Ngày mai, tuyên án loạt cựu lãnh đạo tỉnh Lào Cai

Tại tòa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai thừa nhận các sai phạm, song cho rằng đã 'tạo điều kiện' để phát triển kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Sau 9 ngày xét xử và nghị án kéo dài, 14 giờ chiều mai, ngày 29/5, Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai sẽ tuyên án sơ thẩm đối với 17 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, xảy ra tại Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama (Công ty Lilama) và các đơn vị liên quan.

Trong vụ án này, hàng loạt lãnh đạo đứng đầu tỉnh Lào Cai gồm cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Văn Hưởng, cùng 7 người là cựu lãnh đạo tỉnh, các sở ngành tại tỉnh Lào Cai đã phải hầu tòa do vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản, tạo điều kiện trái pháp luật cho doanh nghiệp thực hiện khai thác, tiêu thụ hàng triệu tấn quặng apatit, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng apatit.

Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng apatit.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai, từ năm 2012 đến năm 2015, các bị cáo nguyên là lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai và một số sở, ngành liên quan đã phê duyệt dự án xây dựng dự án khách sạn, nhà hàng cho Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama, trên diện tích lên tới 37,7 ha.

Hơn nữa, các bị cáo này cũng biết rõ có hơn 2,2 ha đất chồng lấn vào diện tích Khai trường 18 (tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai) đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch quặng apatit.

Tuy nhiên, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ, ký các văn bản trái quy định để phê duyệt dự án cho Công ty Lilama phần diện tích trên, qua đó tạo điều kiện cho các bị cáo thuộc Công ty Lilama và Công ty Apatit Việt Nam khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng apatit.

Số quặng này cũng được các bị cáo phê duyệt với chiêu bài “tận thu”, sau đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp tập kết, đưa đi tiêu thụ tại một số công ty chế biến quặng trên địa bàn.

Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận tội danh của mình, song cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cho rằng việc này “tạo điều kiện” để phát triển kinh tế cho doanh nghiệp và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai.

Các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân tỉnh Lào Cai.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama là người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ số quặng trên. Bị cáo này đã cấu kết với nhóm lãnh đạo Công ty Apatit Việt Nam để thực hiện các hoạt động khai thác, tiêu thụ.

Qua đó, Thừa đã hưởng lợi bất chính 171 tỷ đồng, Công ty Apatit hưởng lợi 184,5 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng đánh giá, hành vi của các bị cáo đã xâm hại đến uy tín của Nhà nước; đồng thời xâm phạm đến tính đúng đắn trong công tác quản lý Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài hành vi khai thác trái phép khoáng sản, Tổng giám đốc Công ty Lilama còn bị xử lý về tội “Rửa tiền”.

Theo đó, để hợp thức hóa nguồn tiền thu lợi bất chính, Nguyễn Mạnh Thừa thỏa thuận với 12 cá nhân có hợp đồng vận chuyển quặng để mượn tài khoản, sau đó chuyển tiền từ tài khoản của công ty vào tài khoản của 12 cá nhân này, với tổng số tiền hơn 182 tỷ đồng.

Sau đó, kế toán của Công ty Lilama đã cùng các cá nhân này đi rút tiền mặt về đưa cho Nguyễn Mạnh Thừa hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân của bị cáo này hơn 177 tỷ đồng.

Có số tiền này, Thừa đã dùng để mua bất động sản, mua cổ phần, chi tiêu cá nhân. Thêm vào đó, Thừa cũng “cảm ơn” cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh 5 tỷ đồng; và mua thêm đất của các hộ dân ngoài phạm vi dự án trên với mục đích để tiếp tục khai thác khoán sản trái phép.

Ngoài ra, Thừa cũng đưa tiền cho một số cán bộ, lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai và lãnh đạo các sở, ban ngành, lãnh đạo Công ty Apatit Việt Nam, tuy nhiên quá trình điều tra không làm rõ được.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai đã đề nghị tuyên phạt cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh từ 5-6 năm tù; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Doãn Văn Hưởng từ 4-5 năm tù; 7 bị cựu cán bộ còn lại các mức từ 2-4 năm tù giam hoặc hưởng án treo.

Cùng với đó, bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa bị đề nghị tuyên tổng hợp hình phạt chung là 7 năm đến 8 năm 6 tháng tù; Nguyễn Ngọc Bích, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Apatit Việt Nam từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Quang Huy, cựu Tổng giám đốc từ 3 năm đên 3 năm 6 tháng tù; 5 bị cáo khác từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù giam hoặc cho hưởng án treo.

Huệ Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngay-mai-tuyen-an-loat-cuu-lanh-dao-tinh-lao-cai-d216236.html