quy trình chấm thi, xuất dữ liệu rất nghiêm ngặt. Đĩa dữ liệu đều được mã hóa, chỉ có phần mềm điểm thi của Bộ mới có thể mở được mã hóa này để đọc điểm cho thí sinh. Trên phần mềm điểm thi của Bộ, bất kỳ sửa chữa nào liên quan đến bài thi của thí sinh đều phải được ghi vào biên bản lưu lại. Khi dữ liệu chuyển về, phía Sở GD&ĐT cũng không thể sửa được điểm cho thí sinh (nếu có ý định) vì trên phần mềm điểm đã được mã hóa.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các hội đồng thi xuất kết quả thi từ phần mềm hỗ trợ chấm thi do Bộ GD&ĐT cung cấp ra 2 đĩa, 1 đĩa được lưu tại Sở GD&ĐT theo chế độ bảo mật, 1 đĩa được gửi bảo đảm ở chế độ mật về Cục Quản lý chất lượng để cập nhật kết quả thi vào hệ thống quản lý thi. Ngay sau khi cục này cập nhật kết quả thi vào hệ thống quản lý thi, các hội đồng thi sử dụng đĩa lưu trữ tại đơn vị đối chiếu với kết quả trên hệ thống, nếu có bất thường phải báo cáo ngay về Bộ GD&ĐT để xử lý. Chỉ khi nào hai đĩa dữ liệu (của Bộ và của Sở GD&ĐT) chạy cho ra kết quả trùng khít thì lúc đó mới hoàn thành quá trình đối sánh, tức là không có sai sót gì trong nhập điểm thi.

Bộ cũng cho biết, chậm nhất ngày hôm nay 13/7, hoàn thành công việc đối sánh kết quả thi ở tất cả các địa phương trên toàn quốc. Đến ngày mai 14/7, các Sở GD&ĐT sẽ công bố điểm thi THPT quốc gia 2019 cho thí sinh.

Với bài thi tự luận, năm nay điểm thi không nhập như năm 2019 mà nhập trực tiếp luôn vào phần mềm điểm thi. Năm 2018, bài thi môn Ngữ văn được các Sở GD&ĐT nhập vào file excel sau đó mới đưa vào phần mềm. Chính vì vậy mới có tình trạng sửa điểm môn này tại các địa phương xảy ra gian lận thi cử.

Trả lại đúng “vị trí” cho thí sinh?

Theo một chuyên gia, năm nay, với những giải pháp được đưa ra, điểm cao sẽ “đổi chiều” so với năm 2018, trả lại đúng vị trí mà những thí sinh xứng đáng đạt được. Vị chuyên gia này dự đoán, những tỉnh có truyền thống sẽ vẫn giữ phong độ như Nam Định, Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng. Những thí sinh điểm cao năm nay cũng sẽ tập trung ở những địa phương này, nhất là điểm cao những môn như Toán, Lý, Hóa. Còn các địa phương năm ngoái có tiêu cực, điểm cao năm nay sẽ không nhiều, nhất là những môn khoa học tự nhiên.

Vì theo vị chuyên gia, có hai nguyên nhân. Thứ nhất, phần lớn thí sinh ở các địa phương này đều chọn bài thi Khoa học xã hội. Các môn Khoa học tự nhiên không phải là điểm mạnh. Thứ hai, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH bằng kết quả thi THPT quốc gia ở các tỉnh này cũng rất thấp. Thống kê sơ bộ từ các địa phương cho thấy, các bài thi môn Ngữ văn điểm cao đang tập trung tại các hội đồng chấm thi thuộc vùng đồng bằng sông Hồng như Nam Định, Hà Nam… Các trường ĐH chấm thi trắc nghiệm cũng cho biết, điểm 10 các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh cũng tập trung ở các địa phương có truyền thống học tập này.

Còn nhớ, năm 2018, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, những bất thường về điểm thi tại các địa phương đã được dư luận phát hiện. Trong đó, đáng chú ý nhất là tại 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, số thí sinh đạt điểm cao các môn Toán, Ngoại ngữ, Vật lý, Sinh, Lịch sử chiếm một tỷ trọng đáng kể so với cả nước. Ví dụ như Hà Giang, cả nước chỉ có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên, trong đó Hà Giang có 36 thí sinh, chiếm 47,37% tổng số thí sinh cả nước đạt được mức điểm này. Số thí sinh đạt trên 27 điểm khối A (Toán-Lý-Hóa) của cả nước là 82, thì riêng Hà Giang đã có 29 (chiếm 35,3%).

Với môn Vật lý, tỉnh Hà Giang cũng có điểm thi cao bất thường. Toàn tỉnh có 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi số thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 chỉ 28. Môn Toán cũng xảy ra hiện tượng tương tự như môn Vật lý, số thí sinh đạt điểm 9-10 nhiều hơn số thí sinh đạt mức điểm từ 8-8,5. Trong danh sách 11 thí sinh điểm cao nhất cả nước cũng có 3 thí sinh đến từ Hà Giang. Chính những sự “ngược đời” này đã là chìa khóa để phanh phui vụ việc tiêu cực tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.

Những thay đổi, điều chỉnh trong phần mềm chấm thi, quy trình chấm thi, chủ thể chấm thi trắc nghiệm để hạn chế tiêu cực thi cử như năm 2018 đang được xã hội chờ đợi có hiệu ứng tức thì. Không những số lượng thí sinh điểm cao năm nay sẽ chuyển từ miền ngược về miền xuôi mà rất có thể, tỷ lệ tốt nghiệp năm nay cũng sẽ giảm ở chính các địa phương này. Vì điểm thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp chiếm tỷ trọng tới 70% cũng là một “bài toán khó” cho các thí sinh vùng sâu, vùng xa.

Thống kê sơ bộ từ các địa phương cho thấy, các bài thi môn Ngữ văn điểm cao đang tập trung tại các hội đồng chấm thi thuộc vùng đồng bằng sông Hồng như Nam Định, Hà Nam… Các trường ĐH chấm thi trắc nghiệm cũng cho biết, điểm 10 các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh cũng tập trung ở các địa phương có truyền thống học tập này.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/ngay-mai-cong-bo-diem-thi-thpt-quoc-gia-cang-thang-bit-lo-hong-tieu-cuc-1439801.tpo